Việc triệu tập một số đông trong thành phần hòa giải và các đương sự trong tranh chấp đất như quy định mới là rất khó, trong khi đây là những thành phần tham gia phải có mặt
So với Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 (hiệu lực từ ngày 1-7-2014) quy định về hòa giải tranh chấp đất ở cơ sở chi tiết hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ngay sau khi đưa vào áp dụng, thực tiễn cho thấy đã bộc lộ một số khó khăn cho chính quyền phường, xã, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã).
Nhiều bất cập
Cụ thể, Luật Đất đai 2003 quy định về hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở, gồm: nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc giải quyết thông qua hòa giải ở cơ sở, khi không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã nơi có đất tranh chấp. UBND xã có trách nhiệm phối hợp với MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ, các tổ chức xã hội khác để hòa giải. Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn. Kết quả hòa giải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và xác nhận của UBND xã.
Trong khi đó, Luật Đất đai 2013, được cụ thể hơn ở Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai 2013 quy định về thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai như sau: Khi nhận được đơn yêu cầu, UBND cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc, quá trình sử dụng và hiện trạng sử dụng đất; thành lập hội đồng hòa giải, thành phần gồm: chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND làm chủ tịch hội đồng; đại diện ủy ban MTTQ xã; tổ trưởng tổ dân phố (đô thị) hoặc trưởng thôn, ấp (nông thôn); đại diện một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên; tổ chức họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên hội đồng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.
Sau 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản thì chủ tịch UBND xã tổ chức lại cuộc họp hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.
Như vậy, so với Luật Đất đai 2003, để khắc phục những hạn chế của cơ chế hòa giải cũ, cơ chế mới của Luật Đất đai 2013 đã tạo ra nhiều bất cập khác, như: tổ chức hòa giải do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND xã chủ trì thay cho việc do UBND chủ trì; thời hạn hòa giải là 45 ngày thay vì 30 ngày.
Việc thành lập hội đồng hòa giải có cả người dân sống gần phần đất tranh chấp, tổ trưởng dân phố, trưởng ấp, trưởng thôn... rồi hội đồng phải thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất... thì luật cũ không quy định có thẩm quyền này.
Thêm một cấp “tòa án”?
Rà soát kỹ thủ tục hòa giải cơ sở quy định tại điều 202 Luật Đất đai 2013 và hướng dẫn chi tiết tại Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, dễ nhận thấy thủ tục giải quyết hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở gần giống như thủ tục giải quyết tranh chấp đất tại tòa án cấp sơ thẩm vì cũng có đầy đủ các “hành vi tố tụng”, gồm: thành lập hội đồng, thu thập tài liệu, xác minh nguồn gốc sử dụng đất, xác minh quá trình sử dụng và hiện trạng sử dụng đất, thẩm tra nguyên nhân phát sinh tranh chấp...
Luật Đất đai 2013 giao nhiều thẩm quyền cho cấp xã hơn nhưng quy định thời hạn giải quyết 45 ngày, dù là dài hơn Luật Đất đai 2003 nhưng liệu có khả thi? Thực tiễn cho thấy chỉ riêng việc xác minh nguồn gốc đất trong thời hạn 45 ngày là rất khó hoàn tất, đặc biệt là những vụ tranh chấp phức tạp, trong khi hội đồng hòa giải còn phải thực hiện nhiều thủ tục khác.
Hơn nữa, việc triệu tập một số đông trong thành phần hòa giải và các đương sự trong tranh chấp như đã nêu là rất khó đầy đủ. Trong khi theo tinh thần Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì đây là những thành phần phải có mặt trong buổi hòa giải.
Đó là chưa nói đến kết quả của việc xác minh thu thập tài liệu, nguồn gốc, hiện trạng do cấp xã thực hiện được dùng làm cơ sở hòa giải khó có thể khách quan bởi không bị giám sát, không bị khiếu nại như tố tụng ở tòa án (ở tòa án có VKS thực hiện việc kiểm sát và đương sự có quyền khiếu nại). Cho nên những “hành vi tố tụng” của cấp xã rất dễ bị lợi dụng bởi các hình thức làm thiên lệch, “ngâm” vụ việc để có lợi cho một bên hoặc lạm quyền trong giải quyết...
Như vậy, vô hình trung tạo thêm một cấp “tòa án” giải quyết với rất nhiều hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, không mang lại nhiều lợi ích cho người dân mà còn gây mất thời gian và dễ bị lợi dụng trong khi việc giải quyết tranh chấp vốn đã được phân công thực hiện quyền lực tư pháp ở cơ quan tòa án.
Quy định buộc người dân có tranh chấp đất đai phải cung cấp tài liệu về đất đai là trái với nguyên tắc không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở, quy định tại điều 4 Luật Hòa giải cơ sở năm 2013.
Ông Nguyễn Như Hải, Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh nghệ aN:
Vụ việc phức tạp, 45 ngày sao xử lý kịp?
Những thay đổi trong thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở của Luật Đất đai 2013 so với Luật Đất đai 2003 và theo hướng dẫn của Nghị định 43/2014/NĐ-CP có nhiều điểm tiến bộ, cấp phường, xã được giao toàn quyền giải quyết hòa giải tranh chấp đất đai.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi thấy quy định thời gian hòa giải cấp phường, xã là 45 ngày vẫn còn có những bất cập. Cụ thể, với những vụ việc tranh chấp đơn giản, thời gian hòa giải 45 ngày sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, với những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều người mà trong vòng 45 ngày phải thực hiện hàng loạt công việc như: xác minh nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất, triệu tập các thành viên liên quan, thành lập hội đồng hòa giải... thì rất khó thực hiện. Ví dụ: Một vụ tranh chấp đất liên quan đến những người không có mặt ở địa phương (làm ăn xa, ở nước ngoài) thì việc xác định nơi ở hay mời được những người này về để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai trong một thời gian ngắn là rất khó. Đối với những vụ việc tranh chấp phức tạp, liên quan đến nhiều bên, chúng tôi phải kiến nghị lên cấp trên cho gia hạn thời gian thực hiện hòa giải, nếu không thì 45 ngày làm sao xử lý kịp?
Ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau:
Khó tránh khiếu nại gia tăng
Nếu như chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND thị trấn phải chủ trì tất cả các cuộc hòa giải tranh chấp đất đai thì chắc chắn không đủ thời gian để giải quyết chứ chưa nói đến thời gian để giải quyết những công việc khác. Ngoài ra, nếu thực hiện theo đúng hướng dẫn của Luật Đất đai 2013 về hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở thì hầu như các ban, ngành, đoàn thể địa phương có lẽ cũng chỉ đủ thời gian để làm mỗi công việc này mà thôi.
Hằng năm, ở một số địa phương, đặc biệt là những nơi đất chật người đông như thị trấn Sông Đốc, có hàng chục cuộc tranh chấp đất đai cần hòa giải. Thông thường thì trưởng khóm, bí thư chi bộ hoặc một cán bộ có kinh nghiệm, uy tín là hoàn toàn có thể giải quyết được những vụ tranh chấp nhỏ. Vụ việc hơi phức tạp thì phó chủ tịch hoặc chủ tịch UBND thị trấn mới đích thân giải quyết. Bây giờ, nếu chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã phải chủ trì tất cả thì khó tránh khỏi vụ việc tồn đọng nhiều, khiếu nại gia tăng. Theo tôi, 45 ngày để hòa giải một vụ tranh chấp là quá đủ nếu đấy là một vụ tranh chấp đơn giản, việc hòa giải thành vì thế sẽ mất rất ít thời gian. Nhưng với vụ hòa giải biết khó thành ngay từ đầu thì dù có tốn bao nhiêu thời gian, công sức cũng không thể giải quyết xong mà phải nhờ đến cơ quan cấp trên hoặc tòa án.
Đ.Ngọc - D.Nhân ghi