Đến đầu tháng 8-2018, thu ngân sách nội địa của tỉnh được gần 16,7 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 43% so với dự toán. Để hoàn thành kế hoạch năm thì trong gần 5 tháng còn lại, mức thu nội địa phải đạt gần 21,7 ngàn tỷ đồng.
Doanh nghiệp, người dân làm thủ tục đóng thuế tại Chi cục Thuế Biên Hòa. Ảnh: H.GIANG |
Theo Sở Tài chính, năm 2018 Trung ương giao chỉ tiêu thu nội địa cho Đồng Nai gần 38.350 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước (tương đương 4.800 tỷ đồng). Với tốc độ kinh tế tăng trưởng khoảng 8-9%/năm thì con số thu nội địa này khá cao khiến tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
* Áp lực vì tăng thu
Đồng Nai là một trong 5 địa phương có nguồn thu ngân sách lớn nhất cả nước. Tăng trưởng kinh tế thường ổn định ở mức 8-9%/năm, song nguồn thu nội địa của Đồng Nai gấp trên 10 lần so với nhiều tỉnh khác, do đó khi dự toán giao thu năm sau cao hơn năm trước chỉ cần vài phần trăm cũng lên đến cả ngàn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế thì 4 lĩnh vực có thể giúp Đồng Nai tăng thu nội địa là: rà soát lại lĩnh vực chuyển quyền sử dụng đất, chuyển giá, gian lận thương mại, đấu giá đất công. Riêng chuyển quyền sử dụng đất, nhiều cá nhân còn lợi dụng kẽ hở kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn nhiều lần so với giá bán thực tế để đóng thuế ít. |
Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Lê Hữu Đảng cho biết: “Năm trước thu ngân sách của huyện được giao là 600 tỷ đồng, nhưng năm 2018 tăng lên 1.040 tỷ đồng, mức tăng trên 40%. Đây là điều rất khó khăn cho địa phương vì trong khi Nhà nước đang có nhiều chính sách miễn giảm thuế nhưng thu ngân sách luôn năm sau cao hơn năm trước quá nhiều”.
Lãnh đạo nhiều địa phương khác cũng cho rằng dự toán thu ngân sách giao cho từng nơi chỉ nên cao hơn 2-3% so với mức tăng trưởng kinh tế. Như vậy, các địa phương sẽ bớt khó khăn và áp lực trong thu ngân sách và phù hợp hơn.
Cùng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Luận, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Biên Hòa nói: “Doanh thu của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố năm 2018 cũng chỉ tương đương với năm 2017 nhưng thu ngân sách được giao tăng 23%, tương đương 550 tỷ đồng. Điều này khiến thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong việc phải tìm các nguồn thu khác để bù vào cho đạt kế hoạch được giao”.
Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều than khó khi kế hoạch thu ngân sách năm sau giao cao hơn rất nhiều so với năm trước. Nguồn thu nội địa của tỉnh tập trung ở những địa bàn phát triển như: TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch.
* Mỗi tháng thu 4.330 tỷ đồng
Muốn đạt được kế hoạch năm thì trong những tháng còn lại, Đồng Nai phải thu được 4.330 tỷ đồng/tháng. Đây là con số khá lớn nên các sở, ngành, địa phương buộc phải tìm cách để tăng thu qua kiểm tra quyết toán, thu nợ, chống thất thu từ các kinh doanh trên các lĩnh vực, thu tiền từ sử dụng đất, chuyển giá...
Ông Nguyễn Xuân Quang, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai chia sẻ: “Năm 2018, Đồng Nai có rất ít dự án lớn đi vào sản xuất nên thu ngân sách khó tăng cao. Vì thế muốn tăng thu ngân sách, các địa phương nên rà soát để thu hồi nợ, kiểm tra kỹ để chống thất thu thuế, thu từ chuyển quyền sử dụng đất, đấu giá đất...”.
Năm nay, thu nội địa khó khăn còn do các hiệp định thương mại tự do tiếp tục giảm thuế về 0% theo lộ trình làm giảm đi nguồn thu lớn. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp đang tiến hành tái cơ cấu, chưa phát sinh thuế giá trị gia tăng. “Từ đầu năm đến nay chỉ có thu từ xuất nhập khẩu giữ được mức tăng trưởng khá. Đến thời điểm này đã thu được gần 9,8 ngàn tỷ đồng, đạt gần 65% so với dự toán và tăng 17% so với cùng kỳ. Thu ngân sách từ lĩnh vực này chắc chắn sẽ hoàn thành hoặc vượt kế hoạch” - ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc Sở Tài chính nhận định.
Thu nội địa hiện có gần 20 lĩnh vực khác nhau, để hoàn thành chỉ tiêu được giao UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát lại tất cả các lĩnh vực thu hồi nợ. Bên cạnh đó tập trung vào phát hiện gian lận thương mại, chuyển giá nhằm truy thu thuế. Mới đây, trong cuộc họp về tình hình kinh tế 7 tháng của năm 2018 và đưa ra giải pháp cho những tháng cuối năm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường yêu cầu ngành thuế nên phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường và các địa phương thu hồi nợ từ tiền sử dụng đất vì số ghi nợ còn khá lớn. Thu hồi được khoản nợ này có thể tăng thêm nguồn thu nội địa.
Hương Giang