Sở Y tế phối hợp với Viettel chi nhánh Đồng Nai (thuộc Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông Quân đội) đang triển khai việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân trong tỉnh.
Bác sĩ Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch khám bệnh cho bệnh nhi |
Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân nhằm quản lý tốt tình trạng sức khỏe của từng người dân từ khi sinh ra đến khi qua đời.
* Đi đầu…
Để có thể là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai yêu cầu của Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân gắn với thực hiện bệnh án điện tử tại hội nghị trực tuyến triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Sở Y tế đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhiều vấn đề liên quan, trong đó đặc biệt chú ý đến hạ tầng công nghệ thông tin tại các trạm y tế, trung tâm y tế. Sở Y tế cũng chỉ đạo các trung tâm y tế huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa phối hợp chặt chẽ với chi nhánh của Viettel tại địa phương tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn các trạm y tế xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm hệ thống. Huyện Nhơn Trạch là đơn vị đầu tiên trong tỉnh thực hiện.
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Để việc triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân đúng tiến độ rất cần sự đồng lòng, quyết tâm của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế. Đồng thời cũng rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các cơ quan liên quan và người dân trong tỉnh”. |
TS-BS. Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân là giải pháp quan trọng hỗ trợ việc quản lý, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp về y tế. Mỗi người dân sẽ được lập một hồ sơ sức khỏe cá nhân duy nhất kèm theo một mã ID (mã định danh cá nhân) và được cập nhật trên hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Trong hồ sơ này bao gồm những thông tin như: gia đình, cá nhân, bảo hiểm y tế, tiền sử bản thân, dị ứng, nhóm máu, lịch tiêm chủng, lịch sử khám chữa bệnh, khám thai, sinh đẻ, kế hoạch hóa gia đình, tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp… của người dân.
Khi có hồ sơ quản lý sức khỏe, mỗi người khi cần khám, chữa bệnh có thể đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện trong cả nước với nhiều thuận lợi. Bác sĩ khi nhận bệnh sẽ truy cập thông tin trên hệ thống, biết được tiền sử bệnh của người dân và đưa ra những chẩn đoán cũng như cách điều trị sớm, đem lại hiệu quả cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ giảm bớt chi phí cho quỹ bảo hiểm y tế, quản lý tốt quỹ bảo hiểm y tế, hạn chế gian lận, lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh.
“Dĩ nhiên, toàn bộ thông tin của người dân trên hệ thống sẽ được đảm bảo quản lý chặt chẽ, an toàn, bảo mật thông tin. Chỉ những người có chức năng mới có quyền truy cập thông tin sức khỏe cá nhân của người dân hoặc được sự đồng ý của người dân” - TS-BS.Vũ nhấn mạnh.
* Mỗi người có một hồ sơ duy nhất
Trung tá Trần Đình Tịnh, Giám đốc Trung tâm Viettel huyện Nhơn Trạch cho hay: “Với tinh thần luôn sẵn sàng đồng hành cùng các y, bác sĩ, trong tháng 9 này, các nhân viên của Viettel sẽ đến từng trạm y tế để cầm tay chỉ việc cho những người trực tiếp thực hiện lập, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân tại địa phương. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ có hơn 90% người dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe cá nhân và mã số ID. Khi hồ sơ này hoàn thành sẽ tiếp tục kết nối với phần mềm khám chữa bệnh tại các bệnh viện”.
Nhân viên của Viettel chi nhánh Đồng Nai (phải) hướng dẫn nhân viên y tế thực hiện các thao tác trên phần mềm hệ thống. |
Bà Phạm Thị Thoa (48 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, do mắc bệnh liên quan đến cột sống nên bà thường xuyên phải đến các bệnh viện trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh để khám, chữa bệnh. Đến mỗi bệnh viện bắt buộc bà phải có một cuốn sổ khám bệnh riêng của bệnh viện đó. Mỗi lần khám bệnh, bà Thoa lại phải cung cấp toàn bộ thông tin về tiểu sử bệnh cho bác sĩ. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các bước tiếp theo. Có khi mới vào bệnh viện tháng trước phải chụp phim, đến tháng sau lại tiếp tục chụp phim nhưng cũng chỉ ra một kết quả đó. “Nếu có hồ sơ sức khỏe cá nhân, tôi sẽ đỡ được rất nhiều thời gian để trình bày với bác sĩ mỗi lần khám, nhập viện điều trị”- bà Thoa bộc bạch.
Còn theo bác sĩ Hồ Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch, việc triển khai hồ sơ sức khỏe cá nhân rất cần thiết vì có nhiều ích lợi cho người dân lẫn cơ sở khám, chữa bệnh. Có hồ sơ này, bác sĩ sẽ nắm được tiền sử bệnh nhân sử dụng những loại thuốc gì, mắc bệnh lý gì, có dị ứng với thuốc gì không. Từ đó, bác sĩ đưa ra chẩn đoán nhanh, chính xác, giúp điều trị sớm ngay tại cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu với những bệnh thông thường, hạn chế biến chứng. Do vậy, có thể giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đảm bảo cho y, bác sĩ có thêm thời gian để chăm sóc người bệnh tốt hơn.
Theo lộ trình, từ tháng 9-2018, Viettel chi nhánh Đồng Nai phối hợp với trung tâm y tế các địa phương tiến hành tập huấn, đào tạo cách triển khai, sử dụng phần mềm cho tất cả các trạm y tế trong tỉnh, bắt đầu từ huyện Nhơn Trạch. Dự kiến đến giữa tháng 10, các đơn vị sẽ đưa vào vận hành hệ thống này đồng thời kết nối với phần mềm khám, chữa bệnh với các bệnh viện trong tỉnh. Mục tiêu đến cuối năm 2018 sẽ có 90% người dân trong tỉnh được lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. |
Hạnh Dung