Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đặt vấn đề: Năm nào báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ xây dựng cũng chỉ nói thu hồi được trên 10% là sao?
Ngày 15-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục phiên họp lần thứ 14 để nghe báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 do Thanh tra Chính phủ xây dựng. Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, đánh giá: “Nghe báo cáo thì thấy tình hình tham nhũng tương đối ổn định. Nhưng qua thông tin dư luận nhân dân thì thấy vẫn còn phức tạp”.
Kê khai tài sản vẫn là điểm yếu
Ông Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, cho rằng tham nhũng vẫn đang diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi và khó phát hiện do đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng và liên kết với nhau hình thành các nhóm lợi ích. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. Năm 2013 có 944.425 người kê khai tài sản thu nhập; số người chậm kê khai là 6.900 người và chỉ có 5 người thuộc diện kê khai tài sản phải tiến hành xác minh, trong đó đã có 1 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai tài sản thu nhập không trung thực...
Ông Đỗ Văn Đương: “Năm nào cũng kiến nghị chỉ thu hồi được 10%, phải chăng 90% kia là kiến nghị không đúng, kiến nghị để đấy?”Ảnh: ĐỖ DU
Đề cập đến báo cáo do Thanh tra Chính phủ xây dựng, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng: Đánh giá tình hình tham nhũng vẫn còn chung chung. “Việc minh bạch tài sản còn hình thức, đặc biệt là việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập không có tác dụng gì nhiều trong việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là điểm yếu trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay” - ông Quyền nhận định.
Một nội dung được nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng là việc báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết năm 2014 chỉ thu hồi được hơn 10% số tiền các đối tượng có chức vụ, quyền hạn tham nhũng. Theo ông Đương, trong bản báo cáo “vẫn như mọi năm” là kiến nghị Quốc hội sửa luật, sửa thể chế. “Đó là những kiến nghị rất nhạt, năm nào cũng thế nên chưa tạo sự chuyển biến trong phát hiện. Năm nào cũng báo cáo chỉ thu hồi được 10% thôi thì phải chăng 90% kia kiến nghị không đúng, kiến nghị để đấy?” - ông Đương đặt vấn đề.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, khẳng định số tiền đã thu hồi đạt tỉ lệ 12,3% chứ không phải trên 10% như Thanh tra Chính phủ thống kê.
Người dân ngại tố cáo
Ông Nguyễn Văn Phụng (đại biểu Quốc hội TP HCM) cho biết được cử tri phản ánh rất nhiều về tình trạng tham nhũng. “Số vụ việc phát hiện qua thanh tra, kiểm toán chưa tương xứng với tình hình thực tế và phản ánh của người dân. Việc này do chúng ta chưa phát hiện được hay không phát hiện được? Báo cáo cũng nêu rõ người dân chưa tin vào kết quả phòng, chống tham nhũng thì cũng phải làm rõ tại sao người dân lại chưa tin?” - ông Phụng đặt vấn đề.
Theo ông Phụng, một vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay là tình trạng người tố cáo chống tham nhũng bị trù dập. Mặc dù báo cáo của Thanh tra Chính phủ chỉ nêu ra 2 trường hợp nhưng nó sẽ khiến người dân lo ngại, dễ chùn bước đấu tranh. Tán đồng, ông Đỗ Văn Đương cho rằng nhiều kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, đặc biệt là những thông tin được báo chí phản ánh sau đó đã bị khởi tố điều tra, đã đặt ra câu hỏi về việc xử lý đơn thư của các cơ quan chuyên môn về lĩnh vực này đã đến nơi đến chốn, minh bạch, công khai hay chưa?
Theo ông Trần Đức Lượng, số lượng đơn thư tố cáo tham nhũng chính danh rất ít, đa phần nặc danh. “Chúng tôi có hỏi thì người ta nói ngại chính danh vì không tin. Đây là một thực tế chúng ta phải nhìn vào để bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng tốt hơn” - ông Lượng nói.
Ông Lượng cho biết công tác quản lý tài sản, thu nhập trong toàn xã hội nói chung và của người có chức vụ quyền hạn nói riêng còn nhiều khó khăn đã dẫn tới việc tài sản bị tẩu tán; khi xảy ra tham nhũng khó thu hồi. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề án về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn và sắp tới sẽ trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Việc trước mắt, theo ông Nguyễn Hải Phong, khi sửa Bộ Luật Tố tụng hình sự sắp tới phải tăng cường hơn nữa quy định về kiểm soát, kê biên, phong tỏa tài sản để tránh việc tẩu tán.
Tết 2014, TP HCM có 12 người nộp lại quà tặng
Tổng hợp kết quả thực hiện Quy chế quà tặng, nhận quà và nộp lại quà tặng trong dịp Tết Nguyên đán 2014 cho thấy việc thực hiện còn hình thức. Trong số 32 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị 791 triệu đồng thì TP HCM có 12 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền 485 triệu đồng, tỉnh Đồng Tháp có 2 người với tổng số tiền 15 triệu đồng, tỉnh Long An có 5 người với tổng số tiền 41 triệu đồng, Bộ Tài chính có 12 người với tổng số tiền 18 triệu đồng...
Thanh tra Chính phủ cho rằng việc tiếp nhận xử lý thông tin về việc tặng và nhận quà tặng rất khó khăn; vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác, trung thực của người được nhận quà.