Văn hóa

Nở rộ cà phê sách

Thời gian gần đây, tại TP.Biên Hòa ngày càng có nhiều quán cà phê sách xuất hiện và được mọi người tìm đến. Đây là hình thức kinh doanh không mới, song đối với TP.Biên Hòa thì vẫn chưa phổ biến.

Thời gian gần đây, tại TP.Biên Hòa ngày càng có nhiều quán cà phê sách xuất hiện và được mọi người tìm đến.

Đọc sách tại Cà phê sách Đông Tây Sông Phố (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: V.TRUYÊN
Đọc sách tại Cà phê sách Đông Tây Sông Phố (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: V.TRUYÊN

Đây là hình thức kinh doanh không mới, song đối với TP.Biên Hòa thì vẫn chưa phổ biến.

* Nhiều điểm đến hấp dẫn

Khởi xướng và duy trì khá lâu về loại hình kinh doanh này có thể kể đến Hội quán Trấn Biên (đường Chu Văn An, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa). Hoạt động đã hơn 3 năm, khu cà phê sách của Hội quán Trấn Biên được khá nhiều người tìm đến đọc sách hay tổ chức sinh hoạt tập thể liên quan đến sách. Hàng năm, nơi này diễn ra các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách nhân Ngày thơ Việt Nam, Ngày sách Việt Nam, trưng bày tranh, ảnh nghệ thuật của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, Nhà thiếu nhi Đồng Nai.

Thời gian qua, bên cạnh những quán cà phê sách mới xuất hiện cũng có không ít địa điểm phải đóng cửa hoặc chủ nhân không còn chú trọng vào việc bổ sung sách. Do vậy, nhiều quán cà phê sách đã dần trở thành những quán cà phê với lác đác vài cuốn sách cho có lệ.

Ngoài ra, khu cà phê sách này cũng là nơi tiếp nhận sách từ nhiều cá nhân, tập thể trong tỉnh để giới thiệu đến cộng đồng như sách của PGS. TS Huỳnh Văn Tới, nhà nghiên cứu văn hóa Lý Việt Dũng, của Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh... Sách ở đây cũng khá đa dạng về thể loại, nhưng nhiều nhất là các sách liên quan đến đất - người Đồng Nai, sách về văn hóa - lịch sử Việt Nam. Phần lớn đều là những sách quý vì nhiều tác phẩm là công trình nghiên cứu do tỉnh đặt hàng thực hiện và không có bán trên thị trường.

Có cùng thời điểm ra mắt với khu cà phê sách của Hội quán Trấn Biên là khu nhà hàng - cà phê sách tại Nhà sách Nguyễn Ái Quốc (đường Nguyễn Ái Quốc, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa). Điểm lợi thế của khu cà phê sách này là số lượng sách văn học đồ sộ để bạn đọc tha hồ lựa chọn. Ngoài ra do nằm trong khuôn viên của nhà sách nên hoạt động mua bán sách, quà lưu niệm, văn phòng phẩm tại đây cũng diễn ra rất sôi nổi.

Ra đời có phần muộn hơn 2 địa điểm trên là cà phê sách Yame Biên Hòa (đường Dương Tử Giang, phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), mới đi vào hoạt động hơn 1 năm qua. Tại đây, sách mới không được cập nhật thường xuyên nhưng bù lại không gian ấm cúng, yên tĩnh và đặc biệt là có nhiều sách được xem là hàng hiếm vì năm phát hành đã rất lâu, trên thị trường ít thấy xuất hiện. Trong đó, có thể kể đến tập thơ Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu được Nhà xuất bản Văn học in năm 1971; cuốn truyện ngắn Những người thích đùa của tác giả Azit Nêxin do Nhà xuất bản Tác phẩm mới in năm 1983; Gửi thế kỷ mai sau của nhà văn Ghêorghi Marcôp, do Phạm Chi Mai - Bồ Xuân Tiến dịch và được Nhà xuất bản Phú Khánh in năm 1985; Cái chuông điện (tập truyện vui Liên Xô) được Nhà xuất bản Lao động in năm 1986...

Mới đây nhất, vào ngày 19-7, Cà phê sách Đông Tây Sông Phố (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cũng vừa được khai trương. Tại đây có hẳn một không gian rộng lớn dành cho việc trưng bày sách và đọc sách. Đặc biệt, do có sự liên kết chặt chẽ với các nhà xuất bản, nhà phát hành sách nên địa điểm này luôn cập nhật, bổ sung những đầu sách mới để vừa đáp ứng nhu cầu đọc tại chỗ cũng như mua sách của mọi người.

* Chung tay vì văn hóa đọc

Có thể thấy, ngoài mặt kinh doanh thương mại, việc ngày càng có nhiều địa điểm cà phê sách ra đời đang góp phần không nhỏ vào việc khuyến khích mọi người đọc sách. Như chia sẻ của ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên: “Mục tiêu của đơn vị khi thực hiện khu cà phê sách là mong muốn tạo một điểm đến cho những người yêu sách và muốn chia sẻ về sách. Qua đó, góp phần vào việc khuyến khích văn hóa đọc trong cộng đồng. Chẳng hạn, có khá nhiều trẻ em được cha mẹ gửi đến đây đọc sách hàng ngày trong dịp hè, tất cả đều được tha hồ đọc sách mà không bắt buộc phải gọi một thức uống nào. Khi có cá nhân, tập thể nào trao tặng sách đều được đơn vị tổ chức lễ tiếp nhận trang trọng để rồi sau đó giới thiệu đến mọi người”.

Còn anh Nguyễn Xuân Thủy, một trong 2 quản lý của cà phê sách Đông Tây Sông Phố, thì cho biết thêm: “Ban đầu chúng tôi định thực hiện mô hình cà phê sách này tại TP.Hồ Chí Minh. Song với tiềm năng lớn, kèm theo những điều kiện thuận lợi khác nên Biên Hòa là địa điểm được mọi người ưu tiên hơn. Do mới đưa vào hoạt động nên chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của mọi người. Nhưng phải nói là việc đầu tư để cập nhật liên tục các tác phẩm văn học mới là điều không hề đơn giản vì rất tốn kém, song việc này là rất cần thiết để tạo nên một không gian văn hóa đọc dành cho cộng đồng”.

Với những gì mà các địa điểm cà phê sách thực hiện đã và đang góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích cũng như tạo cơ hội cho người yêu sách tiếp cận với sách dễ dàng và ít tốn kém hơn. Như chia sẻ của sinh viên Nguyễn Trần Vân Nhi (Trường đại học công nghệ Đồng Nai): “đọc sách ké tại các nhà sách thì thường không có ghế ngồi nên bất tiện và mỗi người cũng sẽ có sự ái ngại, do vậy thời gian đọc thường không lâu, ít khi em đọc được hết một cuốn sách mình thích. Còn với cà phê sách thì khác hẳn, chỉ từ 20-35 ngàn đồng cho một thức uống với chỗ ngồi thoải mái, em có thể đọc sách bao lâu tùy thích và có nhiều lựa chọn”.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  671,005       1/869