Nhật ký chiến trường đã được tái bản đầu năm 2017 theo bản quyền sử dụng tác phẩm giữa gia đình tác giả và Nhà xuất bản Văn hóa - văn nghệ. Đây là những trang nhật ký cuối cùng của nhà báo liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý trước khi chị hy sinh.
* Nhà báo, liệt sĩ
Nhà báo Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19-4-1941 tại Hà Nội, trong một gia đình trí thức yêu nước nổi tiếng. Năm 1965, khi đang là phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, chị viết đơn tình nguyện xin được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Tháng 4-1968, chị gửi con gái 16 tháng tuổi Bùi Dương Hương Ly cho bà ngoại để chị lên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu cùng đơn vị với chồng - nhà thơ Bùi Minh Quốc có mặt ở chiến trường 1 năm trước đó.
Đêm 8-3-1969, trong một trận càn ác liệt, Dương Thị Xuân Quý đã anh dũng hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Trong những ngày thẫn thờ đi tìm xác vợ ấy, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết Bài thơ về hạnh phúc để “tưởng nhớ Xuân Quý thân yêu” với những câu thơ chảy máu nhưng chan chứa tình yêu thương đã đi vào lòng bao thế hệ: “Thôi em nằm lại/ Với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân ở mãi (…). Ôi mũi lê này hôm nay sao sáng quắc/ Anh mất em như mất nửa cuộc đời/ Nỗi đau anh không thể nói bằng lời (…). Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống/ Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu”.
* Sống lại quá khứ khốc liệt và hào hùng
Ngã xuống giữa tuổi 28 thanh xuân, Dương Thị Xuân Quý để lại cho đời tác phẩm Nhật ký chiến trường. Từng trang nhật ký trong tác phẩm đã lột tả một thời kỳ đầy gian lao và thử thách và làm sống dậy một quá khứ khốc liệt nhưng đầy hào hùng của những con người đã quyết hy sinh vì lý tưởng. Chỉ với 198 trang, nhưng toàn bộ tác phẩm là cả một thế giới sống động về những con người anh hùng trong chiến tranh. Họ đã nghĩ, đã sống, đã mừng vui, đã dằn vặt, đã khổ đau… trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Mỗi dòng, mỗi trang nhật ký là những suy nghĩ, trăn trở và cả dằn vặt của chính tác giả. Trong những phút giây dằn vặt ấy, Dương Thị Xuân Quý không nghĩ cho riêng mình mà chỉ nghĩ về việc chung, về đại nghĩa, về chồng, về con. Tất cả đều hướng tới cái đẹp, cái cao cả mà quên đi bản thân mình: “Thế đấy, mảnh đất mà mình đang sống nó giống hệt như con người mình: vất vả, cực nhọc. Mình sung sướng được có mặt ở đây đúng lúc vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất của cuộc chiến đấu. Mình sung sướng được chịu đựng và vượt qua tất cả gian khổ…”.
Gian khổ, vất vả là vậy nhưng gần như trong hồi ký của mình, Dương Thị Xuân Quý đã dành để viết về những người đồng chí dũng cảm, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, yêu thương, chia sẻ cho nhau, quên mình vì lý tưởng cao đẹp. Chúng ta sẽ gặp trong nhật ký này của chị những con người thật đẹp, như: Trần Tiến (nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong), nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và tất nhiên không thể thiếu người chồng hết mực yêu thương của chị - nhà thơ Bùi Minh Quốc…
Phần phụ lục của cuốn sách là đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu của Dương Thị Xuân Quý: “Tôi là Dương Thị Xuân Quý, đoàn viên thanh niên lao động, phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam tình nguyện gửi đơn này xin các đồng chí xét cho tôi được vào Nam chiến đấu”.
Cuốn sách cũng đã dành một phần để in một số bài thơ của liệt sĩ, chủ yếu là những bài viết cho con gái. “Dù bao nhiêu lận đận/ Dù trăm dốc nghìn đèo/ Có mắt con theo dõi/ Mẹ bỗng thêm sức mạnh” (Ánh sao).
Bài thơ tặng con khi con gái tròn 2 tuổi, nhà thơ nhớ về con với nỗi xót xa khi con phải xa cả cha mẹ: “Lòng tôi chợt quặn đau/ Mắt tôi mờ bóng khói/ Ngoảnh nhìn về phía sau/ Con vẫn như đang gọi/Thương con vừa đầy tuổi/ Đã xa cả mẹ cha/ Đêm đêm trong giấc ngủ/Vắng mẹ ôm cổ bà”. Có lẽ vì vậy mà trong một bài viết in trong tuyển tập này, nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: “Quý chết ở vùng sâu, lúc ấy anh em chúng tôi, đồng nghiệp đồng chí của chị đều đi xa. Không ai nghe được lời nói cuối cùng của chị khi chị ngã xuống. Riêng tôi, tôi cứ tin lời cuối cùng của chị là một tiếng gọi “Con!”. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng viết: “Thật bất công nếu không gọi chị là một anh hùng”.
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”. Đó là những câu thơ trong nhóm bài thơ Những người đi tới biển (1977) của nhà thơ Thanh Thảo. Đã có một lớp người như thế ra đi không tiếc tuổi xuân mình vì sự trường tồn và vẹn toàn của đất nước. Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý thuộc những người trong lớp người ấy. Đọc cuốn nhật ký này để hiểu thêm và kính trọng một thế hệ dấn thân, anh hùng. |
Ngọc Anh