Đến nay, Trường THCS Bảo Quang (xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) tròn 12 năm tuổi cũng là từng ấy năm giáo viên của ngôi trường này nỗ lực không ngừng cho việc dạy và học, chung tay giúp sức cho nhiều thế hệ học trò nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến trường.
Thầy Ngô Văn Vi, Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Quang gặp gỡ, động viên học trò Võ Anh Tuấn (lớp 9/1). |
“Cha mất sớm, hằng ngày mẹ đi làm thuê để nuôi em ăn học. Mẹ lại thường xuyên đau ốm, có hôm em phải đi làm thay mẹ để chủ không trừ tiền lương” - em Nguyễn Ngọc Thanh Tuyền (học sinh lớp 8/2) trình bày hoàn cảnh với các thầy cô trong trường.
* Tiếp sức cho trò
Từ lời tâm tình chân thật của học sinh Thanh Tuyền cũng như chính hoàn cảnh gia đình em hiện tại, Ban giám hiệu Trường THCS Bảo Quang quyết định đưa em vào danh sách được cấp học bổng Tiếp sức đến trường (1,5 triệu đồng/năm học) trong những năm em theo học tại trường, do các mạnh thường quân, cựu học sinh của trường tài trợ.
Từ năm 2010 đến nay, chương trình học bổng Tiếp sức đến trường của Trường THCS Bảo Quang đã hỗ trợ được 937 học sinh với tổng kinh phí 419 triệu đồng; nhà trường cũng vận động xã hội hóa được hơn 340 triệu đồng dùng để đầu tư mới dàn máy vi tính cho học sinh, xây nhà để xe, làm bồn rửa tay, bình lọc nước... |
Nhờ chương trình học bổng Tiếp sức đến trường được Trường THCS Bảo Quang duy trì liên tục những năm qua, Thanh Tuyền và nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác vẫn tiếp tục được đến trường, không phải bỏ dở việc học giữa chừng.
Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Quang Ngô Văn Vi cho biết trường được thành lập từ năm 2006 (tách ra từ Trường THCS Ngô Quyền, xã Bảo Vinh). Thời điểm đó, người dân ở đây còn khó khăn nên ít quan tâm đến việc học tập của con em mình, học sinh bỏ học còn nhiều. Cũng chính vì vậy, cô Nguyễn Thị Bích (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Quang) và thầy Vi (lúc đó là Phó hiệu trưởng) không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, tiếp sức cho học sinh nhằm ngăn dòng bỏ học.
Học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số trong xã ngoài việc được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định, còn được nhận thêm sách vở, viết, quần áo, xe đạp do nhà trường vận động các mạnh thường quân, cựu học sinh (của các thầy cô) và giáo viên trong trường giúp.
Riêng với những học sinh khó khăn (không thuộc chính sách hỗ trợ theo quy định) nhà trường xem xét tặng học bổng Tiếp sức đến trường (trị giá từ 1-1,5 triệu đồng/năm học). Số học bổng này, nhà trường thay mặt phụ huynh chi trả những khoản chi phí: học phí, bảo hiểm y tế, quần áo thể dục, tập sách... cho học sinh trong suốt năm học.
* Nỗ lực của thầy
Giúp phụ huynh trang trải các khoản đóng góp thôi chưa đủ, thời điểm đó cô Hiệu trưởng Bích, thầy Phó hiệu trưởng Vi cùng tập thể các giáo viên nhiệt huyết với giáo dục còn triển khai chương trình Mỗi ngày đến trường là một niềm vui, thông qua các hoạt động “vui học, học vui”, phụ đạo, văn hóa - văn nghệ - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống... để nâng chất lượng học tập, ngăn dòng bỏ học.
Thầy Trần Hữu Thạch (thứ 3 từ trái sang), Tổng phụ trách Đội cùng các đội viên nòng cốt của trường. |
Năm 2009, Hiệu trưởng Bích chuyển công tác, thầy Vi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng nên cùng cấp phó là cô Nguyễn Thị Ngọc Mẫn, tập thể giáo viên trong trường tiếp bước và sáng tạo nhằm đưa Trường THCS Bảo Quang phát triển. Thầy Vi tự hào cho biết đó là chất lượng giáo dục được nâng cao (đạt chuẩn quốc gia, nhiều giáo viên đoạt giải trong cuộc thi giáo viên giỏi, học sinh đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh); hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học vì lý do kinh tế, học lực kém; cơ sở vật chất của trường khang trang nhờ có thêm nguồn kinh phí xã hội hóa; tình cảm của những mạnh thường quân, cựu học sinh đến với học trò nghèo xã Bảo Quang ngày một nhiều...
Ngoài việc dạy kiến thức theo chương trình chung, nhiều giáo viên của Trường THCS Bảo Quang còn sáng tạo ra các sân chơi, rèn luyện kỹ năng sống cho học trò nơi đây. Đơn cử như các tiết học với thầy Trần Hữu Thạch (Tổng phụ trách Đội) luôn thu hút đông đảo học sinh.
9 năm làm Tổng phụ trách Đội của trường, thầy Thạch thường xuyên tổ chức những hoạt động mới, phù hợp với lứa tuổi, tâm lý của học sinh nên tiết học lúc nào cũng vui nhộn, thoải mái. Từ đó tình cảm thầy trò thân thiện hơn và thầy Thạch cũng có cơ hội hiểu hoàn cảnh của từng học sinh, kịp thời kiến nghị Ban giám hiệu hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc gia đình gặp nạn bất ngờ.
Nhắc đến ngôi trường THCS Bảo Quang, học sinh cũ và học sinh mới đều không quên những tấm lòng tận tụy với giáo dục của các thầy cô: Lý Quế Trâm, Mai Chiếm Khánh, Nguyễn Thị Yến Nguyệt... Trong đó, nổi lên tấm gương người thầy vượt khó và tận tụy hết lòng vì trò của thầy giáo trẻ dạy môn Anh Văn Nguyễn Mạnh Tân.
Thầy Tân từng là cậu học sinh nghèo của phường Xuân Bình (TX.Long Khánh). Khi còn nhỏ thầy phải bán vé số, đến khi là sinh viên thì phụ bán quán ăn, dạy kèm để có tiền trang trải việc học hành. Nay đứng trên bục giảng, thầy Tân truyền tinh thần hiếu học, vượt khó, biết sống cho ước mơ đến các thế hệ học trò. Thầy luôn tìm tòi cách dạy và truyền đạt bí quyết học ngoại ngữ dễ nhớ, dễ hiểu; sẵn sàng trao đổi, hướng dẫn học sinh những thắc mắc trong các bài học, giúp các em hiểu tường tận và ngày càng yêu thích học môn ngoại ngữ.
Rời mái Trường THCS Bảo Quang để về TP.Biên Hòa nhằm tránh cơn mưa bất chợt tháng 8 và cho kịp bài viết chào mừng năm học mới, chúng tôi thật sự xúc động trước những tấm gương vượt khó của các học sinh: Hoàng Liên Quốc Huy (lớp 7/2), Võ Anh Tuấn (lớp 9/1), Nguyễn Thị Cẩm Tiên (lớp 7/2)... Sự tận tâm, trách nhiệm của những người thầy: Ngô Văn Vi, Nguyễn Thị Ngọc Mẫn, Mai Chiếm Khánh... Những người thầy vẫn âm thầm cống hiến cho sự phát triển của giáo dục địa phương, lặng lẽ đưa các chuyến đò chắp cánh cho học sinh tự tin, vững vàng bước tiếp trên hành trình học tập của mình.
Đoàn Phú