Kinh tế

Hiểu đúng về 'sống xanh'

"Sống xanh" là một trào lưu đang được hưởng ứng toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, nhiều người chọn lối sống này trong sinh hoạt cá nhân để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.

“Sống xanh” là một trào lưu đang được hưởng ứng toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, nhiều người chọn lối sống này trong sinh hoạt cá nhân để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm  CHANGE (thứ hai từ trái qua) giới thiệu và khuyến khích sử dụng đèn năng lượng mặt trời
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm CHANGE (thứ hai từ trái qua) giới thiệu và khuyến khích sử dụng đèn năng lượng mặt trời. Ảnh: A. Nhiên

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm hành động và liên kết vì môi trường và phát triển (viết tắt là Trung tâm CHANGE, trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh) từng được vinh danh là Anh hùng khí hậu Việt Nam trong khuôn khổ của Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2015 tại Pháp, người khởi xướng trào lưu “sống xanh” ở Việt Nam cho biết, “sống xanh” đơn giản là “zero waste” (không thải ra rác)... Đây là lối sống thân thiện,  ít tác động lên môi trường và tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu lượng rác thải ra bên ngoài.

* Chọn lối sống tối giản

Theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, trào lưu “sống xanh” đang ngày càng phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam, nhiều người, nhất là các bạn trẻ đã và đang thực hành lối sống này.

Phó bí thư Tỉnh đoàn Bùi Thị Nhàn: Để nhiều bạn trẻ hưởng ứng lối “sống xanh”

 “Sống xanh” đang là một trào lưu sống hiện đại được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, điều đó rất có lợi cho môi trường. Để nâng cao ý thức của đoàn viên thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là phong trào “chống rác thải nhựa”, Tỉnh đoàn đang phát động rộng khắp đến các cơ sở Đoàn hạn chế và tiến đến không sử dụng chai, ly nhựa dùng một lần; đồng thời khuyến khích phong trào tái chế rác thải thành những đồ dùng có ích cho đời sống, việc làm này đang được giới trẻ hưởng ứng tích cực.

Là người tích cực hưởng ứng lối “sống xanh”, chị Phạm Như Uyên, một nhân viên ngân hàng ở TP.Biên Hòa chia sẻ, chị chủ trương không mua sắm nhiều quần áo và  đồ dùng sinh hoạt, hạn chế các loại hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa. Dụng cụ nhà bếp, nấu ăn chị ưu tiên chọn đồ thủy tinh, sành sứ, inox chứ không dùng đồ nhựa. Đặc biệt là mỹ phẩm, chị sử dụng loại gốc thiên nhiên, nhưng cũng chỉ mua một lượng nhỏ đủ dùng. Chị tận dụng những nguyên liệu có sẵn trong nhà để làm đẹp như: đắp mặt nạ bằng dưa leo, cà chua, ủ tóc bằng trứng gà… Khi đi làm, chị  luôn mang theo chiếc ly sứ có nắp đậy, ngay cả khi đi trà sữa, cà phê với bạn, chị cũng dùng chiếc ly này để uống, chứ không sử dụng chai hoặc ly nhựa.

“Cách sống này giúp tôi không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giảm được lượng rác thải ra môi trường, nhất là rác nhựa” - chị Uyên nói.

Những năm gần đây, bà Võ Phương Lan (một giáo viên về hưu ở phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) lựa chọn lối “sống xanh” để góp phần bảo vệ môi trường sống. Mỗi tuần gia đình bà chỉ ăn 2 lần thịt, chuyển sang ăn cá và nhiều rau củ quả. Bà đi chợ bằng giỏ cói và chỉ mua một lượng thực phẩm vừa đủ, tận dụng khoảnh sân trước nhà để trồng rau và giàn quả leo để có thêm thực phẩm sạch.

Để hình thành thói quen “sống xanh” tối giản và thân thiện môi trường với nhiều người hẳn không dễ. 3 năm nay, chị Đặng Ngọc Anh (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) thực hành theo phương châm “sống tối giản”. Trong căn nhà của chị, những thứ không dùng hoặc ít dùng đến là chị đem bán hoặc cho người khác, chị “đoạn tuyệt” với tư tưởng “cứ để đấy rồi sẽ có lúc dùng đến”.

“Thoạt đầu, khi quyết tâm cho đi các đồ dùng trong nhà, lúc cần đến không có mình thấy cũng khó chịu vì thiếu thốn, gặp quần áo đẹp cũng phải “đấu tranh” tư tưởng để quyết không mua, đi bộ 2km đi làm mỏi chân nhưng dần cũng quen. Giờ thì tôi cảm thấy cuộc sống rất thoải mái, bớt cảm giác lệ thuộc vào những thứ ngoài mình. Tôi chủ động thay đổi từng việc để nâng dần chất lượng cuộc sống theo hướng tích cực cho cả bản thân lẫn môi trường” - chị Ngọc Anh tâm sự.

* Lan tỏa lối “sống xanh”

Bà Hoàng Thị Minh Hồng kể, cách đây hơn chục năm, khi đang làm việc tại Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), bà đọc được cuốn sách nổi tiếng Nhà không rác của  tác giả người Mỹ Bea Johnson và nảy sinh ý định khởi xướng phong trào “sống xanh”  bắt đầu từ bản thân, bạn bè.

Khi trở thành giám đốc Trung tâm CHANGE năm 2013, bà đã chính thức phát động phong trào “sống xanh” với tên “I change” (tôi thay đổi) và đã có rất nhiều hoạt động truyền thông liên quan đến lối “sống xanh”.

Theo đó, Trung tâm CHANGE cổ vũ cộng đồng hướng tới cuộc sống tối giản với 5 chữ “R” mà tác giả Bea Johnson đưa ra: refuse (từ chối), reduce (giảm thải), reuse (tái sử dụng), recycle (tái chế) và rot (tận dụng)... Bà Minh Hồng hào hứng cho rằng, mỗi cá nhân thực hành những điều trên, chúng ta sẽ có cá nhân “sống xanh”, rồi sẽ có “ngôi nhà xanh” không rác và từ đó sẽ là “cộng đồng xanh” không rác thải...

Ống hút và muỗng bằng tre đang được dùng thay thế cho đồ nhựa
Ống hút và muỗng bằng tre đang được dùng thay thế cho đồ nhựa

Bà Hồng kể, thời gian đầu khi khởi xướng phong trào “I change” kêu gọi thực hành lối “sống xanh” tối giản, thân thiện với môi trường, nhiều người thắc mắc “sống tối giản” là trở lại cuộc sống lạc hậu, thiếu thốn xưa như: không dùng máy lạnh, không tắm nước nóng để đỡ tốn điện, không đi ô tô để giảm khí thải... sống thế thì khác gì trở lại thời khó khăn ngày xưa.

Tuy nhiên theo bà Hồng, cần hiểu đúng về “sống xanh”. Đây chính là lối sống tối giản các tiện ích phục vụ bản thân và cũng là cách tiêu dùng khôn ngoan. “Sống xanh” bắt đầu từ những việc đơn giản mà ai cũng làm được như: tắt máy xe khi chờ đèn đỏ từ 25 giây trở lên, bơm căng bánh xe để đi đỡ tốn xăng, sử dụng năng lượng tái tạo, dùng hóa mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tiết giảm đồ dùng nhựa, đồ dùng 1 lần, giảm ăn thịt hay không để nhiệt độ máy lạnh quá thấp rồi phải đắp mền, mặc thêm áo ấm...

“Trào lưu “sống xanh” không hề làm giảm chất lượng cuộc sống mà trái lại nó giúp con người bớt lệ thuộc vào tài nguyên, điều đó cũng có nghĩa là bớt tác động vào môi trường. Đây chính là gốc rễ giữ cho hành tinh này mãi xanh” - bà Hồng chia sẻ.

Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường) Đặng Thị Thùy Dương: Bảo vệ môi trường từ hành động nhỏ nhất

Hiện nay, vấn nạn lớn nhất của môi trường là chất thải nhựa. Nhiều người đang lạm dụng sự tiện ích của đồ nhựa, đồ dùng một lần bỏ, vừa tốn tiền, vừa gây lãng phí tài nguyên lại tăng áp lực xử lý môi trường.

Nhiều năm qua, chi cục đã phối hợp với Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn tổ chức truyền thông cho học sinh, sinh viên hạn chế sử dụng đồ nhựa, đồ dùng một lần. Tuy nhiên, hiệu quả thu được còn hạn chế bởi tính tiện ích của đồ nhựa quá lớn và thói quen khó bỏ đối với loại vật liệu này trong giới trẻ.

Đây cũng là vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường mà chi cục cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền trong thời gian tới, để mọi người cùng hưởng ứng bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất như hạn chế dùng đồ nhựa sử dụng 1 lần.

An Nhiên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,277,032       7/1,044