Kinh tế

Heo trong nước giá cao, năng suất thấp

Hơn 2 tháng trở lại đây, giá heo hơi trong nước liên tục tăng và hiện lên mức thuộc tốp đầu thế giới. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 6-2018 Việt Nam đã chi trên 1 triệu USD nhập khẩu 678 tấn thịt heo, tăng trên 50% về trị giá và sản lượng so với tháng trước đó.

 

Giá heo hơi trong nước sẽ phải điều chỉnh về mức phù hợp với thị trường thế giới. Trong ảnh: Trại nuôi heo tại TX. Long Khánh.
Giá heo hơi trong nước sẽ phải điều chỉnh về mức phù hợp với thị trường thế giới. Trong ảnh: Trại nuôi heo tại TX. Long Khánh.

Một số chuyên gia trong ngành chăn nuôi cảnh báo, giá heo sốt như hiện nay chỉ mang tính tạm thời và dần sẽ điều chỉnh về mức phù hợp với mặt bằng chung của thị trường thế giới. Người nuôi heo không nên nhìn vào mức giá cao hiện nay để tăng đàn, mà phải tính đến bài toán giảm chi phí đầu tư.

* Thuộc tốp đầu về giá

Trước đây khi thị trường Trung Quốc không nhập heo Việt Nam thì hầu như heo Đồng Nai không xuất đi phía Bắc. Nhưng hơn 1 tháng trở lại đây, do sự chênh lệch về giá giữa khu vực miền Nam và miền Trung, miền Bắc, heo hơi từ Đồng Nai bắt đầu lại xuất đi miền Bắc trở lại. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Ông Đồn (huyện Xuân Lộc), hơn 1 tháng qua, trung bình mỗi ngày có từ 500-600 con heo từ Đồng Nai đưa về các tỉnh, thành như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội... tiêu thụ. Về heo giống thì cũng có khoảng 1 ngàn con/ngày được đưa về các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận...

Theo một số đơn vị sản xuất heo giống, giá heo cao là do nguồn cung trên thị trường còn hạn chế vì dù gần đây người nuôi có tập trung tái đàn thì cũng cần thời gian để có lứa heo mới. Dù có thông tin người nuôi đổ xô tăng đàn, nhưng thực tế tổng lượng heo con giống cung cấp ra thị trường không thể tăng đột biến, vì các cơ sở sản xuất giống cần cả năm để tăng đàn hậu bị và sản lượng heo giống.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi heo Đồng Nai nhận xét: “Giá heo cao có lý do mất cân đối cung - cầu vì trước đó người nuôi bỏ đàn nhiều. Tuy nhiên, nguồn heo vẫn đảm bảo cho nhu cầu thị trường nội địa. Cụ thể, giá heo hơi các tỉnh phía Bắc suốt gần 2 tháng qua cao hơn hẳn Đồng Nai nhưng vẫn chưa xảy ra tình trạng đưa heo ồ ạt ra Bắc tiêu thụ. Nguyên nhân chính vẫn là do mức giá cao đến 56-57 ngàn đồng/kg chỉ mang tính cục bộ chứ không phải giá sốt do không còn nguồn cung heo”.

Hiện giá heo hơi tại Đồng Nai từ 50-51 ngàn đồng/kg. Chỉ tính với mức giá trên, heo hơi Việt Nam vẫn đang thuộc tốp đầu về giá trên thị trường thế giới. Cụ thể, giá thịt heo nhập khẩu trung bình về Việt Nam chỉ tương đương ở mức 35 ngàn đồng/kg. Ông Phạm Minh Đạo, chủ trại nuôi heo tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) so sánh: “Với mức giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi cao như hiện nay, giá thành heo hơi tại trại kín theo quy mô công nghiệp như của tôi cũng lên đến 35-36 ngàn đồng/kg. Heo nuôi nhỏ lẻ ngoài hộ dân thường có chi phí cao hơn, chưa kể phải khấu hao thêm tỷ lệ hao hụt vì dịch bệnh”.

Theo đó, chi phí nuôi heo của Việt Nam cao hơn nhiều so với nhiều nước vì đang phải nhập khẩu từ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y đến con giống... Ông Đạo phân tích hiện 1 con heo nái Việt Nam chỉ nuôi được từ 8-12 con/lứa, trong khi nhiều nước đạt mức 16-18 con/lứa; mức tăng trưởng của heo nội địa cũng thấp hơn so với nhiều nước. Điều này cho thấy công nghệ chăn nuôi của Việt Nam còn kém khá xa so với mặt bằng chung trên thế giới.

* Sẽ về mức hợp lý

Dự báo, heo hơi Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên mặt bằng giá mới trong thời gian gần vì nguồn cung thiếu hụt. Tuy nhiên, ông Phan Văn Danh, Phó chủ nhiệm Hội Doanh nhân Việt kiều Úc đồng thời là Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) lại chỉ ra rằng tình trạng sốt giá này chỉ duy trì trong một thời gian ngắn. Vì giá heo cao, người nuôi đang tăng đàn, doanh nghiệp thì tăng nhập khẩu thịt heo nên thời gian tới giá mặt hàng này buộc phải điều chỉnh về mức hợp lý.

Ông Danh nói: “Giá heo Việt Nam cao nhất thế giới nhưng lợi nhuận của người nuôi chưa đạt mức tương xứng vì năng suất chăn nuôi từ khâu con giống đến quản lý chăn nuôi còn kém. Người chăn nuôi muốn tồn tại phải tính toán lại bài toán chi phí để có giá thành cạnh tranh chứ không nên nhìn vào mặt bằng giá hiện nay mà đầu tư theo phong trào”.

Ông Kiều Minh Lực, Giám đốc di truyền giống của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam
(TP.Biên  Hòa) cũng cho rằng sự mất cân đối cung - cầu khiến giá heo cao như hiện nay chỉ mang tính tạm thời vì tổng đàn heo vẫn đủ cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ nội địa, chưa kể nguồn heo nhập khẩu. “Thị trường sốt giá không phải là cơ hội tốt để mở rộng đầu tư. Người chăn nuôi nên thận trọng trong dự báo về thị trường và cần chuyển hướng đầu tư một cách bài bản. Bởi, hiện nay heo nhập chủ yếu dùng cho chế biến nên chưa trực tiếp cạnh tranh với thị trường bán lẻ, nhưng nếu giá vẫn chênh lệch quá cao thì heo nhập sẽ tiếp tục tràn về” - ông Lực khuyến cáo.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,449,072       7/984