Công nghệ thông tin

Vụ hơn 300 học viên cai nghiện bỏ trốn: Truy tìm kẻ chủ mưu

Cơ quan chức năng đã bắt được 4 đối tượng liên quan đến vụ kích động, lôi kéo các học viên bỏ trại, gây rối trật tự công cộng

Ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) Hải Phòng, cho biết đến chiều 15-9, đã có trên 70 học viên tự nguyện quay lại trung tâm.

Bị ép buộc, lôi kéo trốn trại

Theo ông Toàn, hầu hết số học viên quay lại trung tâm là những người bị nhóm đối tượng xấu xúi giục, ép họ phải bỏ trốn. Sau khi rời khỏi trung tâm, các học viên đã về với gia đình, người thân, sau đó họ tự nguyện hoặc được vận động quay lại tiếp tục học tập, cai nghiện.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, khoảng 16 giờ ngày 14-9, hơn 300 học viên thuộc 6 đội của Trung tâm GDLĐXH Hải Phòng tự ý bỏ về, bất chấp sự can ngăn của lãnh đạo và bảo vệ trung tâm. Trước sự việc này, Công an TP Hải Phòng đã chỉ đạo tăng cường lực lượng giám sát các đối tượng đi dọc đường, không cho phá phách, gây rối và kêu gọi họ tự giải tán.

Hơn 300 học viên bỏ trốn khỏi Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng ngày 14-9 khiến lực lượng công an phải giám sát tuyến đường các đối tượng đi qua Ảnh: Trọng Đức
Hơn 300 học viên bỏ trốn khỏi Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng ngày 14-9 khiến lực lượng công an phải giám sát tuyến đường các đối tượng đi qua Ảnh: Trọng Đức

Ông Toàn cho biết trung tâm hiện đang tổ chức cai nghiện cho 915 học viên, trong đó có đến 70% có tiền án tiền sự, 40 % học viên nhiễm HIV. Trong số này có tới trên 250 học viên đã hết thời hạn 2 năm cai nghiện nhưng do có quá trình rèn luyện kém, nguy cơ tái nghiện cao nên được hội đồng xét duyệt đưa vào diện cho tiếp tục học tập, cai nghiện tại trung tâm từ 12 - 24 tháng theo Nghị định 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Ông Toàn cũng cho biết theo quy định tại Nghị định 94, khẩu phần ăn của các học viên này chỉ được 360.000 đồng/tháng, thấp hơn học viên cai nghiện bình thường 90.000 đồng. Do phải tiếp tục ở lại cai nghiện, lại bị phân biệt bởi chế độ ăn uống đã dẫn đến mâu thuẫn giữa 2 nhóm học viên. Lợi dụng điều này, nhóm đối tượng xấu xúi giục, ép họ bỏ trốn.

Trong khi đó, nhiều học viên và gia đình cho rằng các học viên bỏ trốn do phải lao động trong môi trường độc hại vì phải lao động tại các lò đốt dầu thải, phân loại rác thải của các phân xưởng tái chế nhựa. Về việc này, ông Toàn cho biết trung tâm có ký hợp đồng với Công ty Non Nước Việt để sản xuất đế giày nhằm tạo việc làm cho học viên có thêm thu nhập. Trung tâm không hưởng bất cứ phần trăm nào. Ông Toàn nhấn mạnh việc lao động cũng là theo đúng phác đồ điều trị cai nghiện ma túy.

Làm rõ nguyên nhân, tránh nhiệm

Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết đã yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra những kẻ chủ mưu, kích động vụ bỏ trốn khỏi trung tâm để xử lý nghiêm trước pháp luật. Đồng thời yêu cầu trung tâm khẩn trương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, tìm ra nguyên nhân chính và đề xuất các giải pháp khắc phục. “Hải Phòng sẽ chấn chỉnh các hoạt động của trung tâm này trong thời gian tới” - ông Nam cho hay. Theo lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, đây không phải lần đầu, trước đó, tháng 4-2005, 803 học viên của trung tâm này cũng đã phá trung tâm để ra ngoài.

Chiều 15-9, ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) - cho biết chưa nhận được báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP Hải Phòng nhưng cục đã trao đổi và đã nắm được tinh thần vụ việc và hiện lãnh đạo cục đã xuống TP Hải Phòng để làm việc với các cơ quan chức năng nhằm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục. “Có nhiều nguyên nhân khiến học viên bỏ trốn, còn về khẩu phần ăn thấp không phải là lý do chính. Chúng tôi đã có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH; Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ về vụ việc” - ông Lập cho biết.

Nói về việc trung tâm không có hàng rào nên học viên dễ dàng bỏ trốn, ông Nguyễn Xuân Lập, cho hay theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ LĐ-TB-XH đang chỉ đạo các địa phương tổ chức mô hình cai nghiện: vừa là mô hình tự nguyện vừa là mô hình bắt buộc. Hiện nay các tỉnh, TP đang thực hiện việc chuyển đổi này. 

Nhiều trung tâm chưa được chuẩn hóa

Đề cập đến mạng lưới trung tâm cai nghiện ma túy tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và trung tâm quản lý sau cai với 123 trung tâm. Ngoài các trung tâm do nhà nước thành lập, từ năm 2003 đến nay đã cấp phép cho 20 cơ sở cai nghiện tự nguyện thuộc 10 tỉnh, thành phố và 2 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, trong đó có 5 cơ sở đã ngừng hoạt động do không hiệu quả.

Theo ông Lập, nhiều hoạt động quản lý trong các trung tâm chưa được tiêu chuẩn, quy chuẩn hóa như trang thiếu bị, cơ sở vật chất; chưa có giáo trình khung thống nhất về nội dung cho từng đơn vị và theo chuyên đề, phù hợp cho loại đối tượng đặc thù, dạy nghề. Về chế độ, ông Lập cho rằng nhiều địa phương đã quan tâm nhưng vẫn còn thấp so với tình hình thực tế.

Ph.Anh

Người lao động

© 2021 FAP
  3,204,551       4/1,170