Công nghệ thông tin

Hẻm... miễn phí

Hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM là con hẻm của những tấm lòng với hàng loạt dịch vụ miễn phí nhằm giúp đỡ người nghèo

“Đều là người nghèo nên chúng tôi hiểu được hoàn cảnh của người nghèo khi gặp hoạn nạn. Chính vì thế, chúng tôi cùng nhau làm những việc miễn phí nhằm chia sẻ với người đồng cảnh ngộ..." - ông Đỗ Văn Út, 52 tuổi, tâm sự khi nói về những "dịch vụ miễn phí" ở hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM.

Ngay ở đầu con hẻm 96 này, người đi đường dễ thấy chiếc bình trà đá và tấm biển ghi “miễn phí”. Ông Đỗ Văn Út kể: "Lúc trước, thấy những người buôn bán phải xách theo chai nước hoặc những người đi đường hay ghé xin nước uống nên tôi bàn với mọi người trong hẻm tổ chức bình trà đá miễn phí. Ngoài công nấu, chi phí chỉ vài chục ngàn đồng nhưng đã giúp được nhiều người”.

Ông Út châm thêm nước trà vào bình nước miễn phí khi khách uống đã vơi
Ông Út châm thêm nước trà vào bình nước miễn phí khi khách uống đã vơi

Theo ông Út, nguyên nhân bà con trong hẻm đặt “tủ thuốc từ thiện” là bởi cung đường này thường xảy ra tai nạn. Lúc đầu, tủ thuốc không có khóa, ai cần thì sử dụng nhưng kẻ xấu cứ lấy hết thuốc nên bà con phải khóa lại. Tuy nhiên, hằng ngày vẫn luôn có người ở đầu hẻm nên có thể mở tủ lấy thuốc giúp người đi đường khi cần.

Ông Đỗ Văn Phúc, chạy xe ôm ở hẻm 96 đã mấy chục năm qua, cho biết không chỉ người bị tai nạn mà cả những người buôn gánh bán bưng, chạy xích lô, bán vé số… đi qua đây chẳng may bị xỉu vì trúng gió, cảm nắng cũng được người dân dìu vào hẻm để cạo gió, xoa dầu, nghỉ ngơi một lát cho khỏe rồi lại tiếp tục công việc. “Bản thân tôi chạy xe ôm cũng cần kiếm miếng cơm qua ngày nhưng gặp người nghèo, người tàn tật, đau ốm thì chở miễn phí luôn” - ông Phúc cười nói.

Đặt biệt, tại hẻm 96 còn có một tấm biển với nội dung: "Vạn Phúc - Điểm giúp hòm từ thiện, trợ táng miễn phí phục vụ 24/24, kể cả ngày lễ, Tết và chủ nhật". Người đặt tấm biển này chính là ông Đỗ Văn Út.

Ông Út kể: “Khu này phần lớn là dân nghèo đến lưu trú qua đêm nên không ít trường hợp nửa đêm đột tử mà không có họ hàng thân thích đứng ra lo liệu. Vì vậy, tôi đã nảy ra ý nghĩ nên lo chuyện hậu sự cho họ”. Nghĩ là làm, ông Út đi vận động từng cơ sở trại hòm. Thấu hiểu được tấm lòng của ông cùng với nghĩa cử cao đẹp dành cho những mảnh đời bất hạnh nên nhiều cơ sở đồng ý chung tay giúp. Sau này, trại hòm Vạn Phúc ở Gò Vấp trở thành nhà tài trợ duy nhất gắn bó với công việc từ thiện mấy năm qua.

"Hễ có người chết mà khó khăn là Vạn Phúc cho hòm miễn phí, còn những việc khác thì tùy vào khả năng của gia đình nhưng có nguyên tắc bất di bất dịch: đúng giờ là phải động quan, đưa đi hỏa táng, kinh phí thiếu bao nhiêu tính sau" - ông Út cho biết.

Chia tay ông Út, tôi suy nghĩ mãi câu nói của ông: "Nói thật, mình chẳng có của cải gì thì cố gắng làm việc nghĩa để đức lại cho con cháu vậy...".

Người lao động

© 2021 FAP
  3,173,759       2/1,149