Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp không là lối đi được trải hoa hồng, vì thực tế rất nhiều câu chuyện thành công đều đi từ thất bại.
TIN LIÊN QUAN
Công ty TNHH Nhà Nguyễn (huyện Cẩm Mỹ) thuê chuyên gia nước ngoài về quản lý quy trình trồng sung Mỹ trong nhà màng. |
Để khởi nghiệp không chỉ là phong trào thì việc tạo môi trường thuận lợi chính là đòn bẩy để thu hút người trẻ mạnh dạn tham gia. Ở đây, chính sách của Nhà nước, các chương trình đào tạo khởi nghiệp, diễn đàn khởi nghiệp... là điểm tựa cho người trẻ tiếp cận thành công.
* Cơ hội kèm thách thức
Theo những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp đòi hỏi vốn lớn, khó khăn và rủi ro hơn nhiều ngành khác. Nhưng ngành nông nghiệp vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư vì Việt Nam có lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; vị trí địa lý lại rất thuận lợi để kết nối với nhiều thị trường lớn. Thực phẩm là nhu cầu hằng ngày của con người và với yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm là cơ hội lớn để đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, ngày nay làm nông dân không chỉ cần sự chăm chỉ, cần cù mà cốt lõi để các dự án thành công vẫn là ở tư duy và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư bài bản khi xây dựng kế hoạch của một dự án khởi nghiệp.
Theo những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, động lực để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này chính là chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện không thiếu chính sách hỗ trợ, điều cần thiết hiện nay là cụ thể hóa và đưa những chính sách này đi vào thực tiễn. |
Nói về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Nguyễn Tiến Chương, Giám đốc Công ty TNHH gấc Trọng Tín chia sẻ: “Không có ai hỗ trợ, hướng dẫn, tôi và nhóm bạn thành lập công ty phải tự tìm tòi từ quy trình sản xuất đến việc liên hệ các nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm. Có giai đoạn, chúng tôi chấp nhận không có lợi nhuận, thậm chí lỗ vốn”. Khi đã liên hệ với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài, anh luôn cố gắng chủ động về mặt công nghệ, đảm bảo tiêu chuẩn, hạn chế tình trạng đối tác yêu cầu mới đầu tư vì có thể sẽ vuột mất cơ hội. Bên cạnh đó, anh cũng rất chú trọng xây dựng niềm tin của người nông dân về trái gấc, đảm bảo có vùng nguyên liệu ổn định.
Công ty TNHH Việt Nông (huyện Cẩm Mỹ) là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống cây trồng. Ông Trần Xuân Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nông chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân từ khó khăn: “Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn lớn, lâu dài. Nhưng đây không phải là hạn chế, vì khởi đầu ngay cả nông dân cũng có thể bắt tay vào làm từ sản xuất nhỏ lẻ, nghiên cứu bằng phương pháp thủ công. Điều quan trọng là nhà đầu tư phải có tư duy mới, mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất”.
* Môi trường mở cho khởi nghiệp
Theo những bạn trẻ khởi nghiệp, xưa phải có đất, có vốn thì mới khởi nghiệp được. Nhưng hiện không thiếu nhà đầu tư nếu dự án thuyết phục về tính khả thi và có độ an toàn cao. Một trong những nguồn vốn quý để khởi nghiệp là sự chuẩn bị về kiến thức, kinh nghiệm và nhất là sự trải nghiệm ban đầu không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt, chế biến mà về quản trị đồng vốn, con người, về làm thị trường... Thế giới bây giờ đã phẳng là một lợi thế lớn vì nhà đầu tư không gặp giới hạn về thông tin. Một số bạn trẻ lại chọn làm thuê, am hiểu nhiều lĩnh vực rồi mới khởi nghiệp.
“Thấy cơ hội nhưng phát triển như thế nào lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. 100% dự án khởi nghiệp mà có 95% dự án thất bại là chuyện bình thường. Kinh nghiệm của tôi là các bạn trẻ nên tìm cho mình một người cố vấn có bề dày kinh nghiệm dìu dắt, hỗ trợ để bạn đi nhanh hơn mà rủi ro lại giảm” - anh Nguyễn Hồng Đăng Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà Nguyễn chia sẻ. |
Nhận xét về môi trường khởi nghiệp, anh Nguyễn Hồng Đăng Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà Nguyễn cho rằng: “Hiện đã có một “hệ sinh thái” tốt cho khởi nghiệp nông nghiệp với rất nhiều nhóm, diễn đàn, câu lạc bộ để các bạn trẻ tham gia và học hỏi. Tôi cũng đang sinh hoạt trong câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ thông tin” - anh Khoa nói.
Giảng viên - luật gia Nguyễn Trường Sơn, người có kinh nghiệm gần 20 năm dạy khởi nghiệp nhận xét, người tiêu dùng hiện rất quan tâm đến sức khỏe, những người trẻ nhìn thấy cơ hội này và muốn tạo những bước đột phá nên phong trào làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao đang phát triển khắp nơi. Hiện tại có rất nhiều địa chỉ hỗ trợ những người muốn khởi sự làm ăn, từ các hội doanh nhân, nhóm, các doanh nghiệp lớn cho đến các trường đại học. Chính quyền một số nơi cũng có các nguồn quỹ hỗ trợ cho khởi nghiệp. Đây là một thuận lợi vì đã tạo được hệ sinh thái cho khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Trường Sơn cũng chỉ ra mặt hạn chế: “Phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp phát triển rất nhanh nhưng thành công còn khiêm tốn. Vì thanh niên khởi nghiệp đang nói quá nhiều về ý tưởng mà thiếu kiến thức và chưa thật sự có được hệ thống hỗ trợ làm bệ đỡ”. Theo ông Sơn, Đồng Nai có khu nông nghiệp công nghệ cao nhưng hầu như vẫn chưa có nơi nào đứng ra tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về khởi sự trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Ở đây cần đội ngũ đào tạo về khởi nghiệp thực sự am hiểu về lĩnh vực họ hướng dẫn với chương trình đào tạo cụ thể, rõ ràng.
Tỉnh đoàn cũng đang tập trung mở thêm nhiều lớp tư vấn về lập nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên, phát huy hiệu quả của Quỹ Đồng hành cùng thanh niên. Anh Nguyễn Cao Cường, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường các chương trình kết nối giúp thanh niên nông thôn giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; kết nối với Sở Công thương, Liên minh hợp tác xã... nhằm hỗ trợ thanh niên tìm đầu ra ổn định, xây dựng chuỗi liên kết bền vững cho các sản phẩm, dịch vụ”.
Bình Nguyên - Hải Quân