Trò chuyện với anh Phạm Phan Tường Huy (27 tuổi, ngụ thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú), mọi người đều cảm nhận được trong anh ngọn lửa tích cực bởi những suy nghĩ lạc quan, yêu đời.
Anh Phạm Phan Tường Huy đến dự hội nghị biểu dương những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân chất độc da cam và nạn nhân da cam vượt khó vươn lên năm 2018 do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tổ chức. |
Huy sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của Huy, ông Phạm Văn Khiêm (64 tuổi) trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bị nhiễm chất độc da cam, dẫn đến Huy cũng bị nhiễm ngay từ trong bụng mẹ. Từ khi lọt lòng mẹ, cậu bé Huy được bác sĩ chẩn đoán thoát vị tủy cột sống, nửa thân dưới bị liệt hoàn toàn, tiêu tiểu không chủ động. Lớn lên, Huy còn bị thêm chứng vẹo cột sống. Suốt 15 năm đi học, Huy đến trường bằng đôi vai của cha, trên tấm lưng của mẹ, chị gái, bà nội hoặc bạn bè.
Thế nhưng những đớn đau về thể xác không đánh gục được Huy, ngược lại, càng thúc giục anh không ngừng vươn lên. “Chính cha mẹ đã cho tôi niềm tin vào cuộc sống, thay cho tôi đôi chân tật nguyền, để tôi được đến trường và thực hiện ước mơ” - anh Huy tâm sự.
Những ánh mắt kỳ thị, thương hại của những người xung quanh đối với Huy đã dần nhường chỗ cho sự khâm phục, ngưỡng mộ.
Năm 2009, Huy đậu cùng lúc 2 trường đại học, 1 trường cao đẳng. Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình và phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, Huy chọn học ngành thiết kế đồ họa Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Với tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng loại giỏi, Huy vinh dự được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tặng bằng khen, được mời dự hội nghị sinh viên xuất sắc toàn quốc.
Hiện tại, Huy làm nhân viên đồ họa tại Công ty TNHH Hi Fashion Vina (ở thị trấn Tân Phú) với thu nhập có thể tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ phần nào cho cha mẹ. Mới đây, anh tiếp tục được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc vượt lên nỗi đau da cam để khẳng định mình.
Nói về việc khi sinh ra bản thân không được lành lặn, anh Huy nhẹ nhàng chia sẻ: “Sinh ra trong cuộc đời không ai có thể chọn lựa số phận cho riêng mình. Vậy tại sao ta không thể chấp nhận hiện tại, đối diện với nghịch cảnh và nỗ lực hết mình để hóa giải nghịch cảnh thành thanh cảnh; để tìm sự bình an cho tâm hồn, để có thể sống tốt hơn, sống có ích hơn”.
An Yên