Làm nông nghiệp ngày nay không chỉ cần đức tính cần cù, chịu khó mà còn phải theo hướng chuyên nghiệp với sự học hành, đầu tư bài bản. Hiện những người trẻ chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp thường chuẩn bị rất kỹ về mặt kiến thức, công nghệ trước khi triển khai dự án vào thực tế.
/EM>.
TIN LIÊN QUAN
Chị Đỗ Thị Minh Thơm (xã Bình Sơn, huyện Long Thành) với mô hình vườn trái cây đặc sản VietGAP gắn với du lịch vườn tại huyện Long Thành. |
Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao, làm nông nghiệp sạch hoặc phát triển dịch vụ du lịch sinh thái vườn... đang mở ra nhiều cơ hội thu hút giới trẻ.
* Nhiều người trẻ đang đổ về nông thôn
Tại Đồng Nai không thiếu những người trẻ tốt nghiệp đại học ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn sẵn sàng bỏ công việc có mức lương cao tại các thành phố lớn về quê lập nghiệp. Họ nhìn thấy cơ hội phát triển trong nông nghiệp và luôn nỗ lực chọn cho mình lối đi riêng khi khởi nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Hội đồng Tư vấn - hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam: “Khi chọn lĩnh vực khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp về nông nghiệp nói riêng, các bạn trẻ cần quan tâm đến nhu cầu thị trường, hướng tới những phân khúc rõ ràng, phù hợp với nguồn vốn khởi nghiệp, hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh quá dàn trải. Các bạn trẻ nên chọn các ngành “ngách” trong nông nghiệp để khởi nghiệp hoặc hợp tác cùng khởi nghiệp với những dịch vụ, sản phẩm mà thị trường đang cần. |
Từng có một công việc ổn định ở TP.Hồ Chí Minh, cô cử nhân tốt nghiệp Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh Đỗ Thị Minh Thơm lại quyết định về với vùng miệt vườn ở xã Bình Sơn (huyện Long Thành) phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP. Vườn trái cây rộng 2,5 hécta của gia đình chị Thơm đem lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.
Chị Thơm cho biết: “Tôi đã liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch theo chuỗi khép kín từ nhà vườn đến cửa hàng. Tôi còn phát triển thêm mô hình du lịch miệt vườn để vừa tăng thu nhập vừa quảng bá thương hiệu trái cây an toàn”.
Sinh ra tại thành phố du lịch Vũng Tàu, chọn học ngành y nhưng vì mê cả ngành sinh học nên cô gái Lê Thị Hương quyết định học thêm văn bằng 2 ngành công nghệ sinh học.
Năm cuối đại học, với số vốn khoảng 20 triệu đồng, cô sinh viên này đã lặn lội về huyện Trảng Bom mượn đất của người quen lập trại trồng thử nghiệm các loại nấm dược liệu. Đây cũng chính là tiền thân của Công ty TNHH một thành viên nấm Phương Quang, chuyên sản xuất nấm dược liệu theo công nghệ cao với nhiều dòng nấm quý, hiếm như: vân chi, linh chi hồng, linh chi đỏ... Doanh nghiệp cũng đầu tư hệ thống đồng bộ từ phòng thí nghiệm hiện đại đến máy móc chế ra sản phẩm từ nấm dược liệu.
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Cao Cường nhận xét: “Thanh niên hiện có khuynh hướng lựa chọn phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh đạt chuẩn an toàn; ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các sản phẩm mang tính đặc trưng”. |
Còn chàng trai ngành công nghệ hóa chất Trần Quốc Phong với nickname “Út Tiêu” lại chọn cách tiên phong dùng mạng xã hội để quảng bá, phát triển du lịch miệt vườn tại TX.Long Khánh. Khi đã có lượng khách ổn định, Khu du lịch vườn Út Tiêu đã mở rộng đầu tư thêm nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí như: chạy xe đạp trên cầu khỉ, thi câu cá, bắt chem chép suối...
Anh Phong chia sẻ: “Khách về du lịch vườn tuy chủ yếu là tận hưởng không khí miền quê, nếp sinh hoạt dân dã nhưng mình không thể làm dịch vụ theo kiểu chỉ khai thác những gì sẵn có. Muốn giữ chân khách, dịch vụ phải thật sự chuyên nghiệp và đa dạng để khách lựa chọn”.
Theo anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn, hiện có xu hướng những người trẻ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng về quê nhà chọn nông nghiệp để khởi nghiệp. Bên cạnh đó là các mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên là bộ đội xuất ngũ về quê lập nghiệp kết hợp với đảm bảo an ninh trật tự địa phương. Ngày càng có nhiều trang trại trẻ, gương điển hình phong trào lập thân lập nghiệp ở nông thôn.
* Làm hàng “độc”, hàng “sạch”
Nhiều dự án khởi nghiệp thành công nhờ làm ra những sản phẩm độc đáo. Chị Bùi Thị Phú tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ) là người tiên phong tại Đồng Nai đầu tư nuôi đông trùng hạ thảo. Chị mất 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm mới nuôi trồng thành công loại dược liệu quý này. Không chỉ ứng dụng những công nghệ, kỹ thuật cao trong khâu nuôi trồng với quy trình khép kín trong phòng lạnh, chị còn đầu tư trong khâu chế biến để có nhiều dòng sản phẩm như: đông trùng hạ thảo tươi, khô, viên nén... bán với giá cao tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân (TX.Long Khánh) giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng tại Lễ hội trái cây Long Khánh năm 2018. |
Là Việt kiều hồi hương, anh Võ Hoài Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Winnyfood (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) chọn đầu tư vào dự án sản xuất rau sạch, nhất là các loại đặc sản rau rừng. Anh đã đem các loại đặc sản rau rừng của Tây Ninh giới thiệu tại chương trình Kết nối tiêu thụ hàng hóa và đặc sản vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa và hải đảo thông qua hệ thống chợ tại chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất) mong mở rộng kênh phân phối.
Anh Thanh cho hay: “Tuy được trồng nhưng các loại rau rừng của chúng tôi vẫn thuần chất tự nhiên vì không lạm dụng phân, thuốc. Dòng sản phẩm rau cao cấp này hiện chủ yếu cung cấp cho hệ thống các quán ăn, nhà hàng ở các thành phố lớn. Chúng tôi đang mở rộng đầu tư vùng chuyên canh vừa phát triển kênh tiêu thụ cho dòng đặc sản này”.
Mới thành lập được vài tháng trở lại đây nhưng Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân (xã Xuân Tân, TX.Long Khánh) đã sớm được thị trường biết tiếng nhờ chuyên làm những món đặc sản không đụng hàng từ nguyên liệu khổ qua rừng.
Chị Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH khổ qua rừng Hiệp Vân chia sẻ: “Rau rừng của chúng tôi sớm có tiếng trên thị trường vì không chỉ đáp ứng nhu cầu rau sạch mà còn là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Để có nguồn rau an toàn, chúng tôi đã liên kết với nông dân xây dựng vùng chuyên canh khổ qua rừng theo hướng hữu cơ”.
Bình Nguyên - Hải Quân
Bài 3: Để khởi nghiệp không chỉ là phong trào