TTO - Trong một hội thảo cấp khoa ở Trường ĐH X., giám đốc một công ty lữ hành đang hoạt động hiệu quả nói thẳng: “SV Trường ĐH X. ra trường, chúng tôi không dùng được!”.
Sinh viên khoa du lịch Trường đại học Công nghệ TPHCM thực tập Tuyến điểm du lịch Nam Trung bộ - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Nguyên nhân, theo ông, sự trải nghiệm thực tế du lịch của những SV này rất ít, thậm chí có SV kiến thức du lịch và độ trải nghiệm trong du lịch còn thua... khách hàng.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (ITDR), với tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2020 cần 870.000 lao động có chất lượng.
Có thể thấy rằng ngành du lịch Việt Nam là một ngành đang có nhu cầu về nhân lực cao gấp hai, ba lần so với nhiều ngành quan trọng khác, với thu nhập bình quân hiện nay khoảng từ 6-10 triệu đồng/tháng.
Từ thực tế đó, đã có khoảng 50 trường ở TP.HCM, gồm cả ĐH-CĐ, trung cấp có ngành đào tạo về du lịch, như: lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, khách sạn, nhà hàng…
Tuy nhiên, kết quả của JobStreet.com sau khi khảo sát hơn 1300 lao động đang làm việc trong khách sạn, nhà hàng, chỉ có 45% tổng số lao động này có bằng cấp chuyên ngành.
Đó là chưa kể không ít trường hợp nhiều SV ra trường, các công ty nhận về đã phải đào tạo lại, bởi kiến thức đào tạo trong nhà trường vừa thiếu, lại vừa phải học chay, thiếu phần thực hành hoặc thực hành... lấy lệ với tần suất rất thấp.
Dự báo trong vòng 2-4 năm nữa, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Vấn đề đào tạo nhân lực ngành du lịch chất lượng cao, gắn với trải nghiệm phải được đặt ra nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
Nhiều ý kiến, tham luận trong các cuộc hội thảo khoa học - thực tiễn, nhiều bài báo trên mạng lưới thông tin ở Việt Nam đã đề cập đến nhiều lĩnh vực nhằm đào tạo nhân lực chất lực cao cho ngành du lịch, như tăng quỹ thời gian thực hành, đào tạo sát với yêu cầu của thực tế ngành nghề…
Sinh viên ngành du lịch lữ hành Trường đại học Công nghệ TPHCM thực tập Tuyến điểm du lịch Tây nguyên - Ảnh: HỒ TƯỜNG |
Dạy du lịch lữ hành thì thầy - trò phải trải nghiệm nhiều hơn
Chúng tôi xin đề cập đến vai trò của giảng viên/giáo viên, cụ thể trong chuyên ngành như: trưởng bộ môn, trưởng ngành, trưởng khoa… Đây là những người đưa ra chương trình đào tạo bao gồm những môn học nào, bao gồm những giờ lý thuyết, đặc biệt những giờ thực hành như thế nào…
Rõ ràng, vị giảng viên/giáo viên phụ trách chuyên ngành đào tạo nhân lực ngành du lịch phải là người có kiến thức tốt về chuyên ngành này, hay từng có quá trình trải nghiệm, hoặc gắn bó lâu năm với ngành.
Chẳng hạn có một môn của ngành quản trị du lịch lữ hành và hướng dẫn viên du lịch đó là “Tuyến điểm du lịch” - có thể nói là một môn chủ lực của ngành đào tạo quản trị du lịch lữ hành và hướng dẫn viên du lịch.
Môn học này cung cấp cho sinh viên ngành quản trị du lịch lữ hành kiến thức về tất cả các chương trình du lịch (còn gọi là tour) đang khai thác phục vụ du khách trên thị trường. Theo đó, nó chỉ ra chương trình du lịch sẽ: đi đường nào, qua nơi nào, có trạm dừng chân nào, dịch vụ nào trên đường...
Tất nhiên là trong tuyến phải có các điểm du lịch nào và sức hấp dẫn của nó; đi hết bao nhiêu thời gian, chi phí?...
Ở vài trường đào tạo du lịch lâu năm, có uy tín, môn học “Tuyến điểm du lịch” lên đến 135 tiết. Trong khi đó, ở không ít khoa du lịch ở một số trường ĐH, môn này chỉ còn... 45 tiết.
Cụ thể với 45 tiết, SV khoa du lịch một trường ĐH chỉ được đi thực tế 2 chương trình du lịch (tour) trong 4 năm học ĐH.
Đó là chưa nói suốt 4 năm học, SV một số trường không hề được học các môn có quan hệ chặt chẽ với du lịch Việt như sử, phong tục tập quán, văn hóa vùng miền, tôn giáo và tín ngưỡng Việt…
Kết quả, trong một hội thảo khoa học cấp khoa ở một trường ĐH, giám đốc một công ty lữ hành đang hoạt động hiệu quả nói thẳng: “SV Trường ĐH X. ra trường không biết hướng dẫn du lịch, chúng tôi không sử dụng được!”.
Muốn đào tạo nhân lực ngành du lịch chất lượng cao, SV phải được trải nghiệm nhiều, cụ thể các tour, tuyến du lịch ngay khi học.
Và như vậy, vị trưởng ngành/trưởng khoa am hiểu, trải nghiệm nhiều về du lịch mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tế về nghề nghiệp của các doanh nghiệp du lịch đối với SV mình đào tạo.
Dạy hướng dẫn du lịch mà chưa đi nhiều thì SV mình lơ ngơ, láo ngáo khi hướng dẫn khách cũng là chuyện... bình thường thôi?
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Những bạn đã từng đi du lịch gặp các hướng dẫn viên...lơ ngơ về kiến thức và độ trải nghiệm; hoặc là SV ngành du lịch, bạn nghĩ sao về chuyện này, có thật như vậy không và thật đến mức nào?