Công nghệ thông tin

CEO Vietnam Airlines: Cổ đông nhỏ không muốn bay đến Mỹ

(NLĐO) - Lần đầu tiên công bố về kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh tiết lộ về định hướng hoạt động khi trở thành doanh nghiệp cổ phần.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh. Ảnh: Travelconsumerdaily
Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh. Ảnh: Travelconsumerdaily

Lần đầu tiên công bố về kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi được Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), ông Phạm Ngọc Minh đã tiết lộ về định hướng hoạt động khi trở thành doanh nghiệp cổ phần.

Ông Phạm Ngọc Minh cho biết sau CPH, Vietnam Airlines vẫn giữ cổ phần chi phối (70%) tại hãng giá rẻ Jetstar Pacific Airlines (JPA) và tiếp tục nắm giữ cổ phần tại 2 hãng hàng không khác là Vasco và Cambodia Angkor Air (Campuchia).

Dự kiến Vietnam Airlines sẽ hoàn thành bản cáo bạch vào cuối tháng 9 và thực hiện IPO vào cuối tháng 11-2014. Hãng đã chính thức có tờ trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về mức giá khởi điểm, quy trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cũng như lựa chọn tổ chức tài chính trung gian để thực hiện IPO. Mức giá khởi điểm trình Bộ GTVT quyết định vẫn giữ nguyên mức 22.300 đồng/cổ phiếu như phương án trước đó.

Một thông tin được dư luận quan tâm là sau CPH, đề xuất được giữ lại thặng dư vốn cổ phần (khoản chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu thực tế với mệnh giá) và được Nhà nước bảo lãnh trong các hợp đồng thuê, mua máy bay sau IPO. "Hai chính sách này thực chất là kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ như hiện nay, tiếp tục thực hiện những cam kết đã có của Chính phủ để thực hiện tiếp các hợp đông thuê, mua máy bay khi Vietnam Airlines chuyển thành công ty cổ phần, không phải xin ưu đãi mới" - ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính Kế toán của Vietnam Airlines, lý giải. Quá trình CPH được phân kỳ theo các giai đoạn nhưng ở giai đoạn đầu, nhà nước vẫn nắm 75% vốn điều lệ tại Vietnam Airlines, sau khi tăng vốn vẫn chiếm 65%.

Hiện nay, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục xúc tiến làm việc với các tổ chức tư vấn nước ngoài liên quan đến nhà đầu tư chiến lược. Ông Phạm Ngọc Minh cho biết nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines có thể là hãng hàng không nhưng cũng có thể là nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Vì để có đội máy bay lớn, không có tiền thì hãng hàng không có thể đi thuê, muốn mua thì đi vay, không phải có tiền túi mới mua được. Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines còn là mục đích thông qua nhà đầu tư đó để có cơ hội mở rộng thị trường thông qua kết nối mạng đường bay, tiếp cận nguồn công nghệ mới và nâng cao quản trị doanh nghiệp.

Chia sẻ thêm về mục tiêu này, ông Phạm Ngọc Minh cho biết trong chiến lược phát triển đã vạch ra từ nhiều năm trước, nhiều chỉ tiêu cơ bản của Vietnam Airlines như đội máy bay, mạng đường bay được dự báo rất sát, đến nay ít có thay đổi. Tuy nhiên có 2 điểm phải cập nhật, bổ sung. Một là mức độ cạnh tranh của thị trường hàng không khốc liệt hơn rất nhiều, đặc biệt là đối với các đường bay xuyên lục địa đe dọa nhiều hơn bởi các yếu tố. Hai là môi trường hàng không bị đe dọa nhiều hơn bởi các yếu tố khủng hoảng không thể dự báo được, chẳng hạn như dịch bệnh Ebola hay thảm họa như MH17. "Cho nên giá trị và lợi ích cốt lõi vẫn phải là có sự kiện kết, liên minh và cần thiết phải tìm kiếm được nhà đầu tư đồng hành dựa vào nhau để có thị trường đủ rộng bù đắp khi có biến động ở một khu vực nào đó" - ông Minh nói.

Sau CPH, Vietnam Airlines thay thế toàn bộ đội bay sang loại máy bay lớn B787 và A350, Vietnam Airlines có điều kiện áp dụng công nghệ, phương thức điều hành hiện đại, đem lại tiện nghi, lợi ích nhiều hơn cho khách hàng. Định hướng của hãng trong giai đoạn sau CPH là tập trung khai thác các đường bay xuyên lục địa, đến năm 2015 trở thành hãng hàng không 4 sao, đứng hàng thứ 3 ở Đông Nam Á, sau Singapore Airlines và hàng không Thái Lan về quy mô.

Ông Phạm Ngọc Minh cho biết hãng tiếp tục giữ cam kết bay đến bờ Tây nước Mỹ khi nhận đủ đội máy bay mới. Hiện nay, Vietnam Airlines vẫn đang chờ nhà chức trách hàng không Mỹ phê chuẩn đủ điều kiện bay đối với nhà chức trách hàng không Việt Nam, làm cơ sở cho hãng mở đường bay TP HCM - Los Angeles.

"Mọi nghiên cứu đều cho thấy bay đến Mỹ đường bay dài hơn bay đến Châu Âu tới 4 giờ bay trong khi giá vé chênh lệch không đáng kể. Mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn và các cổ đông nhỏ chắc chắn muốn tăng tần suất bay châu Âu lên thay vì mở đường bay đến Mỹ. Do đó cần phải phát triển mạng đường bay đủ rộng, cơ cấu khách hàng đủ lớn trên tổng hòa hiệu quả toàn mạng, nếu tính biệt lập từng đường bay thì không cách nào có thể bay đến Mỹ. Điều này phụ thuộc nhiều vào việc lựa chọn nhà đâu tư chiến lược" - ông Phạm Ngọc Minh chia sẻ.

Người lao động

Vietnam Airlines, nhà đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, hãng hàng không, cổ phần hóa, Doanh nghiệp cổ phần, nhà đầu tư chiến lược, cổ đông nhỏ, phương án


© 2021 FAP
  3,203,731       14/1,175