Công nghệ thông tin

Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh: Tốc độ kỷ lục

Hai dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng chỉ sau hơn 1 năm triển khai

Ngày 15-9, tại hội nghị tổng kết công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư và bảo đảm an toàn giao thông phục vụ triển khai các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên diễn ra ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho biết: “Về cơ bản, 2 dự án có tổng chiều dài 1.510 km qua 22 tỉnh, thành đã hoàn thành công tác GPMB với thời gian kỷ lục”.

Được dân đồng thuận

Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư cho 2 dự án này khoảng 110.000 tỉ đồng, riêng dự án Quốc lộ 1 có tổng đầu tư gần 93.000 tỉ đồng. Các dự án này ảnh hưởng khoảng 84.000 hộ dân; di dời hàng ngàn km hệ thống điện, nước, cáp quang;… Đến nay, dọc Quốc lộ 1 có 15/17 tỉnh, thành đã bàn giao 100% mặt bằng, chỉ còn khoảng 5 km chưa được GPMB, tập trung ở 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định do còn một số vướng mắc, chủ yếu là khâu đền bù. Nhờ GPMB tốt nên đến nay, khối lượng xây lắp đã đạt trên 35%, bảo đảm mục tiêu tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2015, dự kiến sẽ vượt kế hoạch 12 tháng. Đặc biệt, đoạn Thanh Hóa - Vũng Áng (Hà Tĩnh) sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2014.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh Khánh Hòa
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng tại tỉnh Khánh Hòa

Chia sẻ kinh nghiệm, tỉnh Hà Tĩnh cho biết lãnh đạo các cấp thường xuyên cử cán bộ đến từng nhà dân vận động, phân tích ý nghĩa của dự án. Vì vậy, nhiều hộ dân trước đây gây khó trong GPMB thì nay đã đồng thuận, trở thành “tuyên truyền viên” cho những người khác làm theo. Còn ở Khánh Hòa, với hơn 10.000 hộ dân ảnh hưởng, nếu công tác GPMB triển khai tuần tự việc đền bù như quy định địa phương này thì rất khó đạt mục tiêu. Do đó, tỉnh Khánh Hòa đã linh hoạt cho dân ứng 60% tiền đền bù trước khi phương án phê duyệt được ký để họ sớm ổn định, giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Tỉnh này không phải cưỡng chế trường hợp nào.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngay từ khi thực hiện 2 dự án trên, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương tập trung tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa của các dự án, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB. “Một cuộc giải tỏa quy mô lớn như thế mà địa phương nào ít khiếu kiện là thể hiện sự công bằng trong việc giải quyết quyền lợi của người dân. Nói phải củ cải cũng nghe; mỗi khi dân tin, dân hiểu thì dân ủng hộ, dân chia sẻ, dân đồng thuận. Địa phương nào gần dân, bám sát dân thì việc GPMB hết sức thuận lợi” - Phó Thủ tướng nhìn nhận.

Phải bảo đảm an sinh

Theo báo cáo của Bộ GTVT, 2 dự án trên ảnh hưởng khoảng 84.000 hộ dân, trong đó có 5.300 hộ dân phải bố trí tái định cư tập trung nên việc an sinh xã hội là rất quan trọng. Do đó, Chính phủ đã đồng ý về cơ chế hỗ trợ tạm ứng xây dựng khu tái định cư từ nguồn tiền dự phòng của các dự án. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải rà soát lại, bàn giao dứt điểm mặt bằng cho đơn vị thi công. Đồng thời, các bộ - ngành - địa phương phải thực hiện tốt công tác đền bù tái định cư cho người dân. “Tái định cư không phải là cuộc mua bán đất đai bình thường mà phải ưu tiên hỗ trợ người dân để họ nhận tiền đền bù xong thì đủ kinh phí để mua đất, xây nhà. Ngoài ra, các địa phường cần quan tâm đến công tác an sinh, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho người dân. Có vậy mới an lòng dân, không nảy sinh khiếu kiện kéo dài” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Hiện nay, hai tỉnh Bình Định và Phú Yên vẫn chưa hoàn thành công tác GPMB do chưa có tiền bồi thường mặc dù nhiều nơi đã phê duyệt phương án chi tiết và được dân đồng tình. Các gói thầu theo hình thức BOT được phê duyệt có giá đền bù thấp hơn con số thực tế. Cụ thể, tỉnh Bình Định hiện có 2 dự án BOT, khi dự toán đền bù chỉ 177-180 tỉ đồng nhưng thực tế kiểm đếm phê duyệt lên đến 492-329 tỉ đồng.

Để giải quyết vướng mắc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GTVT rà soát các dự án công trình giao thông trong cả nước để ưu tiên giao vốn ngân sách phục vụ công tác GPMB. Ngoài ra, các địa phương cần rà soát lại công tác quản lý, không để cán bộ làm sai chính sách, tham ô. 

Xử lý nhà thầu yếu kém

Nhiều địa phương kiến nghị cần xử lý nhà thầu năng lực kém khiến việc bàn giao mặt bằng đã xong nhưng chậm triển khai, gây ảnh hưởng đến người dân và mất an toàn giao thông. Cá biệt, tại Bình Định còn có hiện tượng nhà thầu “xúi” dân phản đối việc GPMB. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng nhà thầu thường được các tỉnh, thành giới thiệu, nếu yếu kém thì địa phương phải chịu trách nhiệm trước tiên. “Nếu nhà thầu nào yếu kém, các địa phương báo cáo bằng văn bản, bộ sẽ xử lý nghiêm” - ông Thăng nhấn mạnh.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,203,968       3/1,172