Văn hóa

Từ bài hát thô tục nghĩ đến công tác quản lý văn hóa

MV thô tục và phản cảm Như cái lò lại nghiễm nhiên xuất hiện trong seris âm nhạc tốp 10 tháng 8 của một kênh truyền hình, khiến người xem không khỏi giật mình.

MV thô tục và phản cảm Như cái lò lại nghiễm nhiên xuất hiện trong  seris âm nhạc tốp 10 tháng 8 của một kênh truyền hình, khiến người xem không khỏi giật mình.

Chỉ mới trình làng từ cuối tháng 8, nhưng đến nay trên YouTube, MV Như cái lò đã thu hút trên 2,6 triệu lượt xem, trong đó đã có hơn 53 ngàn lượt không thích, kèm theo nhiều bình luận gạch đá từ người xem.

Những phản cảm xuất phát ngay từ khi tiếp nhận tên bài hát, đến ca từ đơn điệu, nhảm nhí lặp đi lặp lại dễ tạo liên tưởng dung tục: “Hôm nay trời sao nóng bức quá, em đang cần một ly nước đá. Đừng bắt em phải ra ngoài đường, em chỉ cần có bốn bức tường, một điều hòa và một cái giường… Nóng, nóng như cái lò…”.

Không những thế, cảnh quay một bữa tiệc thác loạn với vũ công ăn mặc thiếu vải trầm trọng, thực hiện những động tác uốn éo, gợi dục kèm theo những âm thanh chỉ có trong phòng ngủ… đã đẩy sự khó chịu, thậm chí phẫn nộ của người xem đến tột cùng.

Tuy nhiên, dù thích hay không thích thì MV này đã làm được điều mong muốn: thu hút sự chú ý của nhiều người, tạo sự nổi tiếng theo chiều hướng tai tiếng.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một ca khúc dung tục được trình làng. Trước đó, có những bài hát chỉ cần nghe đến cái tên thôi, người nghe đã phát “dội”, nhưng hầu như đều rất “hot” như: Oh my chuối với 6,6 triệu lượt xem, Tự sướng với 111 ngàn lượt xem…

Đành rằng nghệ thuật, nhất là các sản phẩm âm nhạc, đòi hỏi phải sáng tạo, phải độc đáo để thu hút sự quan tâm của công chúng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sáng tạo bừa bãi, muốn “hot” bằng mọi giá, bất chấp cảm nhận của người xem.

Lỗi của đơn vị sản xuất MV đã rõ, còn trách nhiệm của người quản lý ở đâu khi để những sản phẩm phản cảm như trên lưu hành? Càng nghiêm trọng hơn, khi nó lại xuất hiện trên truyền hình - một môi trường được cho là an toàn hơn mạng xã hội, do có thêm một bộ lọc là ekip sản xuất chương trình…

Trong khi đó ở nhiều trường hợp, vai trò của đơn vị quản lý văn hóa đã thể hiện quá mức, gây bức xúc dư luận xã hội. Đơn cử như dư luận vẫn chưa nguôi ngoai việc cơ quan quản lý đã cấm đoán tùy tiện và vô lý một số bài hát trước năm 1975, hay như việc cập nhật danh sách hơn 300 bài hát nhạc đỏ gây hiểu lầm…

Quản lý thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa là một trong những nguyên nhân của thực trạng trên. Bao giờ các MV của âm nhạc Việt thôi chạy theo những thị hiếu tầm thường, trả lại môi trường giải trí lành mạnh? Câu hỏi đơn giản không chỉ gửi đến những người sản xuất mà còn có vai trò định hướng - quản lý của cơ quan chủ quản ngành này...

Lâm Viên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  571,429       1/649