Thời gian hưởng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), các danh mục kỹ thuật liên quan đến bảo hiểm chưa thống nhất, gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở khám, chữa bệnh và thiệt thòi cho bệnh nhân...
Thời gian hưởng ghi trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), các danh mục kỹ thuật liên quan đến bảo hiểm chưa thống nhất gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở khám, chữa bệnh và thiệt thòi cho bệnh nhân.
Người dân được hưởng chế độ BHYT khi tham gia khám, chữa bệnh tại các phòng khám chuyên gia của Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh (TX.Long Khánh). Ảnh: H.DUNG |
Đó là 2 trong số nhiều vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Luật BHYT sửa đổi năm 2014 mà các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
* Cơ sở khám, chữa bệnh kêu khó
Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho rằng thời gian qua Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra quá nhiều văn bản, thay đổi liên tục, không sát thực tế gây khó khăn cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Có những văn bản ra mà tuyến cơ sở không biết để cập nhật, đến khi cơ quan bảo hiểm xã hội xuất toán thì mới biết.
Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành trong cả nước còn dư quỹ BHYT. Chúng tôi sẽ ghi nhận tất cả những kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, người dân tham gia BHYT tại Đồng Nai để có những đề xuất, điều chỉnh Luật BHYT phù hợp trong thời gian tới”. |
Việc thay đổi giá thanh toán BHYT cũng ảnh hưởng đến cả bệnh viện và bệnh nhân. Chẳng hạn, khi bệnh nhân vào viện vẫn còn áp dụng giá cũ nhưng khi ra viện lại thực hiện áp dụng giá mới. Trường hợp này bệnh viện phải nhập thanh toán chế độ bảo hiểm bằng phương pháp thủ công chứ không thể sử dụng phần mềm thanh toán.
Bác sĩ Trần Văn Lê Liêm, Phó giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa chỉ ra thực trạng nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đã được điều trị, dùng các loại thuốc tại các bệnh viện hạng I, II. Đến khi về các bệnh viện hạng III như Trung tâm y tế TP.Biên Hòa để điều trị thì các loại thuốc đó lại không có, rất khó khăn cho việc điều trị.
“Tôi kiến nghị nên phân chia cấp độ của các loại thẻ BHYT theo số tiền mà người dân mua. Chẳng hạn, với loại thẻ BHYT có giá trị 10 triệu đồng/năm thì sẽ được hưởng những loại thuốc, hạn mức điều trị thế nào; mức 5 triệu đồng/năm, 1 triệu đồng/năm thì sẽ được hưởng ra sao. Các bệnh viện hạng I, II, III đều sẽ được cung cấp đủ các loại thuốc cấp cứu, điều trị ban đầu để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh” - bác sĩ Liêm đề xuất.
Đồng tình với “nỗi khổ” của các cơ sở khám, chữa bệnh, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ chia sẻ, sự “lệch pha” trong danh mục kỹ thuật chuyên môn và danh mục để tính giá thanh toán BHYT, danh mục theo loại thủ thuật... đã ít nhiều gây khó dễ cho các bệnh viện. Có những bác sĩ không chịu nổi việc thường xuyên bị cơ quan bảo hiểm xuất toán đã phải xin nghỉ việc, bởi ngoài trách nhiệm về mặt chuyên môn, các bác sĩ còn phải chịu rất nhiều áp lực liên quan đến BHYT.
* Hướng tới công bằng cho người dân
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 95% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang, để đảm bảo công bằng cho đối tượng này, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để thay đổi một số quy định trong Luật BHYT về thời hạn ghi trên thẻ BHYT của học sinh lớp 12, sinh viên năm cuối.
Chi phí người bệnh phải trả cho kỹ thuật nội soi sử dụng ánh sáng đơn sắc để phát hiện những tổn thương có khả năng ung thư khi tế bào ung thư còn lưu trú trên niêm mạc tại Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai là 700 ngàn đồng/lần. |
Theo bà Giang, từ trước đến nay thời gian hưởng ghi trên thẻ BHYT của học sinh lớp 12 chỉ từ ngày mua đến ngày kết thúc năm học, tức là ngày 30-5. Thời hạn hưởng tiếp theo là khi các em mua thẻ khi vào năm học đầu tiên bậc đại học, cao đẳng khoảng tháng 9, tháng10.
“Như vậy, trong vòng 3-4 tháng từ khi kết thúc năm học lớp 12 đến khi vào đại học, các em “không được phép” bị bệnh bởi không được thanh toán bảo hiểm. Vì vậy, tôi đề xuất luật nên quy định cho mọi đối tượng người dân mua thẻ BHYT từ tháng 1 đến tháng 12 để đảm bảo công bằng” - bà Giang nhấn mạnh.
Tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trong những năm qua. Từ 70,6% năm 2015 lên 77,2% năm 2016 và 81,5% năm 2017. Dự kiến năm 2018 sẽ tăng lên 84,5% và mục tiêu đến năm 2020 là 90%. |
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Chuông, Phó chánh văn phòng Bảo hiểm xã hội tỉnh đề xuất Luật BHYT nên cân nhắc để nâng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với đối tượng học sinh, sinh viên từ 30% hiện nay lên 50%. Bởi theo ông Chuông, đây là đối tượng ít bị bệnh tật nhất, mức chi phí khám chữa bệnh cũng không cao như những đối tượng khác. Ngoài ra, đối tượng hộ gia đình cận nghèo cũng nên được nâng mức hỗ trợ BHYT từ 70% lên 100%, vì trên thực tế có những hộ không có sổ hộ nghèo nhưng thực sự rất khó khăn, không có điều kiện để mua thẻ BHYT.
Bên cạnh đó, Luật BHYT cũng nên thống nhất đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và BHYT ở nhóm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; mở rộng thêm đối tượng tham gia BHYT là thân nhân người lao động là công dân nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam; những người không có hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai nhưng làm công việc tự do.
“Để đảm bảo tính nhân văn, luật nên có quy định tổ chức cho người dân có thẻ BHYT được hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ nhằm kiểm soát bệnh tật, hạn chế đến khi bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh. Lúc đó không chỉ bản thân người dân mà quỹ BHYT cũng sẽ phải chi trả một khoản tiền lớn” - ông Chuông kiến nghị.
Hạnh Dung