TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết chất lượng nguồn nhân lực đang được xem là vấn đề gai góc và khó khăn nhất hiện nay của ngành y tế. Đồng Nai đang thiếu trầm trọng đội ngũ bác sĩ có tay nghề. Hầu hết các bệnh viện và trung tâm y tế đều thiếu bác sĩ.
Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhân. |
“Tỷ lệ 8 bác sĩ/vạn dân là tỷ lệ trung bình của cả nước, không quá cao. Tuy nhiên, Đồng Nai hiện mới chỉ đạt 7,39 bác sĩ/vạn dân” - TS-BS.Phan Huy Anh Vũ nhận xét.
* Chật vật thu hút bác sĩ
Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế từ cấp tỉnh đến cấp huyện đều nỗ lực trong công tác tuyển dụng, thu hút bác sĩ. Có những đơn vị thu hút được nhiều bác sĩ như Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (TX.Long Khánh), Trung tâm y tế huyện Định Quán, nhưng “mẫu số chung” của các đơn vị đều rất khó khăn.
Theo số liệu thống kê của ngành y tế, trong hệ thống y tế công lập hiện có khoảng 1,6 ngàn bác sĩ; hệ thống y tế ngoài công lập có khoảng 700 bác sĩ. Để đạt chỉ tiêu 8 bác sĩ/vạn dân, trong năm 2018, Đồng Nai cần phải có thêm từ 100-140 bác sĩ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tuyển được khoảng 60 bác sĩ, tuy nhiên số lượng tuyển vào và số lượng nghỉ việc lại xấp xỉ nhau. |
Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên cho hay, từ đầu năm đến nay bệnh viện khó khăn lắm mới tuyển được 32 bác sĩ. Hầu hết các bác sĩ đều mới tốt nghiệp và phần đông đến từ Trường đại học y dược Huế. “Ngoài thực hiện chính sách thu hút như chính sách chung của tỉnh, bệnh viện còn có chế độ thu hút riêng. Cụ thể, ngoài hỗ trợ 100 triệu đồng theo chính sách của tỉnh, bệnh viện còn hỗ trợ thêm cho mỗi bác sĩ 50 triệu đồng với cam kết phải làm việc tại bệnh viện ít nhất là 5 năm. Chúng tôi phải tuyển thêm 14 bác sĩ để đạt 150 bác sĩ, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh” - bác sĩ Huyên chia sẻ.
Cũng “cảnh ngộ” chật vật tuyển bác sĩ, Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cho biết bệnh viện hiện có 152 bác sĩ. Từ tháng 6 đến nay, bệnh viện tuyển mới được khoảng 10 bác sĩ. Tuy nhiên, cũng có khoảng 10 bác sĩ cũ xin nghỉ việc. Bác sĩ Hà bộc bạch: “Để phát triển bền vững, bệnh viện cần có thêm từ 30-50
bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ gây mê và bác sĩ ngoại khoa. Chính vì thiếu bác sĩ gây mê nên một số ca mổ khó bệnh viện không thể chuyển giao và bác sĩ ngoại khoa không có cơ hội để phát triển”.
Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu Hồ Văn Hoài cho hay trung tâm cần thêm khoảng 7 bác sĩ dự phòng và 17 bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, nhưng gần 1 năm qua vẫn không tuyển đủ.
* Tính giải pháp lâu dài
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ cho biết, sắp tới đây ngành sẽ nhận thêm một số bác sĩ tốt nghiệp từ Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, Trường đại học y dược Huế, nhưng theo dự tính vẫn chưa đủ số bác sĩ cần có.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt này, Giám đốc Sở Y tế cho rằng về lâu dài cần có một trường đại học chuyên về y khoa đóng chân trên địa bàn tỉnh, mỗi năm có thể đào tạo từ 50-70 bác sĩ. Sắp tới, thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, Trường cao đẳng y tế Đồng Nai sẽ sáp nhập vào Trường đại học Đồng Nai, thành lập khoa y có nhiệm vụ đào tạo bác sĩ. Nhưng để có được lứa bác sĩ đầu tiên được đào tạo trên địa bàn tỉnh cũng cần phải có thời gian từ 7-10 năm nữa. Do vậy, trong thời gian này ngành y tế tiếp tục đưa ra giải pháp là thu hút nguồn lực từ các trường đại học đào tạo y dược uy tín trong nước.
Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục triển khai chương trình đào tạo theo địa chỉ. Năm 2018, tỉnh đã xin được 25 chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ từ Trường đại học y dược Cần Thơ và 10 chỉ tiêu từ Trường đại học y dược Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh). Những sinh viên được đào tạo theo chương trình này sau tốt nghiệp sẽ về công tác tại Đồng Nai theo sự phân công của ngành y tế.
Hạnh Dung