Còn gần 3 tháng nữa là hết năm 2019, trong khoảng thời gian này, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải nhanh chóng hoàn thành các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.
Đồng thời giải quyết những vấn đề “nóng” xảy ra trong thời gian qua như: hỗ trợ cho người dân bị thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự...
Sản xuất tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Hoàng Lộc |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Nhanh chóng hỗ trợ người dân
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho rằng, khi người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh trên đàn heo thì cuộc sống sẽ rất chật vật. Nếu tiền hỗ trợ của Nhà nước kịp thời chuyển đến những hộ dân bị ảnh hưởng, sẽ giúp họ nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Càng kéo dài thời gian chi trả, qua vài tháng mới chuyển được số tiền hỗ trợ đến người dân bị thiên tai, dịch bệnh thì ý nghĩa hỗ trợ không còn lớn nữa. Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Trong tháng 10-2019, các địa phương phải hỗ trợ xong thiệt hại cho các hộ dân bị dịch tả heo châu Phi. Trường hợp gặp vướng mắc phải báo cáo ngay cho tỉnh để tháo gỡ. Các huyện nếu để kéo dài thời gian hỗ trợ cho người dân thì chủ tịch UBND các huyện phải chịu trách nhiệm”. Đến nay, các huyện đã chi trả thực tế tiền hỗ trợ được 202/800 tỷ đồng cho các hộ chăn nuôi heo bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi.
Liên quan đến thiệt hại do bão lũ ở 2 huyện Tân Phú, Định Quán, lãnh đạo huyện Tân Phú cho hay, hiện đang tiến hành tổng hợp thiệt hại của người dân ở 4 xã bị lũ lụt và hoàn thành 65%. Huyện Định Quán đã tổng hợp mức thiệt hại ban đầu hơn 200 tỷ đồng.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn lưu ý: “Ngay sau bão lũ, lẽ ra 2 huyện Tân Phú, Định Quán phải thống kê ngay thiệt hại của người dân để tỉnh hỗ trợ. Nhưng các địa phương làm quá chậm, để sự việc qua đi gần 2 tháng vẫn chưa hỗ trợ được cho dân. Vì vậy, thời gian tới, phải gấp rút hoàn thành công tác thống kê để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do thiên tai”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, tỉnh nên có quy định rõ ràng về hưởng hỗ trợ trong thiên tai, dịch bệnh để tránh xảy ra những phát sinh không đáng có.
* “Chạy đua” những tháng cuối năm
Từ nay đến cuối năm, tỉnh còn một số chỉ tiêu phải có những giải pháp kịp thời mới mong đạt được kế hoạch. Cụ thể mỗi tháng, tỉnh phải thu khoảng 4 ngàn tỷ đồng mới đạt dự toán năm và đảm bảo cho nguồn chi ngân sách.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai cho biết: “Hiện ngành thuế đang tập trung rà soát lại tất cả các khoản thu và có giải pháp để tăng thu, cố gắng đến cuối năm sẽ hoàn thành dự toán”.
Vấn đề cấp bách mà các sở, ngành, địa phương cũng phải dốc sức thực hiện là giải ngân vốn cho những dự án đầu tư công. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà, khả năng giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh năm nay chỉ đạt trên 90%. Nhiều vướng mắc khiến dự án đầu tư công giải ngân chậm không chỉ riêng Đồng Nai mà các tỉnh, thành khác cũng gặp phải và đang kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ để khơi thông giải ngân nguồn vốn ngân sách cho các dự án, công trình.
Với Đồng Nai, gánh nặng lớn nhất vẫn là bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự án này cũng đang gặp khó trong giải ngân vốn vì những vướng mắc liên quan đến những quy định của Trung ương.
Năm 2019, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh gần 19 ngàn tỷ đồng. Trong đó, riêng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gần 7 ngàn tỷ đồng, hiện giải ngân được trên 233 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh cũng phải tập trung công tác phòng chống dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường trong nước, mở rộng xuất khẩu, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong dịp cuối năm.
Hương Giang