Công nghệ thông tin

Giá dầu rớt 1 USD, Việt Nam mất 1.000 tỉ đồng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: “Mỗi 1 USD giá dầu giảm thì Việt Nam mất 1.000 tỉ đồng, khi giá dầu xuống trên dưới 80 USD/thùng thì mất 20.000 tỉ đồng”

Ngày 1-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2014.

Giá dầu xuống thấp nhất trong 5 năm

Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2014. Các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đà tăng trưởng được phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu và dự báo cả năm 2014 nhiều khả năng tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra (5,8%).

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, có những tác động, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của kinh tế nước ta, nổi bật là giá xăng dầu thế giới tiếp tục giảm từ 105 USD/thùng (cuối tháng 7-2014) xuống 68,53 USD/thùng (28-11-2014) - mức thấp nhất trong 4 - 5 năm qua. Giá xăng dầu thế giới tác động trực tiếp đối với một số lĩnh vực (thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu…).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Chính phủ

Chiều cùng ngày, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: Từ đầu năm, Chính phủ dự báo giá dầu là 100 USD/thùng để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội giao, nay giá dầu giảm 30 USD/thùng và con số này có thể còn biến động. Mổ xẻ mặt trái của giá dầu thế giới giảm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Mỗi 1 USD giá dầu giảm thì Việt Nam mất 1.000 tỉ đồng, khi giá dầu mất trên dưới 20 USD/thùng thì chúng ta mất khoảng 20.000 tỉ đồng”.

Để ứng phó với tình hình này, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết hiện ngành dầu khí đang có nhiều điểm khai thác khác nhau vì thế giá thành cũng khác nhau, dao động trong khoảng 35-40-70 USD/thùng. “Chính phủ đã chỉ đạo xem xét lại những mỏ dầu có giá thành cao thì dừng không khai thác vào lúc này, chỉ khai thác những mỏ dầu giá thành thấp. Phương án của Bộ Tài chính đưa ra để bù đắp nguồn thu thiếu hụt từ giá dầu giảm cũng được đánh giá là khả thi” - ông Nên trấn an.

Không tăng biên chế

Phát biểu kết luận tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết lĩnh vực. Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trước xu hướng giá dầu thô thế giới liên tục giảm mạnh, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, có phương án, tính toán các nguồn thu ngân sách, bảo đảm không để hụt thu. Ngân hàng Nhà nước khẩn trương trình cơ chế mới để nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); tiếp tục xử lý những ngân hàng yếu kém.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của trung ương và Quốc hội, trong năm 2015, không tăng thêm biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức hành chính. Bộ Nội vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án liên quan đến thực trạng bổ nhiệm hàm chức danh quản lý, lãnh đạo tại các bộ, ngành hiện nay. 

Tết âm lịch được nghỉ 9 ngày

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về tờ trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về việc nghỉ Tết Nguyên đán và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ năm 2015 với cán bộ, công chức, viên chức. Các ý kiến nhất trí với phương án do Bộ LĐ-TB-XH đề xuất, lựa chọn. Theo đó, công chức, viên chức nghỉ 9 ngày đối với Tết Nguyên đán 2015 (từ 15-2 đến hết 23-2-2015); nghỉ 4 ngày đối với Tết Dương lịch 2015 (từ 1-1 đến 4-1-2015); nghỉ 6 ngày dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày Chiến thắng 30-4 và ngày Quốc tế Lao động 1-5 (từ 28- 4 đến 3-5).

Vụ ông Trần Văn Truyền: Không có ngoại lệ

Việc các địa phương làm trái quy định về cấp đất, nhà cho ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương hết sức rõ ràng, trong đó giao cơ quan quản lý có thẩm quyền tiến hành kiểm điểm các tổ chức, cá nhân vi phạm. “Từ vụ việc này cho thấy với một cán bộ đương chức hay về hưu thì vẫn có những quy định xử lý nghiêm và đều được thực hiện như nhau, không có ngoại lệ” - ông Nên khẳng định.

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc ông Trần Văn Truyền bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận có vi phạm đã được báo chí trước đó phát hiện và đưa tin, vậy những cán bộ gần đây được báo chí đặt nghi vấn về nhà đất thì có bị xem xét?, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích: Khi xuất hiện bất cứ vấn đề từ dư luận, cơ quan có thẩm quyền sẽ làm theo quy trình, nếu thấy có vi phạm thì sẽ công khai giống như trường hợp ông Truyền. “Tôi được biết Đảng không bỏ sót và sẽ yêu cầu các cấp quản lý thực hiện đúng theo sự phân cấp của Đảng, nhà nước với bất cứ trường hợp nào dư luận phản ánh” - ông Nên quả quyết.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,175,611       3/1,204