Công nghệ thông tin

Bão “thổi bay” 50 tỉ đồng tại Bình Định, cô lập nhiều vùng tại Phú Yên

(NLĐO) - Theo thống kê ban đầu, chỉ một buổi đi ngang qua tỉnh Bình Định, bão làm làm thiệt hại 50 tỉ đồng. Riêng tại tỉnh Phú Yên bão đã nhấn chìm nhiều cây cầu làm nhiều nơi ở huyện Đồng Xuân bị cô lập.

Người đàn ông này thẫn thờ trước ngôi nhà bị tốc mái, sập tường sau khi bão đi qua

Người đàn ông này thẫn thờ trước ngôi nhà bị tốc mái, sập tường sau khi bão đi qua

Sáng 30-11, tại TP Quy Nhơn - nơi tâm bão số 4 vừa đi qua, nhiều đoạn đường trở nên xác xơ do hàng loạt cây xanh bị ngã đổ, tập trung nhiều nhất ở các đường Trần Hưng Đạo , Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn. “Bão đã quật ngã 15 cổ thụ từ 15-20 năm tuổi và hàng trăm cây xanh nhỏ trên các tuyến đường nội thành Quy Nhơn”- ông Đỗ Đình Phương, Giám đốc Công ty Công viên, Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn, cho biết.

Tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, khoảng 5km đê, kè biển khu vực này cũng bị sạt lở, vỡ. Trong đó, nguy hiểm nhất là đoạn kè chắn sóng Xương Lý tại thôn Lý Chánh có chiều dài 100m bị sóng biển đánh sập, gây sạt lở nghiêm trọng. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng dùng bao cát gia cố tạm thời các đoạn bị sạt lở.

Bão kết hợp mưa lớn cũng đã làm 10 ha lúa ở phường Trần Quang Diệu và 3 ha lúa ở phường Nhơn Phú mới gieo sạ bị ngập úng; 45 ha cây keo lai từ 2-3 năm tuổi và 18 ha rau, hoa màu ở xã Phước Mỹ bị gãy đổ, ngập úng; sập 15m tường rào Trường THCS Nhơn Châu….

Bão cũng đã khiến điện, nước tại nhiều khu vực ở TP Quy Nhơn và vùng lân cận bị cắt. Tuy nhiên, ngay trong ngày các lực lượng chức năng đã tiến hành khắc phục, phần lớn đã có điện, nước trở lại bình thường.

Người dân ở tỉnh Bình Định dọn dẹp nhà sau khi bị bão tàn phá

Sau TP Quy Nhơn, thiệt hại nặng do bão số 4 gây ra tại Bình Định phải kể đến là huyện Tuy Phước. Theo thống kê của huyện Tuy Phước, đến chiều 30-11, trên địa bàn có 89 nhà dân bị sập hoàn toàn; 27 căn bị tốc mái; 8 trường tiểu học bị hỏng mái nhà; sập 1 cây cầu gỗ; hàng chục trụ điện bị ngã gây mất điện cục bộ; hàng chục ha hoa màu bị ngã, đổ…

“Căn nhà của tôi bị gió giật sập vào lúc 2 giờ sáng 30-11. May là chiều hôm trước biết được thông tin về cơn bão nên chúng đã chuyển phần lớn tài sản có giá trị trong nhà qua gửi nhà mẹ nên giảm được phần nào thiệt hại”, anh Phạm Hồng Thanh (41 tuổi, ngụ thôn Bình Thái, xã Phước Thuận) vừa nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong căn nhà đổ nát vừa than thở.

Đến trưa 30-11, vùng ven biển Bình Định vẫn còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, mưa lớn vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương. Hiện mực nước tại các trạm trên sông trong tỉnh dưới báo động 1, riêng sông Hà Thanh tại huyện Vân Canh lúc 7 giờ đạt 42.7m trên báo động 1 là 0.2 m. Nhờ vậy, các hồ chứa nước đã được bổ sung lượng nước đáng kể. Hiện hồ Định Bình đã tích được 122,7 triệu m3, đạt 54,3% so với thiết kế; Núi Một 30,26 triệu m3, đạt 27,5%; Hội Sơn 18,22 triệu m3, đạt 40,9%; Vạn Hội 11,7 triệu m3, đạt 80,7%.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết tính đến trưa 30-11, bão số 4 đã làm sập 92 ngôi nhà dân và 45 ngôi nhà khác ở địa phương bị tốc mái, hư hỏng; 3.983 ha và 340 tấn lúa giống ngâm ủ bị hư hỏng; 70 m đê biển và 1.470 m kênh mương thủy lợi bị sạt lở; 6 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng…Tổng giá trị thiệt hại ước tính 50 tỉ đồng.

Phú Yên: Cầu bị nhấn chìm, nhiều vùng bị cô lập

Nhiều người ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) không thể về nhà vì con đường độc đạo đến xã bị ngập nặng

Nhiều người ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) không thể về nhà vì con đường độc đạo đến xã bị ngập nặng

* Mưa lớn tại khu vực giáp ranh 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai vào sáng 30-11 đã làm nước lũ lên nhanh, cuốn trôi cầu và nhấn chìm nhiều tuyến đường độc đạo ở huyện Đồng Xuân. Cầu Soi Dâu nằm trên tuyến ĐT 644 nối giữa xã Xuân Lãnh và Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) bị cuốn trôi hoàn toàn.

Trong khi đó, trên tuyến ĐT 647 nối trung tâm huyện với các xã Xuân Quang 1, Phú Mỡ, cầu Cây Sung và cầu Sông Cô đã bị nước nhấn chìm hơn 1 m.

Ngập nặng nhất là cầu La Hai trên tuyến ĐT 641 (đường huyết mạch nối huyện Đồng Xuân với các huyện khác trong tỉnh) đã bị ngập sâu đến gần 2 m. Đến trưa 30-11, nhiều người và phương tiện lưu thông bị ùn ứ ở 2 đầu cầu vì không thể qua sông. Nước lũ cũng đã nhấn chìm 2 xe cẩu của đơn vị thi công cầu La Hai mới (nằm cạnh cầu cũ) vì không chạy tránh kịp.

Các xe cẩu của đơn vị thi công cầu La Hai bị nhấn chìm dưới nước vì thoát chạy không kịp.

Các xe cẩu của đơn vị thi công cầu La Hai bị nhấn chìm dưới nước vì thoát chạy không kịp.

Nhiều người và xe cộ không thể qua sông Kỳ Lộ vì cầu La Hai bị ngập nặng

Nhiều người và xe cộ không thể qua sông Kỳ Lộ vì cầu La Hai bị ngập nặng

Theo ông Võ Cao Phi, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, hiện huyện này có 4 xã với hơn 2.500 hộ dân bị cô lập hoàn toàn là Đa Lộc, Xuân Quang 1, Phú Mỡ, Xuân Sơn Bắc; riêng xã Xuân Sơn Nam chỉ lưu thông được một chiều về đồng bằng, không thể sang thị trấn La Hai.

Số liệu thống kê thiệt hại mới nhất của huyện Đồng Xuân cho biết đã có 14 nhà bị sập; nâng số nhà bị sập ở tỉnh Phú Yên là 47 nhà. Nước lũ lên nhanh cũng đã làm sạt lở bờ sông Kỳ Lộ nhiều nơi, uy hiếp gần 1.000 hộ dân.

Đồng Xuân là huyện bị thiệt hại nặng nhất ở tỉnh Phú Yên với ước tính thiệt hại khoảng 2,2 tỉ đồng.

Người lao động

Phòng chống lụt bão, Chủ tịch UBND, giám đốc sở, tìm kiếm cứu nạn, trường tiểu học, chủ tịch UBND huyện, sạt lở nghiêm trọng, hồ chứa nước, tỉnh Phú Y


© 2021 FAP
  3,320,253       5/1,468