Kinh tế

Đầu tư nông nghiệp tăng cao

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp và cho vay thực hiện xây dựng nông thôn mới đạt trên 76.400 tỷ đồng, chiếm gần 45% trên tổng dư nợ cho vay, tăng cao so với cuối năm 2017.

Đầu ra cho sản phẩm gà công nghiệp ngày càng ổn định vì mặt hàng này đang xuất khẩu tốt. Trong ảnh: Dây chuyền giết mổ gà tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa), doanh nghiệp đang xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản.
Đầu ra cho sản phẩm gà công nghiệp ngày càng ổn định vì mặt hàng này đang xuất khẩu tốt. Trong ảnh: Dây chuyền giết mổ gà tại Công ty TNHH Koyu & Unitek (TP.Biên Hòa), doanh nghiệp đang xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản.

Tuy thời gian qua chăn nuôi gặp khó khăn, nhưng đầu tư vào chăn nuôi vẫn hút vốn. Mô hình đầu tư cũng ngày càng đa dạng, tập trung phát triển mạnh đàn gia cầm; nuôi heo từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn.

* Đa dạng đầu tư

Ông Huỳnh Tấn Chữ, nông dân xã Xuân Lập (TX.Long Khánh) chia sẻ: “Trước kia tôi đầu tư trại heo cả trăm con, nhưng hiện tôi đã bỏ trại heo để tập trung phát triển vườn cây ăn trái với những giống cây thị trường đang chuộng. Gần đây, giá heo có tăng cao trở lại nhưng tôi không tái đàn mà quyết định dành vốn để nhân rộng vườn bưởi da xanh”.

Nói về sự thay đổi trong đầu tư vào ngành nông nghiệp thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân Trảng Bom, nhận xét: “Hiện chăn nuôi heo hộ gia đình nhỏ lẻ giảm rất nhiều. Bỏ con heo, những nông dân có vườn tập trung đầu tư trồng các loại cây có múi, thanh long ruột đỏ...”. Cũng theo ông Sơn, vì các ngân hàng đều tích cực cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên nông dân thuận lợi hơn nhiều trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để chuyển đổi sản xuất. Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện cũng vừa giải ngân 2 dự án của các tổ hợp tác chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh, cây có múi... với vốn vay cả tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất của ngành thủy sản đạt gần 962 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ, đạt mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với ngành trồng trọt và chăn nuôi. Đây cũng là ngành đang hút nguồn vốn lớn trong đầu tư. Tỉnh đã quy hoạch các vùng nuôi thủy sản công nghệ cao càng khuyến khích cả nông dân và doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư. Trong đó, nuôi trồng thủy sản nước lợ theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao đang đứng đầu về lợi nhuận.

Ông Banchong Buahung, Giám đốc kỹ thuật bộ phận thủy sản của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, chia sẻ: “Hiện nay, tiềm năng của thị trường cho tôm và các loại thủy sản nước lợ còn rất cao, vì nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho cả thị trường nội địa và nhất là xuất khẩu”. Hiện C.P đang có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ phủ bạt đáy. Tuy mô hình này cần vốn đầu tư cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống nhưng lợi nhuận tăng rất rõ và giảm hẳn những rủi ro cho nông dân.

* Chăn nuôi vẫn hút vốn

Sau cơn khủng hoảng thị trường thịt heo, người nuôi heo phá sản, bỏ đàn nhiều. Tuy nhiên, ngành này vẫn đạt mức tăng trưởng cao. Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất, nhận xét thời gian qua không ít người nuôi heo mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì làm ăn thua lỗ. Nhưng vốn vẫn chủ yếu đổ vào chăn nuôi và có sự thay đổi về cơ cấu. “Trước đây các trại heo nuôi gia công chỉ chiếm 10% tổng đàn thì nay tăng lên 30% trên tổng đàn. Tổng đàn gia cầm của huyện cũng tăng mạnh. Trong đó, phát triển rộ lên các mô hình nuôi vịt công nghiệp và gà ta thả vườn. Nhiều mô hình nuôi các loài “đặc sản” bắt đầu được quan tâm đầu tư như: nuôi gà thảo dược, nuôi gà hữu cơ từ nguồn thức ăn thiên nhiên là trùn quế, sâu bọ...” - ông Tùng nói. 

Chia sẻ về phong trào các địa phương đua nhau nuôi gà thả vườn, ông Trần Anh Tùng, nông dân tại “thủ phủ” nuôi gà ta xã Bình Sơn (huyện Long Thành), so sánh: “Từ cuối năm ngoái đến nay, con giống gà ta luôn sốt giá vì cung không đủ cầu. Phong trào nuôi gà ta thả vườn đang rộ lên khắp nơi vì lợi nhuận khá tốt. Tuy nhiên, nuôi theo phong trào có rất nhiều rủi ro về đầu ra và cả việc kiểm soát về dịch bệnh”.

Riêng mảng nuôi gà công nghiệp hiện phát triển khá bền vững. Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, phân tích: “Thời gian qua, tổng đàn gà công nghiệp của Đồng Nai tăng trưởng đều nhưng không phải do dân đầu tư theo phong trào mà là căn cứ thị trường để phát triển. Người nuôi cũng tích cực đầu tư công nghệ, cải tiến quy trình nuôi để có giá thành cạnh tranh nhất. Dự kiến thời gian tới, sản lượng gà xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi so với hiện tại. Đây là thuận lợi không nhỏ để khuyến khích người nuôi tham gia vào chuỗi liên kết để có đầu ra bền vững”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,469,007       22/933