Với mong muốn giúp sức cho học sinh nghèo đến trường, người khó khăn có cuộc sống tốt hơn nên 3 cô giáo: Nguyễn Thị Hà, Lưu Thị Minh Tiến, Lê Thị Thu Phương và y sĩ Lương Thị Lan Anh (cùng ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) đã tập hợp nhau để làm việc thiện.
Em Nông Đức Thọ (8 tuổi, ngụ ấp La Hoa, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) chỉ cho cô giáo Nguyễn Thị Hà, y sĩ Lương Thị Lan Anh và cô giáo Lưu Thị Minh Tiến (từ trái qua, cùng ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) vết sẹo do phẫu thuật sắp xương trên chân mình. Các cô đã giúp em Thọ có tiền phẫu thuật kịp thời khi bị tai nạn. |
Qua 4 năm gắn bó, 4 phụ nữ thuộc thế hệ 7X, 8X này đã bắc nhiều nhịp cầu nhân ái giúp đỡ cho hàng chục học sinh, hộ nghèo ở nhiều nơi như: Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray, Lâm San (huyện Cẩm Mỹ); Xuân Phú, Xuân Thành (huyện Xuân Lộc).
* “Mẹ hiền” của trò nghèo
Hằng ngày sau giờ dạy học trên lớp, cô Nguyễn Thị Hà (giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Xuân Đông) liền trở về nhà để vừa làm cha vừa làm mẹ chăm sóc con vì chồng cô đã mất. Để có thêm điều kiện lo cho con ăn học, cô Hà còn nhận xoa bóp, bấm huyệt tại nhà cho những phụ nữ có nhu cầu chăm sóc sức khỏe.
Còn cô giáo Lưu Thị Minh Tiến (Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, xã Xuân Đông) nhận biểu diễn ca nhạc cho các quán cà phê, tiệc cưới hỏi để kiếm thêm thu nhập.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà bộc bạch: “Cả nhóm chỉ mong sao giúp được học trò của mình đến trường, người nghèo đỡ khổ”. |
Với cô giáo Lê Thị Thu Phương, sau khi theo chồng chuyển đến xã Hưng Lộc (huyện Trảng Bom) và dạy học ở Trường tiểu học Nguyễn Trãi cũng đã tranh thủ kiếm việc làm thêm giúp gia đình. Riêng y sĩ Lương Thị Lan Anh, Phó trạm trưởng Trạm y tế xã Sông Ray mở thêm quầy thuốc tại nhà.
Vất vả lo toan trong cuộc sống hằng ngày là vậy, nhưng hễ nghe thông tin ở đâu có học trò nghèo phải nghỉ học hay bị tai nạn bất ngờ; nhà ai nghèo chưa có nhà ở kiên cố... là cả 4 người họp nhau để tìm cách giúp sức.
Vừa chỉ vào vết sẹo trên đầu gối của cháu Nông Đức Thọ (8 tuổi, ngụ ấp La Hoa, xã Xuân Đông), bà Nguyễn Thị Liên cho hay trên đường đi học khi băng qua cầu cháu bà bị trượt té gãy xương cả 2 chân. Trước đó ít lâu, cha của Thọ cũng bị té gãy xương vai, gãy tay rồi mất sức lao động. Nợ vay lúc chữa bệnh cho con chưa trả xong nên khi cháu bị nạn gia đình chỉ lo được 10 triệu đồng. Biết chuyện, 4 cô Hà, Tiến, Phương, Anh đã tìm đến thăm hỏi và vận động mọi người được hơn 10 triệu đồng để giúp cháu có tiền phẫu thuật. “Sự giúp đỡ của các cô với gia đình lớn lắm vì đã nhờ vậy cháu tôi chữa trị kịp thời. Những khi có quà từ thiện, các cô lại đến trao cho cháu. Các cô không khác gì những người mẹ của cháu tôi” - bà Nguyễn Thị Liên nói.
Không chỉ chủ động tìm hiểu, đứng ra vận động giúp đỡ những hoàn cảnh gặp bệnh tật, tai nạn hiểm nghèo mà 4 người phụ nữ này còn vận động xây dựng nhà ở cho gia đình những học sinh nghèo. Trong thời gian qua, đã có 4 căn nhà được cả nhóm vận động tiền từ người thân, bạn bè xây dựng.
Ngồi trong căn nhà xây kiên cố cùng với 2 con đang tuổi học mầm non và tiểu học, chị Trần Thị Dung (30 tuổi, ngụ xã Sông Ray) nói: “Từ khi có căn nhà kiên cố, những lúc trời mưa hay gió lớn chúng tôi không còn sợ ướt, sợ dột. Cũng nhờ các cô mà gia đình mới có căn nhà mới để ở”.
Còn rất nhiều hoàn cảnh kém may mắn đã nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân từ mọi miền đất nước thông qua nhịp cầu nhân ái do 4 cô thực hiện bằng cả tấm lòng.
* Từ thiện không chỉ có “màu hồng”
Nhìn học trò vui khi được tiếp tục đến trường, có tiền chạy chữa khi gặp tai nạn bất ngờ, có nhà kiên cố để ở, bà con nghèo có điều kiện cải thiện đời sống... 4 người phụ nữ trong nhóm từ thiện ở xã Sông Ray rất mừng. Tuy nhiên bên cạnh niềm vui vẫn còn những nỗi buồn.
Cô Lưu Thị Minh Tiến kể, một lần khi biết hoàn cảnh của người phụ nữ nghèo phải cưa bỏ 2 chân do biến chứng của bệnh tiểu đường, nhóm tìm đến nắm thông tin và sau đó vận động được quà, tiền để hỗ trợ. Tuy nhiên, gia đình người phụ nữ này có cha mẹ già không còn sức lao động, thêm con nhỏ đang đi học rất cần được hỗ trợ lâu dài nên nhóm gợi ý cho chị làm nghề bán vé số tại nhà. Thế nhưng sau khi cả nhóm đi xin xong bàn ghế, dù, sắp xếp chỗ bán mát mẻ thì người phụ nữ này lại đổi ý không chịu bán vé số.
Không chỉ buồn vì nhiều lần nhịp cầu nhân ái bị “gãy ngang”, mà trong cuộc sống hằng ngày, ánh mắt dò xét của nhiều người với việc làm từ thiện cũng khiến 4 người căng thẳng. Y sĩ Lương Thị Lan Anh chia sẻ: “Nhiều người nói chúng tôi “rảnh” quá. Nhà không khá giả gì mà đi lo cho người ngoài. Làm vậy có lợi gì mới làm chứ... Những câu nói kiểu như vậy đôi khi làm cả 4 người rất buồn và đôi lần muốn dừng lại”.
Thế nhưng vì thương người nên cả 4 người phụ nữ này vẫn cố gắng làm những việc có ích cho cộng đồng. Cô Nguyễn Thị Hà cho biết: “Tất cả những gì chúng tôi quyên góp được đều trao hết cho người nghèo khó và đăng công khai con số lên mạng xã hội để mọi người kiểm chứng. Còn những chi phí phát sinh khác trong quá trình làm từ thiện, 4 người chúng tôi tự đóng góp để lo. Lâu dần, mọi người thấy điều chúng tôi làm nên không còn ai dè bỉu mà tôn trọng hơn”.
Võ Tuyên