Trong bài thơ Đất nước của Tạ Hữu Yên có 2 câu khiến người nghe quặn đau: "Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ". Thế nhưng, ở tỉnh Quảng Nam, hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ phải đến 12 lần tiễn con, cháu ra trận đánh giặc và cả 12 người không trở về…
Trong bài thơ Đất nước của Tạ Hữu Yên có 2 câu khiến người nghe quặn đau: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Thế nhưng, ở tỉnh Quảng Nam, hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ phải đến 12 lần tiễn con, cháu ra trận đánh giặc và cả 12 người không trở về…
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Ảnh: Thanh Thúy |
Khi nói về mẹ Thứ, một đồng nghiệp ở Báo Quảng Nam nghẹn ngào thốt lên: “Hiếm có bà mẹ nào trên thế giới gánh chịu nhiều khổ đau như mẹ Nguyễn Thị Thứ (sinh năm 1904, quê thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, TX.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). 12 người thân trong gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì có 9 con ruột, 1 con rể và 2 cháu ngoại lần lượt hy sinh”.
Đoàn công tác Báo Đồng Nai trước Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ tháng 5-2017. |
* Nước mắt mẹ không còn
Tháng 5-2017, đoàn công tác của Báo Đồng Nai tổ chức chuyến đi học tập, rút kinh nghiệm tại các địa phương miền Trung. Ở tỉnh Quảng Nam, chúng tôi được đồng nghiệp đưa đến thăm Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, người được vinh danh là phụ nữ huyền thoại tiêu biểu, là bà mẹ Việt Nam anh hùng vì đã dâng hiến nhiều người thân nhất cho Tổ quốc. Chính vì vậy, năm 2007 mẹ được dựng tượng đài nguyên mẫu từ khi đang còn sống.
Ngày 27-7-2009, tỉnh Quảng Nam khởi công xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, lấy nguyên mẫu hình tượng khi bà còn sống. Tượng đài được làm bằng đá sa thạch, xây dựng trên diện tích 15 hécta tại đỉnh núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Toàn khối tượng đài có chiều cao 18,5m, rộng 84,7m, chiều rộng theo đường cong là 117m. Chính giữa khối tượng đài là chân dung mẹ Nguyễn Thị Thứ cao 18m, phần thấp nhất là 5,83m. Mẹ Nguyễn Thị Thứ được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 17-12-1994. Bà qua đời ngày 10-12-2010, thọ 106 tuổi, được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TX.Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. |
Cũng như bao nhiêu phụ nữ khác, cuộc đời mẹ Thứ có những phiền muộn, lo toan để nuôi dạy con cái. Đến khi Tổ quốc kêu gọi, mẹ đã mạnh mẽ động viên con, cháu lên đường chống giặc. Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, mẹ Thứ đã khóc không biết bao nhiêu khi lần này tiễn con ra đi, hết người này lại đến người khác. Cứ thế, hết lần này đến lần nọ bà khóc từ biệt từng người rồi đau đớn hơn khi lần lượt nhận được tin báo tử các con hy sinh.
Hôm chúng tôi đến thắp nhang bên tượng đài mẹ Thứ, còn có một số đoàn từ các tỉnh phía Bắc đến viếng, như: đoàn cựu chiến binh tỉnh Bắc Giang, đoàn cán bộ tỉnh Hải Dương… Đứng nghiêm trang trước tượng đài nghe người thuyết minh nói về cuộc đời mẹ Thứ, nhiều người đã khóc, những giọt nước mắt khâm phục ý chí, nghị lực lạ thường của một bà mẹ đã trải qua những năm tháng đau khổ triền miên vì nhớ thương các con. Chiến tranh đã tàn phá, cày nát quê hương Việt Nam, nhưng sự hy sinh tuổi thanh xuân của những người con và cả mẹ Thứ nói lên đầy đủ ý nghĩa về lòng yêu nước của một gia đình trung kiên, bất khuất.
Phiến đá khác bài thơ Hôn mảnh đất quê hương của nhà thơ Thu Bồn |
Trong khuôn viên tượng đài mẹ Thứ, có gần chục phiến đá lớn khắc trích đoạn những vần thơ và lời nhạc ca ngợi các bà mẹ Việt Nam anh hùng, như: Đất nước (Tạ Hữu Yên); Bầm ơi (Tố Hữu); Người mẹ Quảng Nam (Doãn Nho); Người mẹ của tôi (Xuân Hồng) mà ai đến đây cũng phải dừng lại đọc để cảm phục, nhớ ơn những người đã sinh ra các con cho đất nước. Mẹ Thứ đâu chỉ khóc 9 người con ruột, mà cả con rể là Ngô Tường và 2 cháu gái Ngô Thị Cúc, Ngô Thị Điểu (chồng và con bà Lê Thị Trị, con gái đầu của mẹ Thứ) đều hy sinh.
* Tổ quốc mãi vinh danh…
Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến viếng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ là 580 đoàn với khoảng hơn 100 ngàn lượt người. Riêng số khách quốc tế là 850 lượt người. |
Trong lòng khối tượng mẹ Thứ dài 78m là Bảo tàng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó ghi rõ: mất mát đầu tiên của mẹ Thứ vào ngày 18-6-1948 khi người con trai thứ 2 là chiến sĩ giao liên Lê Tự Xuyến bị giặc Pháp bắn ngay tại đầu làng lúc đang làm nhiệm vụ. Tiếp đến là các anh: Lê Tự Hàn Anh hy sinh ngày 5-10-1948; Lê Tự Hàn Em ngày 15-10-1948; Lê Tự Lem đầu tháng 4-1954; Lê Tự Nự tháng 9-1966; Lê Tự Mười và Lê Tự Trịnh năm 1972; Lê Tự Thịnh năm 1974. Đau đớn hơn, khoảng 9 giờ sáng ngày 30-4-1975, con trai cả Lê Tự Chuyển, chiến sĩ biệt động Sài Gòn, hy sinh ngay gần cửa ngõ vào Sài Gòn, chỉ trước vài giờ miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, song mẹ Thứ đã âm thầm chịu đựng mất mát có thể nói vượt quá sức của tất cả những người bình thường.
Nói về mẹ Thứ, nhà báo Hoàng Thị Ngọc Diễm, Thư ký Tòa soạn Báo Quảng Nam, bồi hồi nhớ lại: “Có lần tôi đến thăm mẹ Thứ. Khi ấy mẹ không còn minh mẫn, nhưng gặp bà tôi quá xúc động vì không thể tưởng tượng được vì sao người phụ nữ rất bình dị, nhân hậu này phải trải qua những tháng ngày hy sinh vô bờ bến đến như vậy. Trên bàn thờ là 9 bằng Tổ quốc ghi công của các con bà, ai đến đây đều rơi nước mắt. Qua người con gái là bà Lê Thị Trị, tôi mới thấy nghị lực phi thường của mẹ Thứ. Phải nói rằng, hiếm có bà mẹ nào trên thế gian này lại gánh chịu nhiều mất mát như mẹ Thứ; cũng không ở đâu có người mẹ đi qua những trang sử tang thương của chiến tranh bằng mẹ Thứ. Mỗi lần nghe tin con hy sinh, mẹ cắn răng khóc thầm. Có những lần giấy báo tử của các con từ chiến trường báo về, mẹ thẫn thờ lặng im, nhiều đêm dài sau đó mẹ trằn trọc, thức trắng vì đau buồn, nhớ thương các con…”.
Phiến đá khắc bài thơ Đất nước của Tạ Hữu Yên dựng trong khuôn viên tượng đài mẹ Thứ |
Đã có nhiều bài viết ca ngợi mẹ Thứ - hình mẫu bất tử, nên dẫu bằng bất kỳ bút mực nào khắc họa thêm nữa cũng không thể nói đầy đủ hết công lao của bà, người đã vẹn lòng vì đất nước. Xin viết ra đây những lời thơ của tác giả Thu Bồn (tên thật là Hà Đức Trọng, nhà thơ gốc Quảng Nam) trong bài thơ Hôn mảnh đất quê hương như một sự tri ân, nặng nợ của ông đối với vùng đất có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất nước (11.658 người - số liệu năm 2016), trong đó tiêu biểu là mẹ Thứ:
Đất hỡi đất! Người vẹn lòng yêu nước
Viên đạn bây giờ cày lên viên đạn năm xưa
Chiếc áo màu xanh dù rách nát
Vẫn hiền hòa đùm bọc mẹ sớm trưa…
Tạ Nguyên