Kinh tế

Phát triển công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai đi trước

Tính đến đầu tháng 10-2019, công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai đã đáp ứng trên 60%. Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã đi trước cả nước trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Quy định của Chính phủ là đến năm 2020, công nghiệp hỗ trợ sẽ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Tại Đồng Nai, tính đến đầu tháng 10-2019, công nghiệp hỗ trợ đã đáp ứng trên 60%. Có được kết quả này là nhờ tỉnh đã đi trước cả nước trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Sản xuất thiết bị máy móc tại Công ty TNHH công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom). Ảnh: H.GIANG
Sản xuất thiết bị máy móc tại Công ty TNHH công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom). Ảnh: H.GIANG

TIN LIÊN QUAN
Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, từ hơn 10 năm trước, tỉnh đã đặt ra quy định thu hút đầu tư FDI có chọn lọc. Trong đó, ưu tiên cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Do đó, Đồng Nai hiện là một trong số ít các địa phương có công nghiệp hỗ trợ phát triển nhất trong cả nước.

* Dẫn đầu cả nước

Trong định hướng thu hút công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ yêu cầu tập trung vào 3 lĩnh vực là: linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày da; công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Các dự án công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai thu hút được chủ yếu là 3 lĩnh vực trên.

Chính phủ chỉ mới ban hành quy định thu hút đầu tư FDI có chọn lọc gần 3 năm nay, song Đồng Nai đã thực hiện chính sách này được hơn 10 năm. Do đó, dòng vốn FDI vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đứng vào tốp đầu trong cả nước và được nhiều doanh nghiệp đánh giá là “thủ phủ” của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai chia thành nhiều nhóm ngành khác nhau gồm: xơ sợi dệt, vải, dụng cụ phụ tùng, linh kiện điện tử, thiết bị cho các loại máy móc, nguyên liệu đầu vào cho ngành giày dép... Nhiều tập đoàn nổi tiếng thế giới trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã có mặt tại Đồng Nai như: Bosch, Hyosung, Fujitsu, Schaeffler, Vision Group, Kenda, Mabuchi Motor…

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng, hơn 10 năm nay, tỉnh đã nghiêm túc thực hiện định hướng thu hút đầu tư FDI có chọn lọc nên nguồn vốn FDI đầu tư vào Đồng Nai có khoảng gần 50% thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Mục tiêu của tỉnh trong việc ưu tiên thu hút vốn cho ngành công nghiệp hỗ trợ là nhằm cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn và nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc hưởng các ưu đãi về thuế quan từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực. “Từ nhiều năm trước, trong các cuộc xúc tiến đầu tư sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức, Đài Loan... tỉnh đều ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Do đó, doanh nghiệp FDI đến Đồng Nai đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, cung cấp sản phẩm đầu vào cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh” - ông Nguyên nói.

Dẫn đầu trong đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp là các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai chia sẻ: “Khoảng 4-5 năm trở lại đây, có làn sóng doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp, trong đó, có nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hiện Hàn Quốc đã đầu tư vào Đồng Nai hơn 6,2 tỷ USD dẫn đầu các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh”.

* Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa

Ngày 18-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 68/QĐ-CP về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016-2025. Theo đó, đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa.

Thực tế, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào Đồng Nai đầu tư đã kéo theo các doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để cung ứng nguyên liệu đầu vào cho mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chú ý tìm nguồn nguyên liệu trong nước để nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Ông Peter Wu, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan, Tổng giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Boss (Khu công nghiệp Sông Mây, huyện Trảng Bom) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các thiết bị máy móc cung cấp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, đồng thời phục vụ cho xuất khẩu. Những năm gần đây, các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước khá nhiều nên công ty đã nâng công suất để đáp ứng các đơn hàng. Dù là công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhưng công ty rất chú trọng tìm nguồn nguyên liệu sắt thép trong nước”.

Cũng theo ông Peter Wu, hầu hết các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Đồng Nai đều liên kết tìm nguồn nguyên liệu tại Việt Nam để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm. Vì thế, thị trường tiêu thu nội địa, xuất khẩu đều được mở rộng và khá thuận lợi.

Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty cổ phần giày dép cao su màu Đồng Nai đánh giá: “Trước đây, nguyên liệu sản xuất giày dép phải nhập khẩu 80-95%, nhưng 2-3 năm nay, nguồn cung nguyên liệu trong nước đã nâng lên, đáp ứng 40-60%. Thậm chí có những đơn hàng, nguyên liệu trong nước chiếm 70-80%” và nguồn cung ngày càng dồi dào”. Nhiều doanh nghiệp trên lĩnh vực may mặc cũng cho biết, nguyên phụ liệu trong nước ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng được nâng lên, tỷ lệ nguyên liệu trong nước đạt 50-60%, cá biệt có đơn hàng đạt 90%.

* Hấp dẫn nhà đầu tư

Đồng Nai hiện đang dần trở thành “thủ phủ” ngành công nghiệp hỗ trợ của cả nước. Bên cạnh các dự án FDI đầu tư mới vào công nghiệp hỗ trợ thì nhiều doanh nghiệp trên lĩnh vực này tại Đồng Nai cũng không ngừng mở rộng sản xuất như: Meggitt, Fujitsu, Kenda, Bosch, Hyosung... Tại những doanh nghiệp này, nguồn vốn đầu tư đã tăng từ 1,5-3 lần so với ban đầu.

Ông Cao Tiến Sỹ, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nhận định: “Đồng Nai thực hiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc đã nhiều năm  nên dòng vốn FDI vào tỉnh đúng theo yêu cầu. Công nghiệp hỗ trợ chiếm hơn 60% và trở thành nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào lớn cho cả nước và xuất khẩu. Điều này tạo sức hút lớn cho nhà đầu tư FDI, vì doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh dễ tìm được nguồn nguyên liệu ngay trong tỉnh”.

Đồ họa thể hiện sự gia tăng số lượng doanh nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đồng Nai từ năm 2016 đến nay, các địa phương có nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh và tỷ lệ đáp ứng của công nghiệp hỗ trợ đối với nhu cầu sản xuất nội địa. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện sự gia tăng số lượng doanh nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đồng Nai từ năm 2016 đến nay, các địa phương có nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh và tỷ lệ đáp ứng của công nghiệp hỗ trợ đối với nhu cầu sản xuất nội địa. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Dù là thu hút đầu tư FDI có sự chọn lọc kỹ về lĩnh vực, công nghệ nhưng Đồng Nai vẫn hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Khoảng 5 năm trở lại đây, thu hút vốn đầu tư FDI vào tỉnh đều vượt từ 20-50% so với kế hoạch năm. Hơn 9 tháng của năm 2019, Đồng Nai đã thu hút đầu tư nước ngoài được trên 1,42 tỷ USD, vượt kế hoạch năm trên 42%.

Theo đánh giá của Tổng lãnh sự Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... trong những lần đoàn công tác các nước thăm và làm việc với Đồng Nai gần đây những năm tới tỉnh vẫn là điểm đến của nhiều doanh nghiệp FDI vì hội tụ nhiều ưu thế là cửa ngõ giao thông của vùng, hạ tầng khu công nghiệp hoàn chỉnh, khí hậu tốt, công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Ông Jun Maeda, Giám đốc phụ trách kinh doanh quốc tế của Cục Kinh tế thương mại vùng Kansai (Nhật Bản) phân tích, trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng như vùng Kansai sẽ đầu tư vào tỉnh. Đồng Nai nên tạo điều kiện kết nối doanh nghiệp Đồng Nai với Nhật Bản để cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho nhau.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,274,694       8/1,020