Du lịch

Vực dậy du lịch đường sông Sài Gòn - TP.HCM bằng cách nào?

TTO - Sớm quy hoạch đồng bộ các dự án hạ tầng, thêm các bến đón tàu du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch... để vực dậy du lịch đường sông, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP.HCM.

*** Error ***
Sông Sài Gòn 

Đây là những giải pháp cũng như kỳ vọng được các chuyên gia, công ty du lịch đưa ra tại hội thảo “Du lịch đường sông: hướng phát triển du lịch đặc sắc TP.HCM” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 22-11, với sự tham gia của ông Nguyễn Thành Phong (chủ tịch UBND TP) và ông Lê Thanh Liêm (phó chủ tịch thường trực UBND TP) cùng lãnh đạo các sở 
ngành liên quan.

Thêm các tour, tuyến mới

Phát biểu tại hội thảo, bà Dương Thanh Thủy, chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy, cho biết doanh nghiệp này đang đầu tư dự án “Góc Sài Gòn” tại rạch Bến Nghé với mục tiêu tái tạo quá trình phát triển và hình thành của TP.HCM với điểm nhấn là các di tích lịch sử như cầu Mống, cầu Khánh Hội, cảng Nhà Rồng...

“Khách tham gia tour sẽ hiểu được về “hòn ngọc Viễn Đông” từ quá khứ đến hiện tại, từ ly cà phê đá đến gánh hàng rong cũng như tính hào sảng của người Sài Gòn. Phải làm sao để du khách đến TP.HCM và muốn quay lại” - bà Thủy nói.

Trong khi đó, theo ông Phạm Huy Bình - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), đơn vị này đang đầu tư đóng mới tàu với sức chứa 800 chỗ, vừa là tàu nhà hàng vừa là loại hình đưa du khách tham quan sông nước.

Tuy nhiên, do bến Bạch Đằng đóng cửa từ tháng 3-2015, buộc phải đón khách tại khu du lịch Tân Cảng (Q.Bình Thạnh), cách xa trung tâm, không tiện để đón trả khách, đặc biệt là khách lẻ.

Ngoài ra, hệ thống cầu tàu, bến bãi, các điểm dừng chân, dịch vụ dọc hai bên bờ sông, cảnh quan môi trường, vệ sinh sông nước cùng với giá tour đường sông cao hơn tour đường bộ, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn hạn chế... cũng ảnh hưởng đến sức thu hút của các tour đường sông.

Để cải thiện những hạn chế này, ông Bình đề xuất TP.HCM triển khai đồng bộ đề án phát triển du lịch đường sông, có nhạc trưởng kết nối sự tham gia của các ngành, doanh nghiệp, cá nhân và địa phương liên quan.

Việc quy hoạch bến đỗ cho các phương tiện, xây dựng và phát triển đồng bộ các bến tàu với các sản phẩm tour đường sông, có chính sách hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch đường sông... cũng là những công việc cần thiết.

Đặc biệt, phải đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn, hệ thống kênh rạch nội ô sạch sẽ để tạo cảnh quan thông thoáng và hấp 
dẫn du khách...

Ông Phan Xuân Anh, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt, đề nghị giữ bến cảng gần cảng Nhà Rồng để đón các tàu viễn dương của các nước, đồng thời đề nghị các cây cầu được triển khai trong thời gian tới phải đảm bảo độ tĩnh không để tàu bè có thể đi qua.

Ông Võ Sỹ Nhân, tổng giám đốc điều hành Công ty liên doanh Empire City, đề nghị phải có quy hoạch cụ thể hạ tầng giao thông đường thủy, các dịch vụ logistics, dịch vụ cho tàu du lịch, thêm bến du thuyền thay vì chỉ quy hoạch một bến du thuyền như hiện nay...

“Nếu không có kết nối đường sông với các dự án đô thị mới, các dự án bất động sản quy mô dọc ven sông sẽ 
rất phí” - ông Nhân nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Quang Định

Sẽ có bến tàu du lịch

Cũng tại hội thảo, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết từ năm 2013 đến nay, TP đã phê duyệt danh mục xây dựng 13 bến đỗ từ nguồn ngân sách nhà nước và 21 bến do tư nhân đầu tư.

Số lượng các doanh nghiệp tham gia khai thác du lịch đường sông cũng tăng từ 9 doanh nghiệp với 37 phương tiện vào năm 2011 lên 37 doanh nghiệp với hơn 130 phương tiện vào năm 2014.

Tuy nhiên, sau khi TP quy hoạch lại bến cảng Bạch Đằng, quyết định tạm ngưng hoạt động vận tải hành khách đường thủy tại công viên Bạch Đằng vào năm 2015, số lượng doanh nghiệp tham gia khai thác và số phương tiện đều giảm do gặp khó khăn.

Tuy nhiên, ông Vũ khẳng định cùng với việc quy hoạch lại các điểm dừng đón khách, cơ quan này cũng sẽ thu thập và cung cấp số liệu đầy đủ cho các doanh nghiệp để có cơ sở xây dựng các tour tuyến đường sông.

“Chúng tôi đã bàn với Sở NN&PTNT để đưa ra các điểm dừng trung gian. Riêng về vấn đề môi trường, ngành du lịch sẽ liên kết với các quận huyện, sở ngành để vớt rác như kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè...” - ông Vũ cho biết.

Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT, thông báo một tin vui cho các doanh nghiệp là cơ quan này đã đề xuất giữ lại 1.800m cầu tàu tại cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để tàu du lịch có bến hoạt động. Ngoài ra, TP đang nâng cấp tĩnh không cầu Bình Lợi từ mức 1,8m lên 7m để các tàu du lịch tầm trung có thể lưu thông vào TP.

Theo ông Cường, từ năm 2015, TP quy hoạch đầu tư 11 cảng với 34 tỉ đồng nhưng chưa phát huy được hiệu quả. “Việc phát triển du lịch đường sông và vận tải đường thủy có quan hệ mật thiết, phải đầu tư và kết nối được hệ thống cảng bến” - ông Cường nói.

Trong khi chờ quy hoạch giao thông đường thủy đồng bộ, theo ông Cường, trước mắt Sở GTVT tập trung khai thông luồng Sài Gòn, cầu Bình Lợi, triển khai xây cầu Nam Lý đường Đỗ Xuân Hợp, nạo vét các luồng sông...

Ngoài ra, tại khu vực cuối công viên Mũi Đèn Đỏ (Q.7) cũng đã được quy hoạch bến bãi để đón những tàu khách du lịch cỡ lớn. Sở GTVT đã đàm phán xong các hợp đồng BO của hai tuyến đường thủy nội ô từ Q.1 đi Phú Định (Q.8) và từ Q.1 đi Thanh Đa - Bình Quới, dự kiến sẽ bàn giao trước năm 2017.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ - chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, Nhà nước có nhiệm vụ quy hoạch bài bản chỗ nào mở âu thuyền, chỗ nào là cầu tàu đón trả khách... nhưng phải có cơ chế xã hội hóa vốn đầu tư để triển khai các dự án hạ tầng (cầu tàu, bến đỗ...) cũng như các tour, tuyến kinh doanh, nhân lực...

“Cần có chính sách minh bạch và công bằng, thu hút được nguồn lực của xã hội chứ không phải cứ để doanh nghiệp có tiền vào chiếm đất để bán kiếm lời” - ông Thọ nói.

Rà lại quy hoạch toàn bộ bờ sông Sài Gòn

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong - chủ tịch UBND TP - cho rằng việc phát triển du lịch đường sông là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu biến du lịch thành ngành kinh tế dịch vụ mũi nhọn của TP.

Trước mắt, theo chỉ đạo của ông Phong, các cơ quan chức năng liên quan phải rà soát quy hoạch toàn bộ bờ sông Sài Gòn, các bến đậu cho tàu thuyền du lịch, không để tình trạng thiếu đồng bộ trong quy hoạch, phát triển du lịch đường sông nhưng không có bến đậu...

Ngoài ra, ông Phong cũng chỉ đạo Sở Du lịch phải chủ động triển khai nhanh đề án du lịch đường sông, vừa làm vừa nghiên cứu, vừa triển khai rút kinh nghiệm.

ĐÌNH DÂN - MAI HOA
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,731,678       16/978