Sáng mai ngày 22-9, tại Hội quán Trấn Biên, UBND tỉnh tổ chức trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015). Đây là giải thưởng được tổ chức 5 năm/lần nhằm tôn vinh những văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật của Đồng Nai.
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Huỳnh Văn Tới (bên phải) trao bằng khen của UBND tỉnh cho nhà nghiên cứu văn hóa Lý Việt Dũng.Ảnh: V.TRUYÊN |
Ở lần trao giải thứ IV có 61 giải thưởng được trao cho các cá nhân, tập thể trên các lĩnh vực văn học nghệ thuật.
* Nhiều tác phẩm tạo tiếng vang lớn
Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện lần đầu(1995-2000) vào năm 2001. Giải thưởng nhằm biểu dương, khen thưởng những tác phẩm có tư tưởng lành mạnh, tích cực. Thông qua giải thưởng nhằm khẳng định, ghi nhận những thành tựu trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu văn học nghệ thuật về đất nước, con người Đồng Nai. Đồng thời, qua đó tôn vinh các tác giả, tác phẩm tiêu biểu, động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ phát huy tính năng động sáng tạo văn học nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia. Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức được tổ chức 5 năm/lần. |
Mặc dù là giải thưởng của một địa phương, song có một điều rất dễ nhận ra là các tác phẩm văn học nghệ thuật được xét và trao giải không bó hẹp trong một khoảng không gian địa lý hành chính, mà mở rộng và có sức lan tỏa lớn. Nhiều tác phẩm trong số này được người dân cả nước biết đến, yêu thích.
Trong đó, chùm ca khúc: Tổ quốc và người lính, Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa, Những chàng trai của biển, Về hội chùa quê, Nhơn Trạch tình đất tình người, Về Rừng Sác và Trảng Bom miền đất yêu thương của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn được xét trao giải A là một minh chứng cụ thể nhất. Chỉ tính riêng ca khúc Hát quốc ca giữa đảo Trường Sa - bài hát là tiếng nói của người dân Đồng Nai hướng về biển đảo Tổ quốc ra đời năm 2013, đã được chọn dàn dựng, biểu diễn ở rất nhiều hội diễn quần chúng lẫn chuyên nghiệp ở tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Hay tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương của “nhà văn của những phận nghèo” Nguyễn Trí cũng có sức hút rất lớn đối với giới chuyên môn lẫn người yêu thơ văn cả nước. Ngay sau khi tác phẩm ra đời vào năm 2013, thì cùng năm đó tập truyện này đã nhận được giải thưởng của
Hội Nhà văn Việt Nam.
Tiếp đó, năm 2016 Nguyễn Trí được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cần nói là Nguyễn Trí chỉ mới tham gia cầm bút viết văn từ cuối năm 2009, vậy mà chỉ chưa đầy 7 năm ông đã có tên trong danh sách hội viên của Hội chuyên ngành Trung ương. Tác phẩm của nhà văn xuất hiện trên nhiều mặt báo, kệ sách và được bạn đọc cả nước săn đón.
Là một văn nghệ sĩ lão làng của làng văn nghệ Đồng Nai với hơn 50 năm cầm máy ảnh, nghệ sĩ Bùi Viết Đồng đã không còn xa lạ với công chúng. Ở lần xét trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV, “ông già gân” của nhiếp ảnh Đồng Nai đoạt giải A với chùm tác phẩm: Phẫu thuật nội soi, Xét nghiệm máu, Dạy cháu khuyết tật tập đọc, Truy đuổi, Hỏa lực phòng không. Nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng tâm sự: “Tôi rất vui, tự hào vì được vinh danh bằng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV”.
Các công trình nghiên cứu: Địa danh hành chính - văn hóa - lịch sử Đồng Nai, Nghi và văn cúng chữ Hán ở TP.Biên Hòa và Văn hóa người Chơro, 3 tác phẩm bộ môn văn nghệ dân gian lần lượt được trao giải A và 2 giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015). |
Đây không phải là lần đầu tiên những bức ảnh này của nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng được chọn trao giải, mà trước đó cả 5 bức ảnh có tên trên đều được đoạt giải cao, có mặt ở những triển lãm ảnh đẹp toàn quốc, như: tác phẩm Phẫu thuật nội soi là một trong 191 tác phẩm ảnh nghệ thuật xuất sắc được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chọn tham gia triển lãm ảnh Nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam 30 năm đồng hành cùng đất nước đổi mới (1986 - 2016); các tác phẩm Truy đuổi và Hỏa lực phòng không (nằm trong bộ ảnh Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc) lần lượt được trao 2 giải ba cuộc thi ảnh tháng của Truyền hình nhân dân...
* Nguồn tài liệu quan trọng
Bên cạnh những tác phẩm phản ánh hơi thở cuộc sống, ở lần trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV cũng vinh danh 9 nhóm tác giả, tác giả ở bộ môn văn nghệ dân gian với những công trình nghiên cứu có giá trị lớn cho công chúng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về đất và người Đồng Nai. Trong đó, có thể kể đến tác phẩm đoạt giải A là Địa danh hành chính - văn hóa - lịch sử Đồng Nai của nhóm tác giả Trần Quang Toại, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Lê Xuân Hậu, Trần Minh Trí, Nguyễn Trần Kiệt, Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Nguyễn Anh Đức, Đoàn Trung Kiên.
Tác phẩm này góp phần hệ thống hóa toàn bộ về lịch sử hình thành, phát triển, thay đổi của những địa danh hành chính từ cấp xã, phường trở lên, cùng với đó là các địa danh mang đậm dấu ấn đất và người Đồng Nai.
Ca khúc Hát quốc ca giữa đảo Trường Sa của nhạc sĩ Cao Hồng Sơn được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.Hồ Chí Minh dàn dựng và biểu diễn tại Hội thi Nghiệp vụ giỏi, tài năng văn nghệ Ngân hàng Chính sách xã hội khu vực IX. |
Một công trình nghiên cứu mang tính chất chuyên biệt về một trong 4 dân tộc bản địa tại Đồng Nai là Văn hóa người Chơro được trao giải B do nhóm tác giả Huỳnh Văn Tới, Lâm Nhân, Phan Đình Dũng thực hiện, giúp người đọc hình dung rõ nét và đầy đủ nhất về dân số, lịch sử tộc người, hoạt động kinh tế, tín ngưỡng tôn giáo, văn học nghệ thuật, văn hóa ứng xử cộng đồng của đồng bào Chơro trên đất Đồng Nai.
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của người Việt khi đến thăm, tham gia lễ hội ở các đình, đền là “đình, đền người Việt mà người Việt nghe không hiểu nội dung các bài nghi và văn cúng”, nhóm tác giả Lý Việt Dũng, Trần Quang Toại, Cao Văn Vĩnh, Trịnh Văn Lý, Lê Xuân Hậu, Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Đặng Hữu Trí, Trần Minh Trí, Nguyễn Trần Kiệt, Nguyễn Thị Tuyết Trinh đã dành nhiều thời gian rà soát, nghiên cứu và dịch thuật để mọi người hiểu về nội dung của các bài nghi và văn cúng thông qua tác phẩm Nghi và văn cúng chữ Hán ở TP.Biên Hòa. Tác phẩm này đã được xét để trao giải B.
Văn Truyên