Kinh tế

Trẻ cần những bữa cơm chất lượng ở trường

TS.Lê Văn Tuấn công tác tại Vụ Giáo dục và thể chất Bộ GD-ĐT là người đã có nhiều năm tham gia các dự án nâng cao giá trị dinh dưỡng bữa ăn ở trường học trên khắp cả nước. Ông Tuấn đã triển khai phần mềm cân bằng thực phẩm dinh dưỡng cho các trường mầm non và tiểu học ở hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước.

Ông cũng đã nhiều lần cùng với Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) thực hiện khảo sát chất lượng bữa ăn trong các trường mầm non và tiểu học tại Đồng Nai.

Ông Tuấn chia sẻ, tình hình bữa ăn học đường ở một số trường mầm non và tiểu học tại Đồng Nai, nhất là với những trường có đông con của công nhân, người lao động các khu công nghiệp cần thay đổi theo hướng khoa học hơn.

* Bữa ăn của trẻ chỉ no, chưa ngon

 Ông nhận thấy gì từ thực tế chất lượng dinh dưỡng trong các bữa ăn ở các trường học hiện nay?

- Hiện nay mới chỉ có số ít trường học đảm bảo được chất lượng bữa ăn khoa học, đủ chất dinh dưỡng. Còn khá nhiều trường việc thực hiện bữa ăn cho học sinh được giao cho nhân viên cấp dưỡng thực hiện chưa được đào tạo bài bản, chưa qua trường lớp, do đó cách lên thực đơn, cách chế biến thường theo cảm tính, không phù hợp, cơ cấu chất dinh dưỡng chưa cân bằng. Có thể học sinh mới chỉ được ăn no mà chưa ngon, chưa khoa học.

 Nguyên nhân nào khiến nhiều trẻ còn chưa được ăn ngon và khoa học, thưa ông?

- Ngày nay vì nhiều nguyên nhân mà nhiều trẻ chưa được ăn ngon, chưa được ăn đủ chất và chưa khoa học.

Chúng tôi sẽ giới thiệu cho Đồng Nai tham khảo các mô hình bếp ăn hiện đại theo tiêu chuẩn của Nhật Bản đã được triển khai rất thành công tại TP.Hồ Chí Minh. Ở các bếp ăn này, ngoài trang thiết bị hiện đại, nhân viên cấp dưỡng được tập huấn bài bản về cách chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm bài bản và khoa học.

Nhiều phụ huynh hoàn cảnh khó khăn, nhất là công nhân vốn thu nhập thấp nên chỉ chọn gửi con ở những cơ sở giáo dục có mức thu học phí thấp, mức thu học phí thấp thì có thể không đủ chi phí để trường cho trẻ ăn ngon và khoa học được. Điều này thậm chí xảy ra cả với con của các gia đình có kinh tế khá giả nhưng do quá bận việc mà không quan tâm đúng mức đến chuyện con mình ở trường ăn có đủ no, đủ chất dinh dưỡng và khoa học không.

Một nguyên nhân rất quan trọng là nhiều trường hiện có nhân viên cấp dưỡng nhưng chưa được đào tạo bài bản, do đó thiếu kiến thức về dinh dưỡng khi nấu ăn cho trẻ.

 Theo ông, hệ quả lâu dài của việc trẻ không được tiếp cận những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng và khoa học là gì?

- Điều này chắc chắn phụ huynh ai cũng biết. Khi trẻ không được cung cấp đủ dinh dưỡng qua các bữa ăn thì dễ dẫn đến suy dinh dưỡng. Còn khi trẻ ăn nhiều nhưng không khoa học thì dễ dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì và nhiều hệ lụy khác. Nói tóm lại cả 2 vấn đề này đều ảnh hưởng tới một vấn đề chung là sức khỏe lâu dài, quá trình phát triển về thể trạng và cả kết quả học tập của trẻ.

 Ở các bếp ăn trong trường học hiện có những nguy cơ nào tiềm ẩn đe dọa đến sức khỏe học sinh mà ông cảm thấy lo lắng?

- Mất an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nguy cơ đe dọa sức khỏe của học sinh thường trực xuất hiện trong mỗi bữa ăn ở trường học. Đây là mối lo lắng của cả nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội. Khi nó không may xảy ra thì ảnh hưởng không chỉ một số, mà có thể rất nhiều trẻ em cùng lúc, và rất không tốt cho trẻ.

 Vậy theo ông, bữa ăn khoa học và đủ chất dinh dưỡng cần được nhận thức đầy đủ như thế nào?

- Do đặc thù công việc của phụ huynh nên nhiều trẻ hiện nay ăn số bữa ăn/tuần ở trường nhiều hơn ăn ở nhà. Cụ thể nhiều học sinh ăn bữa sáng và trưa ở trường từ thứ hai đến thứ bảy, chỉ có bữa tối là ăn ở nhà. Với trẻ, một bữa ăn trong ngày cũng rất quan trọng, do đó từ nhà trường đến phụ huynh đều phải chú ý đến chất lượng bữa ăn cho trẻ một cách khoa học, bài bản. Việc thực hiện tốt chất lượng bữa ăn sẽ giúp trẻ phát triển đồng đều về thể chất, trí tuệ, chiều cao, giảm các nguy cơ về béo phì.

* Không cần quá nhiều tiền

 Ông từng tham gia nhiều năm vào các dự án dinh dưỡng học đường, nhất là các dự án cân bằng dinh dưỡng ở các trường bán trú có bếp ăn. Vậy theo ông làm thế nào học sinh có thể ăn ngon và đủ chất dinh dưỡng mà phù hợp với hoàn cảnh phụ huynh?

- Nếu nhà trường biết tính toán một cách khoa học thì không nhất định phụ huynh phải đóng nhiều tiền để học sinh được ăn ngon. Thực ra sáng tạo thì có nhiều cách để thực hiện được vấn đề này. Nhà trường mua thực phẩm thường với số lượng tương đối lớn và thường xuyên nên có thể mua được với giá cả phù hợp. Hơn nữa có thể tận dụng các nguồn thực phẩm tại địa phương mình nhưng cần biết rõ về chất lượng và nguồn gốc thực sự. Ngoài ra nếu trường có điều kiện thì có thể tăng gia một số thực phẩm như trồng các loại rau xanh, hay tiết kiệm các chi phí như: điện, nước...

 Do hoàn cảnh phụ huynh mỗi người một khác nên không phải phụ huynh nào cũng có đủ điều kiện cho con ăn ngon, và không phải trường nào cũng có nhân viên cấp dưỡng chuyên nghiệp. Vậy làm thế nào để có thể cân bằng điều này?

- Đây là vấn đề khó, nhưng rất cần được giải quyết làm sao để trẻ được cân bằng dinh dưỡng một cách khoa học nhất, vì cho trẻ đủ chất dinh dưỡng ngay từ khi còn nhỏ sẽ có lợi về lâu dài cho không chỉ đối với trẻ, với phụ huynh mà còn với xã hội. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam nghiên cứu và cho ra đời phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Phần mềm này còn được sự tư vấn hỗ trợ của nhiều chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia - Bộ Y tế, và nó kỳ vọng giải quyết được nhiều vấn đề khó khăn hiện nay về điều kiện kinh tế của phụ huynh, trình độ của nhân viên cấp dưỡng hiện nay.

 Vậy phần mềm này có gì đặc biệt và có dễ ứng dụng vào các trường hiện nay?

- Phần mềm do Bộ GD-ĐT phối hợp với Công ty TNHH Ajinomoto Việt Nam thực hiện giúp cung cấp và xây dựng những thực đơn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng, ngon miệng và hỗ trợ công tác quản lý bữa ăn bán trú. Điều thuận lợi là phần mềm được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho các trường, và mỗi trường tiểu học bán trú đăng ký một tài khoản để sử dụng đầy đủ các chức năng. Cụ thể, phần mềm sẽ giúp các trường tiếp cận một ngân hàng thực đơn phong phú, lên đến 120 thực đơn sẵn có với trên 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa. Nó đã được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi, đa dạng và ngon miệng. Thậm chí nhờ phần mềm này mà các trường không phải tốn nhiều thời gian tính toán và quản lý chi phí bữa ăn của học sinh.

 Vậy Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ gì để các trường ở Đồng Nai có thể triển khai rộng rãi phần mềm này?

- Thời gian qua chúng tôi đã khảo sát tình hình thực hiện các bữa ăn trong các trường mầm non và tiểu học bán trú tại Đồng Nai. Các trường mẫu giáo và mầm non đều đã có bếp ăn, và các trường đã cố gắng nhiều trong nghiên cứu những phương pháp nấu ăn cho trẻ đảm bảo ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng và khoa học. Tuy nhiên, các món ăn còn khá đơn điệu, nhân viên cấp dưỡng chưa thực sự hiểu sâu về dinh dưỡng, cách chế biến để dinh dưỡng trong thực phẩm được giữ một cách tốt nhất.

Chúng tôi đã tiến hành được 1 khóa tập huấn cho trên 200 người là cán bộ quản lý các trường mầm non và tiểu học về sử dụng phần mềm cân bằng dinh dưỡng. Trong năm học tới các trường có thể bắt đầu triển khai ngay phần mềm này.

 Xin cảm ơn ông!

Công Nghĩa (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,444,332       6/963