Kinh tế

Mùa mật "đắng"

Giá mật ong xuất khẩu liên tục lao dốc khiến cho giá mật trong nước bị giảm mạnh, các hộ nuôi ong đang gặp không ít khó khăn. Chưa kể, nhiều hộ nuôi ong đang bị tồn đọng mật không tiêu thụ được.

Anh Phan Văn Hậu, chủ trại ong ở xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) đang kiểm tra ong.
Anh Phan Văn Hậu, chủ trại ong ở xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) đang kiểm tra ong.

Một số người nuôi ong đang tính toán đến việc phải giảm đàn để tránh bị lỗ nếu tình trạng giá mật giảm kéo dài liên tục trong thời gian tới.

* Mật rẻ hơn đường

Ông Vũ Văn Tiến, một người nuôi ong ở xã Đông Hòa (huyện Trảng Bom) cho biết trong 3 năm gần đây giá mật ong liên tiếp giảm. Hiện tại giá mật ong bán tại trại chỉ còn 20 ngàn đồng/kg, giảm một nửa so với năm 2015. Theo so sánh của ông Tiến, giá mật ong đang thấp hơn cả giá đường, cụ thể giá 1kg đường trắng bán trên thị trường là 21 ngàn đồng trong khi đó giá mật ong chỉ có 20 ngàn đồng. Ông Tiến chia sẻ: “Hiện nay nuôi ong lấy mật gần như diễn ra quanh năm nên người nuôi không phải sử dụng đường cho ong ăn (vào thời gian không khai thác được mật) nhiều như trước đây, nếu không sẽ lỗ nặng”.

Theo Hội Nuôi ong Việt Nam, chỉ trong 2 năm qua sản lượng mật ong của Việt Nam giảm từ 50 ngàn tấn/năm xuống còn 30 ngàn tấn/năm. Giá mật ong xuất khẩu cũng bị giảm mạnh trong 3 năm vừa qua, từ 2 ngàn USD/tấn xuống còn 1.300 USD/tấn. Ông Đặng Bá Long, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần ong mật TP.Hồ Chí Minh cho rằng với giá mật xuất khẩu thấp như hiện nay rất bất lợi cho các công ty xuất khẩu mật ong của Việt Nam và ảnh hưởng mạnh đến người nuôi ong.

Ông Đoàn Khanh, chủ trại ong có quy mô 200 thùng ong ở xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) và chuyên đi nuôi ong lấy mật tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cho hay, với những loại mật lấy từ cây keo lai ở miền Trung có màu sẫm thì giá bán chỉ được từ 15-17 ngàn đồng/kg, khi mật ngả xuống màu tối hơn thì giá thậm chí chỉ còn 10 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của ông Khanh, những lô mật bán được giá 20 ngàn đồng/kg thì hòa vốn, còn bán thấp hơn giá trên là bị lỗ. “Trung bình mỗi năm tôi khai thác từ 30-40 tấn mật, hơn 10 ngày sẽ thu hoạch mật một lần. Mật thu hoạch được đến đâu phải bán đến đó, bởi vì mật ong không giống những sản phẩm nông nghiệp khác như cà phê hay tiêu, khi thấy giá thấp thì người sản xuất có thể trữ lại chờ tăng giá được” - ông Khanh nói.

Nhiều hộ nuôi ong khác cũng cho biết, giá mật thấp nên các đơn vị thu mua cũng không mấy mặn mà và khá kén chọn khiến mật càng trở nên khó tiêu thụ. Nếu như ở thời điểm giá mật ong cao, các công ty xuất khẩu mật ong hỗ trợ cho người nuôi ong bằng nhiều hình thức, trong đó có cả việc ứng tiền trước để mua vật tư thì nay người nuôi ong phải tự “bơi”, thậm chí bán mật nhưng phải cho “gối đầu”, chấp nhận thu tiền chậm.

* Có thể giảm đàn

Theo Hội Nuôi ong Việt Nam, nguyên nhân chính khiến giá mật ong trên thế giới giảm mạnh là do nguồn cung cao hơn cầu. Các chuyên gia ngành ong mật trên thế giới còn chỉ ra, mật ong của Việt Nam thu hoạch chưa chín dẫn đến bị lên men ngoài mong muốn hoặc ngừng lên men.

Một vấn đề khá khó cho ngành ong mật Việt Nam đó là vấn đề màu mật. Ông Phan Đình  Trọng, Giám đốc Công ty cổ phần ong mật Đồng Nai cho biết, một trong những nguyên nhân khiến giá mật ong Việt Nam xuất khẩu thấp hơn mật ong một số nước khác trên thế giới chính là do màu mật không theo được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Màu mật đẹp hay không do nguồn mật được khai thác từ mật hoa hay mật lá và theo thời tiết. “Riêng thủy phần (độ nước trong mật) thì có thể khống chế được nhưng màu mật thì không thể xử lý được đó là việc rất khó.” - ông Trọng nói.

Giá mật ong giảm kéo dài khiến nhiều người nuôi ong đang phải giảm đàn. Ông Phan Văn Kỉnh, đại diện Hợp tác xã ong mật Thừa Đức (xã Thừa Đức) cho biết, giá mật ong thấp nên việc tiêu thụ cũng khá khó khăn, hiện hợp tác xã đang bị tồn kho hơn 15 tấn mật không bán được.

Theo ông Kỉnh, đây là năm mật ong có giá thấp nhất từ trước tới nay. “Nhiều người nuôi ong không trụ được đã phải bỏ nghề chuyển sang làm việc khác, những người còn cố bám được đến nay cũng đang tính toán giảm đàn để duy trì. Hiện nay người nuôi ong hoàn toàn bị động về đầu ra, khi nào các doanh nghiệp xuất được hàng lúc đó mới thu mật cho” - ông Kỉnh nói.

Nơi được xem là khu vực người nuôi ong tập trung nhiều của tỉnh là ấp 4, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ trước đây có hơn 40 hộ nuôi ong thì nay đã giảm xuống còn khoảng 30 hộ. Dự đoán nếu giá mật thấp vẫn kéo dài thì số lượng người bỏ nghề nuôi ong sẽ chưa dừng lại.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,447,641       6/978