Để trả lại ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, ông Hoàng Văn Nghiên sẽ được thuê và mua ngôi nhà tại dự án phía Đông hồ Nghĩa Đô (thuộc quận Cầu Giấy) trị giá trên dưới 30 tỉ đồng
Việc cơ quan chức năng TP Hà Nội tìm nhà rồi đàm phán để thuyết phục nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên trả lại ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa đang gây chú ý. Nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết vì quy định pháp luật không bắt buộc phải cấp nhà công vụ đối với cán bộ là người địa phương.
Không thể nói khó khăn về nhà ở
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho biết Luật Nhà ở có hiệu lực từ năm 2006 đã quy định rõ việc quản lý, bàn giao, thu hồi nhà ở công vụ và ông Nghiên là Chủ tịch UBND TP Hà Nội giai đoạn 1994 - 2004 và bắt đầu thuê căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa vào năm 2001, tức là trước khi Luật Nhà ở ra đời. “Tuy vậy, dù trong bất cứ giai đoạn nào thì nguyên tắc chung là nhà ở công vụ đều phải trả lại cho nhà nước bởi đây là tài sản được dùng với mục đích công; nếu mua, bán, cho ở thuê, ở nhờ không phải vì mục đích công là đều sai” - ông Hùng nhấn mạnh.
Khu dự án biệt thự ở phía Đông hồ Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) được UBND TP Hà Nội dự định mua và cho ông Hoàng Văn Nghiên thuê Ảnh: VĂN DUÂN
Hơn nữa, theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc giao nhà cho ông Nghiên khi nhận chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội là vô lý bởi trước đó ông này đã từng giữ các cương vị chủ chốt ở các cơ quan, công ty ngay tại TP Hà Nội mà không phải chuyển từ địa phương khác về và không thể nói có khó khăn về nhà ở. “Tôi đề nghị với trường hợp của ông Nghiên phải điều tra, xử lý nghiêm, đúng pháp luật” - ông Hùng nói.
Không đồng tình với việc ông Hoàng Văn Nghiên chần chừ trả nhà công vụ và đòi hỏi TP Hà Nội phải bố trí chỗ ở khi thực tế ông không khó khăn về nhà ở, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng việc ông Nghiên được cấp ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa để ở theo dạng nhà công vụ và nay được cho thuê lại với giá 459.688 đồng/tháng là không thỏa đáng. Ông Liêm dẫn chứng hiện biệt thự thì đã được gia đình con trai ông Nghiên sinh sống từ lâu, có nghĩa là ông Nghiên đang sinh sống ở đâu đó và không hề khó khăn về nhà ở.
“Việc Hà Nội cấp nhà đất cho ông Nghiên thuê như vậy có khác gì cấp chỗ ở cho con trai ông Nghiên. Mà tại sao lại vừa cấp đất, rồi lại bỏ tiền xây dựng nhà cửa hoành tráng như thế được chứ ?”- ông Liêm băn khoăn.
Ông Nghiên “xuống nước”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 5-12, ông Hoàng Văn Nghiên xác nhận mới đây đã có văn bản trình bày nguyện vọng cá nhân về chuyện nhà cửa để ở, gửi tới UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, nội dung cụ thể thì ông từ chối không cung cấp.
Theo nguồn tin của chúng tôi, ông Nghiên đã chấp thuận với đề xuất của UBND TP Hà Nội về việc cho ông thuê và mua ngôi nhà 163 m2 đất và 173 m2 diện tích sử dụng tại dự án phía Đông hồ Nghĩa Đô (thuộc quận Cầu Giấy). Đây chính là địa điểm mà Sở Xây dựng Hà Nội từng đề xuất với ông Nghiên vào tháng 5-2010; tháng 5-2013 ông Nghiên đã đồng ý với vị trí này nhưng sau đó 2 tháng lại đề xuất TP Hà Nội nghiên cứu cho thuê một biệt thự ở khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) ở quận Tây Hồ khiến sự việc trở nên rắc rối.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất để xây biệt thự phía Đông hồ Nghĩa Đô là “khu đất vàng” của quận Cầu Giấy, giao thông rất thuận tiện. Khu dự án biệt thự này nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, rộng khoảng 0,4 ha, chỉ xây dựng 19 căn biệt thự với diện tích từ 140-200 m2/căn. Hiện ở đây có 5 căn biệt thự đã xây thô xong, trong đó có 2 căn đang hoàn thiện nội thất. Căn biệt thự diện tích đất 163 m2 được UBND TP Hà Nội dự định mua và cho ông Hoàng Văn Nghiên thuê, sau đó có thể mua lại.
Theo giới kinh doanh địa ốc và người dân địa phương, giá đất ở khu vực này giai đoạn “sốt” là khoảng hơn 200 triệu đồng/m2, hiện nay giảm còn khoảng 130-170 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ riêng với lô đất có diện tích 163 m2 mà UBND TP Hà Nội chấp thuận mua và xây nhà biệt thự để nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên thuê và có thể mua, có giá bán hơn 27 tỉ đồng. Còn nếu tính cả chi phí xây dựng, có thể lên đến trên dưới 30 tỉ đồng.
Tuần sau sẽ có kết luận
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết UBND TP Hà Nội đang chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc lùm xùm này. “Chắc đầu tuần tới sẽ có kết luận cuối cùng về hướng giải quyết” - ông Tuấn thông tin.
Bến Tre kiểm điểm vụ ông Trần Văn Truyền
Sáng 5-12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm tại Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, về những sai phạm trong việc cấp đất, bán nhà cho ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ. Ông Nguyễn Tấn Quyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã đến dự.
Các ông Huỳnh Văn Be, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; ông Trần Văn Cồn, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Cao Tấn Khổng và ông Nguyễn Thái Xây, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh (các vị này nguyên là lãnh đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bến Tre - PV) đều có mặt tham dự buổi họp kiểm điểm cùng với lãnh đạo các sở - ngành liên quan…
Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bến Tre, với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, các vị lãnh đạo qua từng thời kỳ đã kiểm điểm sâu sắc về trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến việc cho sửa chữa, bán ngôi nhà số 6 Lê Quý Đôn, phường 1, TP Bến Tre và việc cấp thửa đất tại số 598B5 đường Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, TP Bến Tre cho ông Trần Văn Truyền.
Ông Đạt cũng cho biết theo ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Truyền không phải kiểm điểm tại chi bộ nơi ông đang sinh hoạt. Chiều 6-12, ông Truyền sẽ kiểm điểm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nội dung kiểm điểm của ông và nội dung kiểm điểm tại Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ được Tỉnh ủy Bến Tre báo cáo về trung ương. Đối với ông Truyền, đây là bước kiểm điểm ban đầu tại tỉnh. Sau đó, ông Truyền còn phải kiểm điểm một lần nữa trước Ủy ban Kiểm tra trung ương. Đơn vị này mới có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý cuối cùng.
Sau cuộc họp kiểm điểm ngày 5-12, ông Đạt chưa cho biết trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân sai phạm liên quan đến việc cấp đất, bán nhà cho ông Truyền. Ông chỉ nói: “Từng cá nhân trong Ban Cán sự Đảng thời đó đều có trách nhiệm liên quan ít, nhiều với nhau. Nói chung chủ yếu là trách nhiệm của cả tập thể…”
D.M.Phương