Trong thời buổi mạng xã hội phát triển như hiện nay, người tiêu dùng ngồi nhà cũng có thể lên mạng chọn mua hàng qua các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... với nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian.
Mua hàng online có nhiều tiện ích, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng băn khoăn về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm (ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, việc mua hàng online cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Nhiều khách hàng băn khoăn với “ma trận” các sản phẩm được quảng cáo, bày bán trên nhiều trang thương mại điện tử lớn như: Lazada, Shopee, Sendo... Nhiều sản phẩm “hàng hiệu” về thời trang, nước hoa... được rao bán với giá “bèo” trên các trang thương mại điện tử này.
* Băn khoăn “ma trận” hàng hóa
Anh Khổng Minh Hiếu, sinh viên Trường đại học Đồng Nai cho biết: “Tôi thường xuyên lựa chọn phương thức mua hàng online. Ngoài những tiện lợi, tôi thấy còn có một số bất cập. Ví dụ, nhiều lúc cùng một sản phẩm mà giá chênh lệch khá cao giữa các trang mua sắm hàng qua mạng, khó phân biệt được hàng thật hay hàng nhái”. Theo anh Hiếu, thông tin sản phẩm không rõ ràng cũng khiến người dùng lo ngại. Anh từng đặt mua một sản phẩm thực phẩm chức năng từ một sàn giao dịch điện tử, khi nhận hàng mới biết sản phẩm đó đã sắp hết hạn sử dụng.
Các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua hàng online trên những website đã được Bộ Công thương xác thực. Còn khi mua hàng trên trang mạng xã hội, người tiêu dùng nên lựa chọn những địa chỉ bán hàng có thông tin cụ thể, chính xác, đầy đủ, có website doanh nghiệp. Khi mua hàng online, người tiêu dùng cũng nên tìm hiểu trước về giá cả sản phẩm, nếu quá rẻ hoặc có giá bất thường nên tìm cách liên hệ với cửa hàng để tìm hiểu lý do cũng như yêu cầu xem xét hàng hóa trước khi thanh toán, yêu cầu có hóa đơn mua hàng, phiếu bảo hành... để lưu lại làm căn cứ xử lý khi có vấn đề xảy ra liên quan đến hàng hóa, sản phẩm. |
Chị Mỹ Trinh (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Có một lần khi đặt mua đôi giày thể thao qua một shop bán hàng online, tôi đặt size 35 nhưng đôi giày khi tôi nhận được lại có size 36. Điều đáng nói, shop này đã cạo số 6 đi, chỉ chừa lại số 3 trên nhãn sản phẩm. Tôi yêu cầu đổi trả nhưng được thông báo đã hết hàng”.
Sản phẩm rao bán trên mạng từ “thượng vàng hạ cám” luôn tiềm ẩn những nguy cơ cao về hàng giả, hàng kém chất lượng. Thậm chí, gần đây sàn thương mại điện tử Shopee đã phải thu hồi, gỡ bỏ sản phẩm đồ chơi trẻ em có tên gọi “Bản đồ cắm cờ các nước” được đăng trên hệ thống vì sản phẩm này có hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp...
Vào tháng 5 vừa qua, thông qua việc theo dõi hoạt động kinh doanh qua internet, Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai phát hiện, xử phạt 65 triệu đồng đối với Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Ngọc Linh Sâm, trụ sở chính đặt tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom vì sản xuất mỹ phẩm không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và không thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng TP.Hồ Chí Minh kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG) - đơn vị tư vấn và cung cấp các giải pháp chống hàng giả chia sẻ: “Chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa... là những điều mà người tiêu dùng khó có thể xác thực được khi mua hàng online. Khi xem hình ảnh sản phẩm trên các kênh bán hàng trực tuyến, người tiêu dùng cũng không dám chắc là sẽ mua được hàng đúng như mình nhìn thấy, đúng với mô tả sản phẩm. Mua phải hàng không đúng kỳ vọng, mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, bị từ chối bảo hành hoặc không hề có bảo hành... là điều thường xuyên xảy ra đối với người tiêu dùng khi mua hàng online hiện nay”.
* Quản lý Khó khăn
Theo ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp (Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai), việc kiểm tra, xử lý những vi phạm về mua bán hàng qua mạng không dễ, đặc biệt là khó tìm ra danh tính thật của chủ thể kinh doanh.
Điều này khiến việc rà soát, quản lý mô hình kinh doanh trên mạng, kiểm soát giá cả thị trường của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng khó tiếp cận kho hàng hóa, sản phẩm, nơi sản xuất - kinh doanh để tìm ra xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm...
Đối với hình thức mua hàng qua internet, một trong những khó khăn lớn của cơ quan chức năng là việc truy thu thuế. Đặc biệt, hình thức kinh doanh trên các kênh mạng xã hội như: Fanpage Facebook, trang cá nhân Facebook, Zalo... nhiều trường hợp người bán hàng không dùng danh tính thật để kinh doanh, mơ hồ về thông tin, trụ sở kinh doanh, thậm chí không có thông tin địa chỉ nơi bán hàng.
Đối với hình thức mua hàng qua internet, một trong những khó khăn lớn của cơ quan chức năng là việc truy thu thuế. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Đồng Nai) chia sẻ: “Việc quản lý, thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiện nay vẫn là một bài toán nan giải. Đặc biệt, hình thức kinh doanh trên các kênh mạng xã hội như Fanpage Facebook, trang cá nhân Facebook, Zalo...”.
Cục Thuế Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các cơ quan quản lý khác của Nhà nước, các nhà mạng, cũng như đôn đốc các chi cục thuế địa phương tăng cường công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra, thông tin - tuyên truyền đối với các cá nhân, doanh nghiệp... có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử về việc kê khai, nộp thuế theo quy định...
Hải Quân