Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được xem như là một người bạn đồng hành trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là đối với những người mắc bệnh nặng, chi phí điều trị cao.
Bệnh nhân lộc máu tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất |
Với vai trò đầy tính nhân văn như trên, ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đang cố gắng để đưa BHYT đến với mọi người dân, đặc biệt là đối tượng lao động nghèo, vùng sâu, vùng xa…
* Không lo gánh nặng viện phí
Tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất trong giờ làm việc, hàng trăm bệnh nhân mắc chứng bệnh suy thận đang được lọc máu. Bên ngoài cũng có hàng chục người đang chờ tới lượt mình.
Bà Trần Thị Hương (ngụ KP.6, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) tranh thủ ăn miếng bánh mì vì quá trình lọc máu kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Bà Hường cho biết 12 năm nay bà vẫn đều đặn 3 lần/tuần đến bệnh viện để lọc máu. Nhờ có thẻ BHYT nên bà được miễn 100% chi phí do thuộc diện hộ nghèo. “Gia đình được chính quyền địa phương xem xét cho vào hộ nghèo từ 2 năm nay nên viện phí được miễn. Tôi bệnh yếu không làm việc kiếm tiền được, chồng tôi đi làm thuê nên thu nhập bấp bênh, nếu không có BHYT không biết gia đình sẽ xoay xở như thế nào để có tiền lọc máu vì mỗi lần lọc máu nếu không có BHYT tốn cả triệu đồng” - bà Hương bộc bạch.
Vất vả hơn, bà Nguyễn Thị Được (ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) cũng phải 3 lần/tuần lên TP.Biên Hòa để lọc máu do đang mắc chứng bệnh suy thận giai đoạn cuối. Tuy nhiên, cũng nhờ có thẻ BHYT mà bà Được chỉ tốn công đi lại, tiền viện phí được bảo hiểm chi trả 100%. Bà Được cho rằng thẻ BHYT rất quan trọng trong lúc ốm đau, nhất là những người mắc phải những căn bệnh có chi phí điều trị khá tốn kém như bệnh của bà sẽ gặp nhiều khó khăn.
Là người trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân bị suy thận, điều dưỡng trưởng Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Lương Thị Kim Cúc cho biết trung bình mỗi bệnh nhân phải lọc máu từ 2-3 lần/tuần. Phần lớn những bệnh nhân điều trị tại khoa đều có BHYT. Tùy trường hợp thuộc đối tượng nào quy định trên thẻ BHYT sẽ được miễn hoặc đóng thêm chi phí nhưng tối đa cũng chỉ 20% tổng chi phí cho 1 lần lọc máu. Những bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ đóng 100% tiền viện phí, tương đương khoảng 1 triệu đồng/lần điều trị. Do đó, nếu người bệnh không có thẻ BHYT thì chi phí điều trị là rất lớn.
* Sẻ chia từ cộng đồng
Hiện nay, tỷ lệ người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước thì vẫn có phần thấp hơn, chủ yếu tập trung ở một số địa phương có nhiều người dân đời sống kinh tế còn khó khăn. Theo thống kê của BHXH tỉnh, tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp so với bình quân chung cả nước khoảng 4,7%, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế - xã hội của tỉnh (trong đó, 3/11 huyện có tỷ lệ tham gia BHYT thấp nhất trên địa bàn tỉnh là: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Định Quán). Một số nhóm đối tượng tham gia BHYT thấp là: nhóm hộ gia đình, nhóm học sinh, sinh viên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa tham gia BHXH, BHYT.
Theo đánh giá của BHXH tỉnh, những hạn chế nêu trên vẫn còn tồn tại là do nhận thức về ý nghĩa và tính nhân văn của BHYT của một số đơn vị và một bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, thu nhập của người dân một số huyện vùng sâu, vùng xa thấp nên khó khăn trong việc vận động tham gia BHYT. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh tại một số cơ sở chưa bảo đảm nên người dân vẫn còn e dè.
Trong khi đó, BHYT thực sự là một sự sẻ chia rất lớn với người bệnh, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Để nâng cao hơn nữa số người tham gia BHYT, nhất là những khu vực vùng sâu, vùng xa, thời gian qua BHXH Đồng Nai luôn thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhất như: tăng cường các điểm thu BHXH, BHYT, tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên tại các cơ sở để có kiến thức nhất định tuyên truyền đến người dân. Ngoài ra, ngành cũng phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo niềm tin trong nhân dân.
Vy Vy