Đồng Nai nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về xây dựng dự án cánh đồng lớn theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, kết quả thực hiện xây dựng cánh đồng lớn đến nay được đánh giá vẫn còn chậm và chưa xứng với tiềm năng.
Dù có dự án cánh đồng lớn cây chôm chôm nhưng hiện loại nông sản này vẫn bán trôi nổi trên thị trường vì chưa tạo được liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch chôm chôm tại xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc). |
Một trong những nguyên nhân chính là chương trình chưa thực sự thuyết phục được nông dân. Ngoài những nguyên nhân khách quan, sức ì và cách nghĩ còn ngắn hạn, lối làm ăn xem trọng lợi ích trước mắt... cũng là rào cản không nhỏ.
* Chưa hấp dẫn
Sau 5 năm thực hiện Quyết định 62, toàn tỉnh có 19 dự án cánh đồng lớn được phê duyệt với tổng diện tích trên 7 ngàn hécta với trên 6 ngàn hộ dân tham gia.
Trong thực tế, các dự án triển khai mang lại hiệu quả thiết thực chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều dự án đã triển khai còn thiếu tính bền vững, thậm chí... chết yểu. Cụ thể, dự án cánh đồng lớn cho cây mía tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu) từng được đánh giá đạt hiệu quả cao, nhưng đến nay cánh đồng lớn này hầu như không còn tồn tại. Ông Lê Văn Phẩm, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông nghiệp Trị An - đơn vị triển khai dự án cánh đồng lớn cho cây mía cho biết: “Cánh đồng lớn cây mía hơn 50 hécta hiện hầu như đã chuyển đổi sang các cây trồng khác. Hợp tác xã cũng đang trong giai đoạn giải thể. Nguyên nhân chính vì nông dân thấy lợi nhuận từ cánh đồng mía quá thấp”.
Hàng loạt khó khăn khác cũng khiến cánh đồng lớn chưa hấp dẫn với cả doanh nghiệp và nông dân như: điều kiện hỗ trợ của chính sách khuyến khích phát triển cánh đồng lớn còn rắc rối, định mức hỗ trợ lại thấp, thủ tục còn rườm rà, phức tạp. Cụ thể, nguồn kinh phí tỉnh bố trí để hỗ trợ cho các dự án cánh đồng lớn được duyệt trong năm 2017 là trên 10 tỷ đồng nhưng kết quả giải ngân chỉ được trên 800 triệu đồng (chưa đến 8%).
Phó chủ tịch UBND TX.Long Khánh Trần Mộng Thành chỉ ra những khó khăn: “Dự án cánh đồng lớn phê duyệt rồi vẫn nằm trên giấy vì còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Ai cũng ngại vì thủ tục nhận hỗ trợ quá nhiêu khê, phức tạp và mất thời gian. Các doanh nghiệp đều từ chối làm chủ đầu tư dự án mà chỉ tham gia cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm”.
Nguyên nhân khiến nông dân chưa mặn mà với cánh đồng lớn còn là sự thiếu tin tưởng vào sự bền vững của chuỗi liên kết. Ông Trần Văn Trung, nông dân trồng chuối tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) chia sẻ: “Không ít lần doanh nghiệp về vùng nguyên liệu chuối đặt vấn đề liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Người dân đổ xô trồng chuối khi nghe có doanh nghiệp bao tiêu hàng xuất khẩu. Nhưng khi thị trường bất lợi, doanh nghiệp bỏ mặc nông dân tự xoay xở. Hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân vẫn mang tính hình thức vì hầu như chưa có giá trị ràng buộc trách nhiệm giữa các bên”.
* Không chỉ nhìn ngắn hạn
Ngoài những khó khăn khách quan đến từ thị trường hoặc từ doanh nghiệp, thực tế cho thấy nguyên nhân chủ quan còn do bản thân nông dân còn chạy theo cái lợi trước mắt, còn trông chờ hỗ trợ và sẵn sàng phá vỡ cam kết với doanh nghiệp khi giá thị trường cao hơn. Bà Nguyễn Thị Kim Mai, chủ trang trại tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) nhận xét: “Rất nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản và các thị trường khó tính đã đến Đồng Nai đặt vấn đề xuất khẩu trái xoài. Nhưng nông dân mình đâu có làm ra được trái xoài đủ chuẩn xuất khẩu. Nông dân nên nghĩ lại cách làm và cách tư duy của mình là vẫn quen với lối sản xuất manh mún, chưa coi trọng việc liên kết, đồng thời ý thức giữ chữ tín, giữ cam kết với doanh nghiệp chưa cao”.
Đồng Nai không thiếu những vùng chuyên canh cây xoài với các dự án cánh đồng lớn đang được triển khai nhưng đầu ra cho trái xoài vẫn bấp bênh. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). |
Dự án cánh đồng lớn cây điều xen canh ca cao tại Trảng Bom đã bước đầu cho lợi ích thiết thực như: giá bao tiêu sản phẩm cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường, dự án được đầu tư về điện, về đường giao thông... Nhưng ông Đường Minh Giang, Giám đốc Hợp tác xã điều An Viễn (huyện Trảng Bom) lại chỉ ra khó khăn không nhỏ khi triển khai thực hiện: “Nhiều hộ đăng ký tham gia dự án nhưng khi triển khai lại rút lui hoặc có tâm lý chờ xem sao mới làm. Điều này gây khó khăn không nhỏ trong việc điều chỉnh hồ sơ, thủ tục dự án. Mong Nhà nước, doanh nghiệp tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ và mạnh dạn tham gia”.
Bình Nguyên