Hầu hết trong tổng số 500 trẻ em tại làng nghề Đông Mai ở tỉnh Hưng Yên bị phơi nhiễm chì - hàm lượng trong máu vượt ngưỡng cho phép 3-7 lần. Bốn năm nay, nhiều người đã chết vì ung thư
Làng nghề Đông Mai nằm ngay trung tâm xã Chỉ Đạo, huyện Vân Lâm, tỉnh Hưng Yên. Đông Mai có nghề đúc đồng truyền thống nhưng từ lâu, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nghề đúc đồng dần mai một, người dân Đông Mai chuyển sang tái chế chì từ pin, bình ắc-quy hỏng từ cuối thập niên 1970 đến nay.
Ô nhiễm kinh hoàng
Lúc cao điểm, Đông Mai có tới 200 hộ làm nghề tái chế chì. “Pin và bình ắc-quy cũ sau khi thu gom về sẽ được tháo rút phần axít còn sót rồi phá dỡ để lấy các tấm chì. Số chì này được đưa vào lò nung để loại bỏ tạp chất và đổ thành thỏi. Bước cuối cùng là quét bột khói để tạo màu phấn phía ngoài các thỏi chì rồi bán” - một người dân Đông Mai mô tả.
Chúng tôi dễ dàng chứng kiến lượng axít còn sót được súc rửa và đổ thẳng ra cống rãnh, ao hồ, đường sá. Vỏ bình ắc-quy nhựa màu trắng được nghiền và bán cho cơ sở tái chế; còn vỏ đen thì bỏ chất đống. Bầu không khí ở làng nghề này luôn ngợp trong khói bụi. Những ngày nắng nóng, bụi chì và nước axít tồn đọng bốc mùi khét lẹt; khi trời đổ mưa thì chất thải chảy lênh láng khắp nơi, đọng đầy các ao hồ rồi ngấm vào lòng đất.
Trong quá trình nấu chì, một lượng khói, bụi, xỉ... không qua bất cứ công đoạn xử lý nào được thải trực tiếp ra môi trường. Công nhân làm việc trong các lò nấu chì không hề được trang bị đồ bảo hộ lao động. Đi làm về, áo quần của họ dính đầy bụi chì và hóa chất, vô tình trở thành nguồn nhiễm độc cho chính bản thân và những người tronggia đình.
Công bằng mà nói, nghề tái chế chì đã đem lại cuộc sống dễ thở cho người dân Đông Mai. Nhiều người đã giàu lên trông thấy. Dọc các con đường trải bê-tông rộng rãi, nhà cao tầng đua nhau mọc lên. Xế hộp đời mới, xe tải đỗ đầy trước cổng nhà...
Dù vậy, người dân Đông Mai và con cái họ đã phải trả cái giá quá đắt khi sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Rất nhiều trẻ em đang phải hứng chịu những tác động đến hệ thần kinh cùng các di chứng như: chậm phát triển trí não, còi cọc... do hàm lượng chì trong máu vượt quá ngưỡng cho phép.
Nhiều năm nay, Đông Mai được xem là 1 trong 4 làng nghề gây ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất tỉnh Hưng Yên. Có thời điểm, hơn 50% người dân của thôn bị bệnh đường ruột, đau dạ dày; 30% mắc bệnh đường hô hấp, đau mắt; 100% người trực tiếp nấu chì bị nhiễm độc. Cách đây 10 năm, thôn đã có hơn 40 người bị teo cơ, bại não, bại liệt, mù bẩm sinh do ảnh hưởng của bụi và khói chì.
Theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2007, Đông Mai phải hoàn tất việc xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các hộ, cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Đến năm 2011, tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt dự án xây dựng cụm công nghiệp Đông Mai rộng 21 ha, cách khu dân cư trên 1 km để tập trung các cơ sở tái chế kim loại độc hại. Tuy nhiên, hiện rất nhiều cơ sở tái chế chì trong khu dân cư vẫn chưa chịu di dời.
Những con số đáng sợ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế, cho biết từ năm 2007-2008, viện đã được giao nhiệm vụ nghiên cứu về mức độ ô nhiễm môi trường tại xã Chỉ Đạo. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ ô nhiễm chì trong không khí vượt tiêu chuẩn gần 3,5 lần, có nơi tới 10 lần. Nhiều loại cá, rau... nuôi trồng cũng nhiễm chì vượt mức cho phép 4,6 lần.
Năm 2012, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (nay là Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường) đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên 109 trẻ dưới 10 tuổi ở Đông Mai. Nếu theo tiêu chuẩn của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Mỹ - hàm lượng chì trong máu của trẻ không được quá 10 mg/dl - thì tất cả các bé đều vượt giới hạn, thậm chí nhiều lần. Trong đó, 24 bé vượt 4-5 lần - mức báo động, một số bé lên đến 6-7 lần - mức nguy hiểm, cần thải độc cấp tốc.
Nhiều trẻ sinh ra trong những gia đình không làm nghề cũng có hàm lượng chì rất cao. Điển hình là trường hợp bé L.N.Ch, con anh L.N.H, mới 4 tuổi nhưng hàm lượng chì trong máu gấp 7 lần mức cho phép. “Hằng năm, tôi phải đưa con lên Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) lọc máu. Theo các bác sĩ, việc phục hồi hoàn toàn cho Ch. là không thể, bé sẽ phải đối mặt các di chứng như chậm phát triển trí não, còi cọc” - anh Ch. Lo lắng.
Cháu L.P.L, 4 tuổi, con anh L.V.Q, cũng có hàm lượng chì trong máu vượt ngưỡng 7 lần, phải nhập viện điều trị. Nhiều trẻ khác mới 2-3 tuổi nhưng nhiễm độc chì đã gấp 6-7 lần mức cho phép như bé Đ.H.G.B, L.V.Đ...
Báo cáo mới nhất của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho thấy kết quả còn đáng sợ hơn. Có đến 97% trong tổng số 500 trẻ tại thôn Đông Mai được làm xét nghiệm nhanh có kết quả phơi nhiễm chì. Hầu hết các trẻ này đều có hàm lượng chì trong máu vượt ngưỡng 3-7 lần. Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đưa các cháu vượt ngưỡng từ 4 lần trở lên điều trị thải độc chì. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhi đã bỏ điều trị hoặc không tuân thủ liệu trình của bác sĩ.
Kỳ tới: Hung thần ung thư ám ảnh
Có thể nguy hiểm tính mạng
Theo TS Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, không chỉ trẻ em mà hầu hết người lớn ở làng nghề Đông Mai khi xét nghiệm đều có lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép.
“Trẻ nhiễm độc chì dễ dẫn đến suy gan, suy thận, mất trí nhớ, sụt cân... Nếu ngộ độc nặng, trẻ sẽ bị co giật, nguy hiểm đến tính mạng. Còn người lớn nhiễm độc chì thì thường chán ăn, mất ngủ, đau đầu, thiếu máu và suy giảm sức khỏe, trí nhớ, năng suất lao động. Trung tâm đã tiếp nhận các trường hợp nhiễm độc chì hàm lượng cao nhưng hầu hết chỉ điều trị 1-2 đợt rồi không quay lại. Quá trình điều trị nhiễm độc chì thường kéo dài khoảng 2 năm. Nếu chỉ điều trị một vài tuần sẽ không thể thải loại được nồng độ chì trong cơ thể” - TS Duệ khuyến cáo.