Kinh tế

Muốn vươn xa hơn, phải giữ chữ tín đầu tiên

Ông Nguyễn Minh Kha, quê Khánh Hòa song lại chọn Đồng Nai làm nơi lập nghiệp. Không thuộc lớp "lão làng" trong ngành nuôi gà ở Đồng Nai, song Trang trại Miền Đông của ông lại là đơn vị đầu tiên đạt chứng chỉ thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu GlobalGAP với sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chí xuất khẩu sang Nhật Bản - thị trường được coi là "khó tính" vào bậc nhất.

Ông Nguyễn Minh Kha, quê Khánh Hòa song lại chọn Đồng Nai làm nơi lập nghiệp. Không thuộc lớp “lão làng” trong ngành nuôi gà ở Đồng Nai, song Trang trại Miền Đông của ông lại  là đơn vị đầu tiên đạt chứng chỉ thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu GlobalGAP với sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chí xuất khẩu sang Nhật Bản - thị trường được coi là “khó tính” vào bậc nhất.

Ông Kha chia sẻ, ông chọn cách làm “chậm và chắc” cho nghề nuôi gà, đeo bám các tiêu chí sản xuất sạch chứ không theo đuổi lợi nhuận trước mắt. Và với ông, không phải quy mô hay kỹ thuật mà chữ tín trong hợp tác mới là điều cần trân trọng nhất.

Vào thời điểm 2015-2016, Công ty TNHH Koyu & Unitek được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn hỗ trợ xuất khẩu thịt gà đi Nhật. Sau quá trình sàng lọc, hệ thống Trang trại Miền Đông với 36 chuồng nằm tại 3 khu vực (2 ở huyện Long Thành và 1 ở huyện Tân Phú) do ông Nguyễn Minh Kha làm chủ là đơn vị đầu tiên được chọn để sản xuất thịt gà sạch đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản.

* Trang trại gà đầu tiên đạt GlobalGAP

 Ông khởi nghiệp bằng nghề nuôi gà ra sao?

- Ba mẹ tôi là nông dân làm ruộng ở Vạn Ninh, Khánh Hòa nên bản tính tôi là người chịu lam lũ khá tốt. Tôi học chuyên ngành tài chính, ra trường và làm kế toán trong khoảng 10 năm, đến năm 2009 tôi khởi nghiệp chăn nuôi gà tại Đồng Nai. Sau nhiều năm, gia đình tôi phát triển được 3 trang trại ở Long Thành và Tân Phú với sản lượng khoảng 720 ngàn con.

Cuối năm 2014, chúng tôi hợp tác với Công ty TNHH Koyu & Unitek cùng tham gia chuỗi liên kết khép kín định hướng xuất khẩu gà sang Nhật Bản. Trong 3 năm đầu khi chưa khai thông được kênh này, 100% sản phẩm trang trại tiêu thụ thị trường trong nước, giá cả thị trường trong nước lên xuống thất thường, sản lượng không ổn định nên chuỗi liên kết gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên định mục tiêu chăn nuôi gà sạch, an toàn theo tiêu chuẩn Nhật Bản để phục vụ xuất khẩu và thị trường nội địa. 

 Tôi cho rằng khi nào người chăn nuôi dám khẳng định sự an toàn và uy tín thương hiệu của mình, đồng thời dám chịu trách nhiệm đến cùng sản phẩm do mình làm ra thông qua hồ sơ truy xuất nguồn gốc thì nhà phân phối cũng như người tiêu dùng sẽ có niềm tin để sử dụng sản phẩm.

Tôi cho rằng khi nào người chăn nuôi dám khẳng định sự an toàn và uy tín thương hiệu của mình, đồng thời dám chịu trách nhiệm đến cùng sản phẩm do mình làm ra thông qua hồ sơ truy xuất nguồn gốc thì nhà phân phối cũng như người tiêu dùng sẽ có niềm tin để sử dụng sản phẩm.

Để nuôi gà đủ chuẩn xuất khẩu đi Nhật, cần những tiêu chí cụ thể nào, thưa ông?

- Để có sản phẩm đủ chuẩn, ngay cả Chi cục Thú y vùng VI kiểm soát khá chặt chẽ từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến chứ không chỉ trang trại và đối tác chính trong chuỗi là Công ty TNHH Koyu & Unitek. Mỗi chuồng gà trước  khi xuất chuồng đều phải lấy mẫu xét nghiệm bởi chuỗi Trang trại Miền Đông là chuỗi đầu tiên được chọn - để quy hoạch chuỗi sản xuất thịt gà sạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường nội địa và Nhật Bản, theo các tiêu chí: không kháng sinh tồn dư, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng; không chất cấm; kiểm soát chặt chẽ các bệnh cúm, E.coli, Salmonella.

Để đạt được những tiêu chí này, chúng tôi có gặp một số khó khăn do đặc thù của ngành chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay là chăn nuôi nhỏ lẻ xen lẫn với khu chăn nuôi tập trung. Điều này gây khó khăn cho việc quản lý vấn đề dịch bệnh, thực hiện an toàn sinh học và quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh.

Hiểu rõ vấn đề đó nên Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn tiến hành quy hoạch vùng an toàn dịch bệnh, tạo hành lang với bán kính 3km cho vùng nuôi gà sạch xuất khẩu. Trong đó, chuỗi Trang trại Miền Đông được Bộ lựa chọn vào Vùng an toàn dịch bệnh, được đặt dưới sự giám sát của Cục Thú y Việt Nam, Chi cục Thú y vùng VI.

 Và chương trình hợp tác đó đến nay ra sao, thưa ông?

- Sau hơn 3 năm chuẩn bị, ngày 24-8-2017 thông qua chuỗi liên kết của Công ty TNHH Koyu & Unitek, sản phẩm thịt gà của Trang trại Miền Đông lần đầu tiên đã được xuất khẩu tới Nhật Bản. Sau 10 ngày lưu kho tại Nhật Bản để tiến hành kiểm tra chất lượng, lô hàng đã đưa ra thị trường Nhật Bản.

Từ đó đến nay, Trang trại Miền Đông luôn cung cấp gà lông phục vụ xuất khẩu với chất lượng ổn định, sản lượng liên tục tăng từ 2,8 triệu con/năm lên 4 triệu con/năm  hiện nay. Và tất cả các lô hàng đều đạt yêu cầu kiểm soát chất lượng từ phía Nhật Bản. Ngoài ra, sau một thời gian kiểm tra, đánh giá thì giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Nông lâm thủy sản Nhật Bản đã đồng ý đưa thêm 1 dây chuyền mới của Công ty TNHH Koyu & Unitek vào hoạt động, nâng công suất chế biến hàng xuất khẩu lên rất nhiều lần. Điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu sản lượng nguồn nguyên liệu gà sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật sẽ tăng lên nhiều lần trong thời gian tới.

 Từ cách nuôi gà truyền thống, ông phải thay đổi những gì khi tham gia chuỗi liên kết này?

- Để có thể chuyển từ việc nuôi gà bình thường sang nuôi gà đạt chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản, cái đầu tiên phải thay đổi là suy nghĩ, sau đó là quyết tâm và phải có tầm nhìn bền vững, lâu dài.

Yêu cầu của đối tác đối với sản phẩm đầu ra rất khó khăn, nghiêm ngặt. Xưa nay tôi bán gà cho đối tác trong nước thì khi tôi giao hàng xong thì coi như hết trách nhiệm. Nhưng làm với Nhật Bản thì không, kể cả khi thịt gà đến tay người tiêu dùng có vấn đề gì liên quan đến chất lượng sản phẩm thì người nuôi vẫn phải chịu trách nhiệm bởi mỗi miếng thịt gà bán ra đều có hồ sơ truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

* Đặt chữ tín lên đầu

 Có nhiều chuỗi liên kết đã hình thành giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, song không phải chuỗi nào cũng thành công. Theo ông, yếu tố nào quan trọng nhất để giữ cho một chuỗi liên kết bền bỉ?

- Tham gia chuỗi liên kết khép kín đòi hỏi người nuôi phải chấp nhận một mức giá tiêu thụ ổn định. Khi giá thị trường lên cao, hoặc xuống thấp, chúng tôi vẫn bán với giá cố định theo hợp đồng đã ký. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm phải ổn định  dù giá cả có biến động, vẫn phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình chăn nuôi, cách ly, sử dụng thuốc... Đó là một sự hợp tác bền chặt và thật tình thì 2 bên phải nghĩ cho nhau, chữ tín trong những trường hợp này là rất quan trọng để giữ cho chuỗi liên kết tồn tại lâu dài.

 Vì sao ông nhìn nhận chữ tín là yếu tố quan trọng nhất?

- Có một điều tôi nhìn nhận là thực ra về bản chất, các chuỗi liên kết không phải lúc nào cũng bền chặt, trái lại khá lỏng lẻo. Khi doanh nghiệp và nông dân cùng nhau cam kết ở cùng một thời điểm thì cả 2 bên đều có lợi, song khi giá thị trường trồi sụt thì những hợp đồng dễ dàng bị phá vỡ, có thể từ doanh nghiệp, có thể từ nông dân. Khi giá thị trường cao hơn giá cam kết trong chuỗi, người nông dân phá rào bán ra ngoài. Hoặc doanh nghiệp “bẻ kèo” khi giá rớt hay không đủ năng lực để tiếp tục hợp đồng. Vậy nên theo tôi, đôi bên cần phải cùng nhau giữ chữ tín thì chuỗi liên kết mới lâu dài và mang lại lợi ích cho nhiều phía: người chăn nuôi - doanh nghiệp - người tiêu dùng.

 Ông không hề băn khoăn khi bán gà đi Nhật lại lời ít hơn so với bán trong nước?

- Đó là một lựa chọn có tính lâu dài của tôi. Thực sự thì ngay tại thời điểm này, giá gà tôi bán cho đối tác Nhật Bản thấp hơn giá thị trường, trong khi chi phí để cho ra sản phẩm thịt gà đạt chuẩn GlobalGAP lại cao hơn giá thành sản xuất thịt gà thông thường 10%, nhưng tôi vẫn an tâm và vui vẻ hợp tác. Vì sao như thế? Vì tôi tin vào sự ổn định lâu dài cũng như tương lai phát triển của sự hợp tác này. Đối tác đưa ra những yêu cầu và cam kết cụ thể khiến chúng tôi dễ dàng hơn trong việc hoạch định kế hoạch hằng năm, đầu vào đầu ra, phát triển số lượng... Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn có một mức lợi nhuận ổn định để tái sản xuất, tái đầu tư.

 Ông thấy lợi ích lớn nhất mà mình thu được là gì sau một thời gian hợp tác?

- Sau hơn 3 năm tham gia chuỗi liên kết xuất khẩu gà đi Nhật và đạt chứng chỉ  GlobalGAP cho gà thịt đầu tiên của Việt Nam, hợp tác xuất thịt gà đi Nhật Bản, cái “được” lớn nhất của tôi có lẽ là kiến thức về sản phẩm và nhu cầu thị trường. Nhờ những ngày tháng vất vả xây dựng chuồng trại đạt chuẩn, cố gắng học hỏi từng ly từng tí tiêu chuẩn của người tiêu dùng Nhật Bản, tôi hiểu rằng để sản phẩm chăn nuôi Việt Nam có thể tồn tại trong những năm sắp tới, không có cách nào khác hơn là người chăn nuôi phải sản xuất theo “tiếng gọi của thị trường”, tức là người tiêu dùng cần gì, mình phải đáp ứng được điều đó. Mong muốn của tôi là không chỉ xuất khẩu thịt gà đi Nhật, sau này với GlobalGAP, Trang trại Miền Đông còn có thể xuất khẩu thịt gà đi châu Âu và các quốc gia phát triển khác.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,449,261       6/984