Kinh tế

'Mở đường' cho nông sản Đồng Nai

Đồng Nai có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có lợi thế xuất khẩu như: điều, cà phê, tiêu, các loại trái cây… lâu nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đồng Nai có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có lợi thế xuất khẩu như: điều, cà phê, tiêu, các loại trái cây…lâu nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chế biến hạt điều tại Công ty TNHH một thành viên thương mại Minh Nghĩa Thịnh (huyện Xuân Lộc)
Chế biến hạt điều tại Công ty TNHH một thành viên thương mại Minh Nghĩa Thịnh (huyện Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên

TIN LIÊN QUAN
Song, hiện thị trường này đang thu hẹp lại do đặt tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng và quy chuẩn xuất khẩu nên nông sản Việt gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Để “mở đường” cho nông sản, nhiều doanh nghiệp, nông dân đã đầu tư công nghệ cao, sản xuất sạch để sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...Tại thị trường nội địa, họ cũng tăng cường đưa nông sản vào các kênh siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch đang nở rộ thời gian gần đây, vốn chuộng rau quả ngoại cao cấp.

* Xuất khẩu gặp khó

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh nhấn mạnh, không còn giải pháp nào khác để phát triển nông nghiệp bền vững bằng liên kết sản xuất. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung hình thành một số mô hình điểm về chuỗi giá trị cho nông sản đạt chuẩn xuất khẩu. Ở thị trường nội địa, Đồng Nai sẽ trở thành nguồn cung ứng nông sản chất lượng cao chủ yếu cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của năm 2019 tăng thấp, chỉ hơn 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái (mức tăng của 9 tháng năm 2018 so với năm 2017 là gần 10,7%). Nguyên nhân là do giá của một số mặt hàng nông sản giảm mạnh như: hạt điều, tiêu, cà phê, cao su...

Ngoài ra, thị trường xuất khẩu các mặt hàng trên tại một số nước thu hẹp cũng làm cho kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng thấp. Cụ thể, hạt tiêu xuất khẩu đạt gần 28,7 triệu USD, tăng hơn 3,8%, song mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái; hạt điều đạt 236,8 triệu USD, giảm gần 2,6%; cà phê đạt trên 302 triệu USD, giảm hơn 16% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do giá giảm khiến nhiều mặt hàng vẫn tăng sản lượng xuất khẩu nhưng giá trị thu về lại thấp hơn.

Hiện giá cà phê, điều bán ra thị trường vẫn ở mức thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất. Cụ thể, giá tiêu tại Đồng Nai chỉ khoảng 39-40 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 20 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê từ 32-34 ngàn đồng/kg, mức giá này nông dân hầu như không có lợi nhuận.

Ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice (vốn đầu tư Hà Lan, trụ sở tại tỉnh Bình Dương, có dự án cánh đồng lớn cây tiêu tại Đồng Nai) nhận xét, dự báo thị trường Trung Quốc sẽ khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực gấp đôi, gấp ba để đẩy mạnh xuất khẩu tiêu, cà phê sang các thị trường khác như: Trung Đông, châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc... Kết quả, từ đầu năm đến nay, sản lượng nhiều loại nông sản như: tiêu, điều, cà phê... xuất khẩu tăng lên rõ rệt. Nhưng giá trị lại giảm vì nguồn cung trên thị trường thế giới lớn hơn cầu, doanh nghiệp muốn tăng sản lượng bán ra buộc phải giảm giá.

Theo ông Lâm, những tháng tới tình hình xuất khẩu nông sản sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì thị trường Trung Quốc khó vào hơn, các thị trường khác cũng đã bão hòa do trước đó tăng nhập khẩu. Đặc biệt khoảng 2 tháng nay, Trung Quốc cấm nhập khẩu tiểu ngạch nên nhiều doanh nghiệp bị đình đốn hoạt động xuất khẩu nông sản.

Hiện các doanh nghiệp trữ hàng cho thị trường cuối năm đang trở thành những “trái bom nổ chậm”, không biết lúc nào sẽ “bùng nổ” và gây tác động xấu đến thị trường. Ngoài ra, cuối năm nay và đầu năm sau, các mặt hàng tiêu, điều, cà phê... lại vào niên vụ mới càng gây áp lực lên thị trường tiêu thụ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm G.C (huyện Trảng Bom) chia sẻ, xuất khẩu cà phê ngày càng cạnh tranh quyết liệt vì thị trường đã cân bằng với quá nhiều ông lớn tham gia. Do thị trường này hiện cung vượt cầu, doanh nghiệp buộc phải giảm giá để cạnh tranh nên hiệu quả xuất khẩu không cao.

* Để không lệ thuộc thị trường

Để gỡ bài toán khó về thị trường xuất khẩu khi thị trường Trung Quốc đang trở thành cánh cửa hẹp, cả nông dân và doanh nghiệp đều phải nỗ lực thay đổi từ khâu sản xuất, chế biến để tìm thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Năm, thành viên của Hợp tác xã hồ tiêu Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, hiện nhiều xã viên đang chuyển hướng sang sản xuất tiêu sạch. Sản phẩm tiêu sạch đang được hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp bao tiêu cao hơn giá mặt bằng chung ngoài thị trường để xuất khẩu vào các thị trường châu Âu với đầu ra ổn định hơn.

Ông Nguyễn Văn Thứ cho biết thêm: “Khi thấy thị trường xuất khẩu cà phê, điều sang Trung Quốc gặp khó khăn, tôi cố gắng tìm thêm nguồn khách hàng từ các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, tôi cũng phải giảm bớt sản lượng sản xuất dòng hàng này và tập trung vào dòng sản phẩm thế mạnh đang xuất khẩu tốt vì ít cạnh tranh hơn như: nha đam, thạch dừa...”.

Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất khẩu của 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai trong 9 tháng của năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất khẩu của 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai trong 9 tháng của năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Từ nhiều tháng nay, các doanh nghiệp chế biến hạt điều cũng gặp không ít khó khăn khi thị trường lớn là Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nông sản bằng đường tiểu ngạch. Bà Trần Thị Diệu Cương, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Minh Nghĩa Thịnh (huyện Xuân Lộc) cho biết, doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng vì đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Trước đây, sản phẩm ngon đều được chọn lọc để xuất khẩu. Nhưng gần đây, doanh nghiệp ưu tiên nguyên liệu này để làm dòng hạt điều rang muối chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng trong nước. “Khi xây dựng được uy tín thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm, chúng tôi dần mở rộng được kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa. Dòng sản phẩm chế biến này có giá trị cao hơn hẳn làm hạt điều gia công xuất khẩu” - bà Diệu Cương nói.

Năm 2013, phong trào cà phê thật, cà phê rang xay phát triển rầm rộ ở những đô thị lớn nhưng khá mới lạ với các vùng quê. Ông Nguyễn Tuấn Anh, chủ Cơ sở rang xay cà phê Nguyên Anh (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) đã chọn thị trường ngách ở các vùng quê cho sản phẩm cà phê sạch của cơ sở. Theo ông Tuấn Anh: “Dù bán sản phẩm ở các vùng quê nhưng chúng tôi vẫn rất chăm chút cả về chất lượng lẫn khâu bao bì sản phẩm. Nhờ đi từng bước chậm mà chắc nên cơ sở được người tiêu dùng tin tưởng chọn lựa và hiện đã có mặt nhiều tỉnh, thành chứng tỏ cơ hội còn rất lớn khi khai thác hiệu quả thị trường ngách này”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,276,466       13/1,037