Khán giả Việt Nam từng biết Stephane Gauger qua 2 phim Việt khá ấn tượng là Cú và chim se sẻ (2007), Sài Gòn yo! (2011), nay anh bất ngờ trở lại Việt Nam bằng một phim phái sinh (remake) từ kịch bản của Hàn Quốc có tên Yêu đi, đừng sợ!, công chiếu từ ngày 25-8.
Đạo diễn Stephane Gauger. |
Stephane Gauger sinh năm 1970 (mẹ Việt, cha Mỹ gốc Đức) là người của phim trường, nên dường như việc gì liên quan đến phim ảnh anh cũng sẽ làm. Với phim Cú và chim se sẻ, Stephane Gauger từng tham dự gần 30 liên hoan phim ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Phim đã giành được hơn 10 giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Phim truyện đầu tay xuất sắc nhất của Liên hoan phim quốc tế Hawaii và Liên hoan phim Los Angeles (Mỹ); giải ban giám khảo dành cho Phim hay nhất tại Liên hoan phim châu Á ở San Diego và Liên hoan phim San Francisco.
Qua các phim mà anh đã đạo diễn, người xem thấy rõ một chất Việt Nam khá đậm đặc. Sau gần 7 năm quay trở lại Việt Nam làm phim, vì sao anh lại chọn một kịch bản phái sinh, trong khi anh đã viết được những kịch bản khác?
- Năm 2016, CJ Entertainment và HK Film mời tôi về làm trong ê-kíp của phim Cô hầu gái, tôi thấy họ là những đơn vị làm việc phù hợp với tiêu chí của mình, nên nhận lời làm đạo diễn cho một kịch bản mà họ đề nghị. Kịch bản gốc Spellbound (Lời nguyền tình yêu, 2011) là một câu chuyện khá thú vị, dường như người nước nào xem cũng được, nên khi làm lại tôi có nhiều thuận lợi. Tất nhiên, từ quan niệm về việc làm phim của mình, tôi đã cố gắng thay đổi và Việt hóa, để làm sao người xem cảm thấy rằng câu chuyện này cũng có thể xảy ra tại Việt Nam.
* Anh sửa những chi tiết gì trong kịch bản gốc?
- Tất nhiên ai làm tác phẩm phái sinh cũng đều nghĩ rằng mình sẽ làm hay hơn, sẽ thay đổi cho hợp lý và hợp hoàn cảnh sống, hoàn cảnh văn hóa của nước sản xuất hơn. Tôi cũng vậy, dù chỉ có nửa dòng máu Việt, nhưng khi làm phim cho Việt Nam, tôi buộc phải nghĩ cách cho phim mang màu sắc Việt nhiều nhất, dù đây hoàn toàn là câu chuyện hư cấu. Tôi đã làm đậm các màn ảo thuật và các tuyến nhân vật phụ, bên cạnh đó là điều chỉnh lời thoại, cách ứng xử… sao cho tự nhiên, gần gũi với người Việt. Tôi may mắn vì có được các diễn viên giỏi nghề, họ đã giúp tôi rất nhiều trong cách Việt hóa lời thoại, cách biểu lộ cảm xúc cho gần với cách của người Việt hiện nay.
Nhã Phương (vai Phương), Ngô Kiến Huy (vai Tùng) - 2 diễn viên chính của phim. |
* Sau gần 7 năm quay lại, anh thấy môi trường làm phim tại Việt Nam hiện nay thế nào?
- Dù không làm đạo diễn, nhưng tôi vẫn có những công việc khác liên quan tới phim tại Việt Nam, nên có thể thấy được sự phát triển qua từng năm, hiện nay đa đạng hơn 5-7 năm trước rất nhiều. Phim Việt đã tương đối đủ số lượng để đi vào được quỹ đạo của thị trường chiếu bóng, nơi người xem sẽ “bớt khoan nhượng” khi chọn mua vé phim trong nước hoặc phim nhập ngoại. Chỉ 5 năm trước thôi, nếu nói ra ước mơ sẽ có một phim Việt bán vé ngang ngửa phim ngoại nhập là bị xem là ảo tưởng, hôm nay điều đó đã là bình thường. Chính sự đa dạng này sẽ góp phần làm cho phim Việt phát triển bền vững hơn trong tương lai không xa, cả về thương mại và nghệ thuật.
Xem qua trailer thấy không khí phim khá trẻ trung, kết hợp cả tình cảm, sự hài hước, kinh dị với ảo thuật. Trong bối cảnh đời sống có những than phiền về chuyện tình yêu thi đang “dần teo tóp”, sự lãnh đạm, vô cảm thì “tăng trọng”, thông điệp mà anh muốn gửi gắm qua Yêu đi, đừng sợ! là gì?
- Chuyện tình giữa Tùng và Phương trong phim không chỉ là tình yêu trai gái, mà còn là tình yêu vào đời sống, nơi mà sự khó khăn và “ma quái” vốn không hề ít. Nếu có bối cảnh đời sống như bạn hỏi, qua phim của mình, tôi muốn gửi thông điệp rằng: Yêu đi, đừng sợ! Bởi chỉ có tình yêu mới làm cho ta thấy con người, công việc, cuộc sống, xứ sở… thật đáng yêu, đáng sống.
Xin cảm ơn anh và chúc phim sẽ thành công!
Như Hà (thực hiện)