2 vụ vi phạm về nhãn mác, nguồn gốc, chất lượng hàng hóa đình đám nhất trong vài tháng qua, ái ngại thay lại đến từ những hệ thống kinh doanh lâu nay được người tiêu dùng tin cậy: Mumuso và Con Cưng.
Đồng Nai sẽ rà soát kiểm tra các cửa hàng, siêu thị Con Cưng (Ảnh: tư liệu) |
Đầu tiên là vụ vi phạm của hệ thống cửa hàng bán hàng xuất xứ Hàn Quốc Mumuso. Mumuso là hệ thống cửa hàng bán hàng hóa Hàn Quốc nổi tiếng với toàn bộ quảng cáo đều cho người tiêu dùng hiểu rằng hệ thống chỉ bán hàng xuất xứ Hàn Quốc. Song, khi kiểm tra toàn bộ hoạt động của Mumuso, kết luận của Bộ Công thương cho thấy về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, Mumuso Việt Nam kinh doanh 2.273 loại hàng hóa, tuy nhiên có đến 99,3% loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, phần còn lại được công ty này mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước. Mặt khác, tại thị trường Hàn Quốc không có chuỗi cửa hàng thương hiệu Mumuso (nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam).
Như vậy rõ ràng lâu nay, người tiêu dùng gần như hoàn toàn hiểu lầm rằng mình đang mua hàng Hàn Quốc, trong khi thực chất là đang mua và sử dụng hàng Trung Quốc. Vụ này tương tự vụ vi phạm của chuỗi cửa hàng khăn lụa cao cấp Khải Silk bị phát giác bán 100% khăn lụa Trung Quốc chứ không phải lụa Việt Nam như quảng cáo.
Vụ việc chuỗi cửa hàng Con Cưng là vụ việc vi phạm khá nghiêm trọng diễn ra gần đây khi cơ quan chức năng phát hiện chuỗi cửa hàng này vi phạm hàng loạt: kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn, chứng từ; kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước (made in Vietnam) nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latinh; có giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hóa; bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức; bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép...
Những vi phạm này trầm trọng đến nỗi mới đây Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phải yêu cầu kiểm tra toàn bộ các hoạt động kinh doanh nằm trong các “chuỗi cửa hàng” như Mumuso để hạn chế “vi phạm theo chuỗi” diễn ra trên quy mô rộng lớn, bởi những chuỗi cửa hàng này phân bố trên toàn quốc.
Thực tế, bán hàng Trung Quốc hay hàng Thái Lan, hàng Việt Nam hay Hàn Quốc đều không vi phạm bất kỳ quy định pháp luật nào nếu người bán rõ ràng, minh bạch về chất lượng và xuất xứ. Vấn đề ở đây là người bán đã vi phạm “quyền được thông tin” đầy đủ của người tiêu dùng, thậm chí cung cấp những thông tin sai lệch trá hình về nguồn gốc sản phẩm để trục lợi, và đây rõ ràng là hành vi cần nghiêm trị.
Vi Lâm