Được TP HCM chỉ đạo triển khai từ năm 2004 nhưng đến nay, dự án Công viên Sài Gòn Safari (Thảo Cầm Viên mới) vẫn chưa hẹn ngày hoàn tất. Người dân nơi đây rơi vào cảnh đi chẳng được, ở cũng không xong
Theo quy hoạch, dự án Công viên Sài Gòn Safari thuộc 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP HCM với diện tích hơn 485 ha. Nguồn vốn dự tính đầu tư cho dự án này lên đến 500 triệu USD, được đánh giá là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, có tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới.
Chưa giải phóng xong mặt bằng
Ngày 11-6-2004, UBND TP ra quyết định thu hồi hơn 485 ha đất và giao cho Thảo Cầm Viên Sài Gòn tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng Công viên Sài Gòn Safari. Đến cuối tháng 6-2004, UBND TP phê duyệt phương án giá đền bù. Tuy vậy, phải 5 năm sau (tức năm 2009), Thảo Cầm Viên Sài Gòn mới tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch chi tiết 1/2000 nhưng đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng thuê tư vấn xây dựng dự án.
Đáng nói là có 705 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, hiện vẫn còn 20 hộ chưa nhận tiền bồi thường, 14 hộ đã nhận tiền song vẫn khiếu nại vì cho rằng chưa thỏa đáng. Mới đây, UBND TP chỉ đạo huyện Củ Chi phải hoàn thành khu tái định cư cho người dân trong quý IV/2014. Cũng liên quan đến dự án này, UBND TP vừa giao UBND huyện Củ Chi phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các hộ dân nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để đưa đất vào khai thác, sử dụng theo quy hoạch. Theo UBND TP, hiện tiến độ triển khai dự án quá chậm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, tạo tâm lý và dư luận không tốt cũng như gây khó khăn trong công tác bảo vệ khu đất và trồng cây phủ xanh. Vì thế, lãnh đạo TP yêu cầu huyện Củ Chi khẩn trương tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm trễ tiến độ dự án, chỉ đạo ban quản lý dự án hoàn tất các thủ tục pháp lý và xây dựng hoàn thành trong tháng 8-2015.
“Mong có sự công minh”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều người dân sống tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng đều bày tỏ bức xúc vì dự án “treo” quá lâu. Hiện họ không biết đi đâu về đâu, sống ngay trên mảnh đất của mình thì không yên tâm vì không thể trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều hộ dân khác lại bức xúc vì giữa các hộ cùng một loại đất nhưng có giá đền bù khác nhau. Cụ thể, ông Đoàn Văn Lanh (ngụ ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây) phản ánh đất nhà ông là đất gò tự nhiên trong khu dân cư, trồng cây lâu năm. Theo quy định, đáng lẽ được đền bù với giá 150.000 đồng/m2 nhưng huyện chỉ đền bù 60.000-75.000 đồng/m2. Trong khi đó, một số hộ dân khác sống gần nhà ông Lanh có cùng loại đất nhưng lại được đền bù 150.000 đồng/m2.
Quá bức xúc, nhiều hộ dân đã kiến nghị Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi thu hồi số tiền của các hộ dân đã chi sai hoặc phải đền bù thêm cho các hộ dân mà trước đó được đền bù thấp hơn quy định. “Tôi chỉ mong huyện làm việc một cách công minh, không vì mục đích nào đó mà châm chước cho người này, ép người kia” - ông Lanh nói. Khi tiếp xúc với chúng tôi, phần đông người dân ở đây đều cho rằng họ hoàn toàn đồng thuận với chủ trương của TP trong việc xây dựng Công viên Sài Gòn Safari. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành dự án, huyện Củ Chi nên hiệp thương giá đền bù với người dân, đó là chưa kể việc đến nay quyết định thu hồi đất vẫn không có.
UBND huyện Củ Chi “chữa cháy”
Trước đó, 5 hộ dân ở 2 xã An Nhơn Tây và xã Phú Mỹ Hưng đã làm đơn tố cáo UBND huyện Củ Chi tự điều chỉnh việc ghi nhận hiện trạng đất từ trồng cây hằng năm trong khu dân cư thành trồng cây hằng năm ngoài khu dân cư, dẫn đến giá bồi thường bị giảm. Trong khi UBND TP chưa chỉ đạo thì UBND huyện Củ Chi lại tùy tiện vận dụng các tiêu chí để đền bù cho hàng trăm hộ dân khiến họ bức xúc. Để “chữa cháy” cho sai lầm của mình, tháng 5-2013, UBND huyện Củ Chi có Quyết định 4285 về việc bồi thường thiệt hại cho một số hộ dân với giá đất mới là 150.000 đồng/m2.