Du lịch

Du lịch đường sông Sài Gòn cần thêm sản phẩm du lịch

TTO - Du lịch đường sông chưa thuận lợi, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, khó hấp dẫn khách. Nhiều doanh nghiệp đã lên phương án đầu tư, thành phố cũng đã có ý định phát triển du lịch đường sông, chỉ còn chờ “bấm nút”...

*** Error ***
Các tàu phục vụ du lịch đường sông phải đậu ở Tân Cảng, không thuận lợi cho du khách - Ảnh: Quang Định

Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với lãnh đạo ngành du lịch, các doanh nghiệp, chuyên gia phát triển du lịch đường sông. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để du lịch đường sông TP.HCM không chỉ là tiềm năng.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ (giám đốc Sở Du lịch TP.HCM): Năm 2017 sẽ làm 
quy hoạch du lịch đường sông

Phát triển du lịch đường sông là chủ trương của TP đã có từ lâu, nhưng đến nay sự phát triển vẫn còn dưới mức tiềm năng rất nhiều. Phải nghiêm túc nhìn nhận ngành du lịch còn hạn chế trong việc tham mưu cho TP xây dựng đề án quy hoạch về phát triển du lịch đường thủy. Khi chưa có quy hoạch bài bản, chưa có thông tin rõ ràng, doanh nghiệp khó có kế hoạch kinh doanh.

Trong năm 2017, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để thực hiện nhanh quy hoạch phát triển du lịch đường thủy. Đây là nền tảng để UBND TP.HCM quyết định đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các tuyến du lịch đường thủy.

Tương tự, TP.HCM hiện có những điểm đến trung gian hấp dẫn như Bến Dừa (Củ Chi), Rừng Sác (Cần Giờ)... nhưng cự ly di chuyển tương đối xa, lại không có những điểm dừng chân để du khách tham quan hoặc có thêm sản phẩm giúp khách cảm thấy quãng đường di chuyển không quá xa.

Sắp tới chúng tôi sẽ mời gọi các doanh nghiệp đầu tư những điểm đến bằng các loại hình văn hóa, mô hình sáng tạo để thu hút khách.

Tuy nhiên, dù vai trò tham mưu chính là Sở Du lịch, nhưng sản phẩm du lịch là sản phẩm tổng hợp của nhiều ngành, phải có sự phối hợp. Cụ thể như giao thông thủy là Sở Giao thông vận tải, các hoạt động thưởng ngoạn văn hóa là Sở Văn hóa - thể thao, mua sắm và ẩm thực là Sở Công thương... Sự phối hợp giữa các cơ quan sẽ giúp doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư được thuận lợi hơn về thời gian và chi phí...

Ông Phan Xuân Anh (Công ty Du Ngoạn Việt): Thiếu biểu tượng, thiếu con đường 
cao cấp

Anh em trong ngành hỏi tôi đến TP.HCM, con đường nào là sang trọng nhất để đi bộ và mua sắm? Tôi nói Đồng Khởi. Nhưng đường Đồng Khởi sang trọng hồi nào? Nó đâu có giống như đường Nation Rose ở Hong Kong?

TP lớn nào cũng có nhưng TP.HCM chưa có con đường nào như vậy. Mình thiếu sản phẩm cao cấp, con đường cao cấp, thiếu biểu tượng.

Hà Nội có Khuê Văn Các, Huế có Ngọ Môn, Đà Nẵng có cầu Rồng..., TP.HCM có gì? Lấy chợ Bến Thành làm biểu tượng của TP.HCM, tôi cảm thấy có gì đó chưa đúng.

Nếu không lấy dòng sông Sài Gòn, có thể chọn dòng kênh Nhiêu Lộc, với đường Trường Sa và Hoàng Sa chạy dọc hai bên, để đầu tư và nâng lên tầm vóc một biểu tượng.

Nếu tàu du lịch không còn được đậu ở cảng Nhà Rồng, dòng kênh Nhiêu Lộc không đẹp hơn để làm du lịch, tôi cũng không biết phải làm gì để góp phần cho TP này đẹp hơn.

Các dự án bất động sản bên sông cũng rất đẹp, nhưng phải tính toán sao đó để không cản đường giao thông dưới sông về nội thành.

Bà Dương Thanh Thủy (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Thủy - TTG): Tái hiện không gian “trên bến 
dưới thuyền”

Chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục để triển khai sản phẩm du lịch gắn với sông nước TP.HCM mang tên “Góc Sài Gòn”. Dự án nằm trên kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (khu vực Q.1) được kết cấu bởi 8 chiếc phà (tổng chiều dài 160m) với sức chứa tối đa trên 2.500 khách.

Những chiếc phà sẽ được bố trí đan xen, nhấp nhô uốn lượn mô phỏng hình ảnh những chiếc thuyền đang cập bến, tái hiện khung cảnh “trên bến dưới thuyền” nhộn nhịp.

Các khu hoạt động được chia nhỏ, bố trí trải dài từ cầu Mống hướng về phía cầu Khánh Hội tái hiện không gian Sài Gòn xưa và TP.HCM nay gồm: khu vực cà phê văn hóa, tìm hiểu danh nhân lịch sử, khu vực ẩm thực đường phố, không gian sinh hoạt cộng đồng...

Dự án Góc Sài Gòn được ấp ủ từ gần 5 năm nay với mong muốn tạo một TP thu nhỏ, tái hiện một phần lịch sử TP 300 năm và cũng là nơi tư vấn về du lịch, là cầu nối liên kết các tour du lịch...

Ảnh: NGUYỄN THANH HẢI
Sản phẩm du lịch gắn với sông nước TP.HCM đang được triển khai - Ảnh: NGUYỄN THANH HẢI

Ông Phạm Huy Bình(chủ tịch HĐQT Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist): Phải phong phú “món” cho du khách

Từ khi không còn được đậu ở bến Bạch Đằng nữa, các tàu phục vụ du lịch đường sông của Saigontourist phải đậu ở Tân Cảng nên di chuyển xa hơn, không thuận lợi cho du khách. Mà không thấy thoải mái, khách sẽ không quay lại nữa.

Chúng ta cần cải tạo nhanh chóng bến Bạch Đằng, vừa tạo cảnh quan đẹp cho TP vừa làm bến đỗ cho tàu du lịch để du khách vừa lên tàu là thấy phố đi bộ Nguyễn Huệ, có nhiều nơi mua sắm, chi tiêu.

Sau hai năm triển khai thực hiện chỉ đạo của TP về việc phát triển các tuyến du lịch đường sông, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần kiến nghị.

Trước hết, lãnh đạo TP cần chỉ đạo ban hành đề án quy hoạch du lịch đường sông, có cơ chế phối hợp giữa các sở ban ngành, chính quyền địa phương, cả cộng đồng cùng chung tay để tạo ra môi trường sạch đẹp, an toàn.

Cần chú trọng cải tạo môi trường nước, cảnh quan hai bên bờ, xây dựng sản phẩm kết nối (mua sắm, ẩm thực). Ngoài ra cũng nên ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia loại hình du lịch đường sông.

Về sản phẩm du lịch, chương trình nghệ thuật hiện nay chỉ có “À Ố Show” và múa rối nước Rồng Vàng. Quay đi quay lại, khách rất nhàm chán. Còn những khu vực khác buổi tối không biết làm gì khác ngoài đi nhậu.

Đặc trưng của du lịch đường sông là phải có sản phẩm tại điểm đến, ngay cảnh quan hai bên sông cũng cần được xây dựng, cải tạo thêm.

Thay vì chỉ đi ngắm cảnh rồi về, cần có sản phẩm để níu chân du khách. Do thiếu sản phẩm mới, hấp dẫn, khác lạ nên du khách tham quan tour tuyến đường sông quay lại rất ít, số quay lại chủ yếu là vì ẩm thực đường sông thôi.

Sản phẩm nghèo nàn quá

Theo ông Phạm Huy Bình, trong phát triển du lịch, cái quan trọng không phải là lượng khách đến TP bao nhiêu, mà là số tiền du khách chi tiêu tại TP. Như New York mỗi năm đón 53 triệu du khách, khách tiêu tới 41 tỉ USD, vậy mỗi người bình quân gần 1.000 USD. Ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, mức chi tiêu của du khách trước đây còn 200-250 USD/người, sau đó ngày càng giảm vì sản phẩm của mình nghèo nàn quá.

Bàn hướng 
phát triển 
du lịch đường sông TP.HCM

Chiều 22-11, hội thảo “Du lịch đường sông: Hướng phát triển du lịch đặc sắc TP.HCM” do báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn ra tại khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM), với sự tham dự của lãnh đạo UBND TP.HCM, lãnh đạo các sở ngành của TP (du lịch, giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, quy hoạch - kiến trúc…) cùng các chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, ẩm thực, vận tải, bất động sản…

Sau khi đăng tải bài đầu tiên trong loạt bài “Du lịch đường sông “mắc cạn””, báo Tuổi Trẻ nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều bạn đọc là các chuyên gia, những người làm du lịch và lãnh đạo sở ngành liên quan của TP.HCM.

Buổi hội thảo là dịp để các đại biểu thảo luận sâu hơn về các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch đường sông của TP.HCM, bàn các giải pháp gỡ khó cho các sản phẩm du lịch đường sông đang triển khai, hướng phát triển cho những sản phẩm sắp tới…

MAI HOA - ĐÌNH DÂN - LÊ SƠN , thực hiện
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  10,736,300       21/983