Kinh tế

Giá USD tăng cao, doanh nghiệp "ngồi trên lửa"

Gần đây, giá USD trên thị trường liên tục tăng, đỉnh điểm tăng 450 đồng/USD, khiến các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai như "ngồi trên lửa". Giá USD tăng dẫn đến giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất bị đội lên, trong khi các đơn hàng đã ký giá không thể điều chỉnh tăng.

Gần đây, giá USD trên thị trường liên tục tăng, đỉnh điểm tăng 450 đồng/USD, khiến các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai như “ngồi trên lửa”. Giá USD tăng dẫn đến giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất bị đội lên, trong khi các đơn hàng đã ký giá không thể điều chỉnh tăng.

Nguồn cung USD tại các ngân hàng vẫn dồi dào.
Nguồn cung USD tại các ngân hàng vẫn dồi dào.

Theo các DN trên địa bàn tỉnh, giá USD tăng cao sẽ có lợi cho những DN xuất khẩu khi đã chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Còn những DN nhập khẩu nguyên liệu nhiều sẽ phải đối mặt với lợi nhuận bị thu hẹp, thậm chí có thể dẫn đến thua lỗ.

* Nhiều ngành hàng gặp khó

Hầu hết những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đồng Nai đều phải nhập khẩu nguyên liệu từ 60-90%, trong đó có những đơn hàng lớn thì nguyên liệu nhập khẩu lên đến hơn 95% như: giày dép, may mặc, xơ sợi dệt, sản phẩm từ gỗ, máy tính, thiết bị điện tử và linh kiện, máy móc...  Với việc giá USD leo thang như thời điểm này thì DN càng nhập khẩu nhiều nguyên liệu càng lo lắng. Cụ thể, cứ 1 triệu USD nhập khẩu nguyên liệu, DN sẽ mất khoảng 400-450 triệu đồng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ giá VND/USD tăng 220 đồng. Theo ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tỷ giá tăng là do lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng tăng theo xu hướng tăng của lãi suất thế giới, thị trường chứng khoán trong nước một số phiên giảm điểm mạnh, USD tăng giá trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, mức tăng vẫn nằm trong biên độ cho phép.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, mỗi tháng DN trên địa bàn tỉnh chi khoảng 1,2 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, với USD tăng như hiện tại sẽ mất thêm gần 500 tỷ đồng.

Ông Ninh Văn Hảo, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH bao bì gỗ Ninh Phát (ở huyện Thống Nhất), cho hay: “Công ty chuyên nhập khẩu gỗ để sản xuất và phân phối cho thị trường trong nước. Vì thế, giá USD tăng cao khiến công ty bị tổn thất rất lớn. Do các đơn hàng công ty đã ký với đối tác rồi nên không thể điều chỉnh tăng giá”. Lo lắng của ông Hảo cũng là nỗi lo chung của rất nhiều DN đang phải nhập nhiều nguyên liệu. Các DN tính toán, với giá USD như hiện tại chỉ những DN nhập khẩu nguyên liệu dưới 40% mới có lợi.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, cho biết: “Hiện nguyên liệu gỗ trong nước không đáp ứng được nhu cầu sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu nên phần lớn gỗ phải nhập khẩu. Các DN ngành này hầu hết đã ký hợp đồng bán hàng đến cuối năm với khách nên không thể điều chỉnh lại giá bán. Giá USD tăng, DN gần như hết lợi nhuận”.

Các DN ngành gỗ, may mặc, giày dép... đều chung nỗi lo giá USD không giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và lợi nhuận. Vì những mặt hàng Việt Nam đang sản xuất số lượng lớn để xuất khẩu thì những nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ cũng sản xuất nhiều. Trong khi họ có ưu thế là chủ động được nguyên liệu nên chuyện USD biến động ít phải chịu tác động xấu như Việt Nam.

* Vẫn trong tầm kiểm soát

USD có hạ nhiệt và trở lại sự ổn định như 2 năm qua hay không đều phải trông chờ vào quyết sách từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; phía các tỉnh, thành không đủ khả năng giải quyết khó khăn này. Mới đây, trong hội nghị trực tuyến của Chính phủ bàn về giải pháp tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giữ ổn định tỷ giá, không tăng lãi suất cho vay trên các lĩnh vực.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định: “Dự trữ ngoại hối của nước ta trong 6 tháng đầu năm đạt 63,5 tỷ USD, tăng hơn 11 tỷ USD so với cuối năm 2017. Vì thế, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung - cầu có vấn đề, đảm bảo trên thị trường ngoại tệ được thông suốt, ổn định tạo điều kiện cho DN phát triển”. Lời hứa hẹn của Thống đốc Lê Minh Hưng ngay trong thời điểm giá USD đang lên “cơn sốt” giúp các DN có thêm hy vọng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ đưa một phần dự trữ ngoại tệ ra thị trường giúp tỷ giá giảm và trở về mức ổn định như dịp đầu năm nay.

Thế nhưng, gần 1 tuần nay giá USD các ngân hàng bán ra và mua vào vẫn tăng, giảm nhẹ, dao động mức 10-20 đồng/USD. Ngoài thị trường tự do giá USD bán ra vẫn ở mức cao, từ 23.180-23.200 đồng/USD và chưa có dấu hiệu giảm. Tại các ngân hàng như: Vietcombank, HDBank, VietinBank, Sacombank, Eximbank..., giá USD bán ra ngày 7-7-2018 được niêm yết từ 23.065-23.090 đồng/USD. 

Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Ngô Văn Chương nhận xét: “Các DN đều mong Chính phủ sớm có giải pháp đưa tỷ giá về mức ổn định như trước, ở khoảng 22.650-22.700 đồng/USD. Trường hợp USD tiếp tục ở mức cao như hiện nay, sẽ ảnh hưởng đến “sức khỏe” của các DN vì lợi nhuận sẽ giảm, DN sẽ mất đi nguồn vốn lớn để tái đầu tư phát triển mở rộng sản xuất”.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai, cho rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá lớn nên khi tỷ giá tiếp tục diễn biến tăng Chính phủ sẽ bán USD ra để hạ giá và ổn định thị trường. Mức tăng trên vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước nên DN không nên quá lo lắng.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,469,442       12/895