Kinh tế

Hàng thủ công mỹ nghệ: "Đất nhà" không thiêng

Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại mỹ nghệ và tiêu dùng vừa diễn ra tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh (từ 1 đến 8-7) hầu như vắng bóng các cơ sở ở những làng nghề thủ công mỹ nghệ Đồng Nai...

Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại mỹ nghệ và tiêu dùng vừa diễn ra tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh (từ ngày 1 đến 8-7) hầu như vắng bóng các cơ sở ở những làng nghề thủ công mỹ nghệ có tiếng của Đồng Nai như: làng nghề gỗ mỹ nghệ Bình Minh (huyện Trảng Bom), làng gỗ mỹ nghệ Xuân Lộc...

Sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom).
Sản xuất gỗ mỹ nghệ xuất khẩu ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom).

Theo các cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ hiện không dễ tìm được chỗ đứng trên thị trường.

* Chưa “đứng” được trên sân nhà

Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân được xem là “đại gia” của làng gỗ mỹ nghệ Bình Minh với nhiều đơn hàng lớn xuất khẩu đi hàng chục quốc gia Âu - Á. Cơ sở này từng không tiếc công sức đổ vốn xây dựng showroom trưng bày sản phẩm; tham gia các hội chợ làng nghề, hội chợ thương mại khắp cả nước với mục tiêu tăng thị phần tiêu thụ nội địa. Nhưng hiện nay, cơ sở hầu như bỏ cuộc, đóng cửa showroom và hầu như vắng bóng tại các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại.

Ông Nguyễn Thành Nhân, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân, chia sẻ: “Hiện 95% sản phẩm của cơ sở được xuất khẩu. Thị trường nội địa, chúng tôi chỉ bán được tại một số thành phố lớn thu hút khách nước ngoài nhiều như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... nhưng cũng ế hàng, chậm thu hồi vốn. Dần dần, cơ sở không còn quan tâm đến việc tìm kênh tiêu thụ ở sân nhà”.

Cùng chung nỗi niềm, ông Nguyễn Đựng, chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Đựng (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), cho biết: “Cơ sở đã đưa ra nhiều dòng sản phẩm gần với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước như: tranh ghép gỗ, sản phẩm hộp gỗ đựng nữ trang..., chúng tôi từng tốn không ít chi phí tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá, tìm đại lý phân phối. Nhưng dần dần cơ sở không mấy mặn mà với các hoạt động này vì chi phí cao mà đơn hàng tìm được không có bao nhiêu”.   

Gần 30 năm sản xuất gỗ mỹ nghệ, ông Nguyễn Ngọc Tứ, chủ Cơ sở gỗ Nguyễn Ngọc Tứ (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), luôn nỗ lực mở rộng kênh tiêu thụ tại thị trường nội địa nhưng rồi đành bỏ cuộc. Ông Tứ nuối tiếc: “Nhiều khách nước ngoài đến cơ sở của tôi khi cầm các sản phẩm lên đều yêu thích. Rõ ràng nhu cầu khách nước ngoài đến Việt Nam mua gỗ mỹ nghệ làm quà lưu niệm là không thiếu, nhưng đa số các cơ sở gỗ mỹ nghệ chủ yếu vẫn xuất khẩu vì không có đủ điều kiện để tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến khách hàng tiềm năng này”.

* Cần tăng kết nối

Cũng theo ông Tứ, khách mua gỗ mỹ nghệ của Đồng Nai từ các cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh nên hầu như không biết sản phẩm này sản xuất ở đâu. Làng nghề gỗ mỹ nghệ Bình Minh đang lụi tàn dần, đa số chỉ còn các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc nên không mấy ai biết đến. Chính vì vậy, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ít cơ hội mở rộng cả thị trường xuất khẩu và nội địa.

“Chúng tôi mong chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ quảng bá, xúc tiến tìm kiếm thị trường thiết thực hơn để làng nghề không mai một. Trong đó, nhiều khu du lịch của Đồng Nai thu hút khá đông du khách đến vui chơi, chúng tôi mong được hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đến đối tượng khách hàng tiềm năng này” - ông Tứ cho hay.

Một trong số ít đơn vị góp mặt tại hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại mỹ nghệ và tiêu dùng là Cơ sở gỗ Kinh Bắc (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) giới thiệu đến người tiêu dùng nhiều dòng sản phẩm từ đồ gỗ nội thất đến gỗ mỹ nghệ...

Ông Đàm Ngọc Hoàng, chủ Cơ sở gỗ Kinh Bắc, nhận xét: “Buôn có bạn, bán có phường, nhưng ngay cả hội chợ xúc tiến thương mại cho ngành mỹ nghệ như lần này mà quá ít cơ sở tham gia nên hầu như không tạo dấu ấn đối với người tiêu dùng. Đồng Nai là vùng sản xuất lớn, lâu đời về các dòng hàng đồ gỗ nội thất, gỗ mỹ nghệ nên nhu cầu tiêu thụ gần như đã bão hòa. Chúng tôi mong địa phương có nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá để sản phẩm làng nghề vươn xa hơn”.

Theo các cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, đối tượng chính ưa chuộng dòng sản phẩm này là người nước ngoài. Vì đa số các cơ sở thủ công mỹ nghệ đều sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, khách hàng của cơ sở cũng chủ yếu thông qua mối quan hệ quen biết nên khó có cơ hội mở rộng  kênh tiêu thụ cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Để những làng nghề không mai một, tỉnh cần có chương trình quảng bá, kết nối cho các cơ sở làng nghề đến đúng khách hàng có nhu cầu về dòng hàng này.

Trung tâm khuyến công Đồng Nai, Trung tâm xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) và Trung tâm xúc tiến du lịch Đồng Nai (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch) vừa phối hợp tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, du lịch với các cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề gỗ mỹ nghệ, đá mỹ nghệ...

Tại hội thảo, nhiều bản ghi nhớ hợp tác đã được ký kết. Trong đó, đại diện các khu du lịch của Đồng Nai thu hút đông du khách nước ngoài như: Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú), Khu du lịch sinh thái núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc), Khu du lịch sinh thái thác Giang Điền (huyện Trảng Bom)... cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các sản phẩm làng nghề thủ công, mỹ nghệ, nông sản chế biến trở thành sản phẩm phục vụ du khách đến vui chơi, giải trí.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,468,811       25/927