Kinh tế

Chàng kỹ sư làm tranh Việt

Sản phẩm tranh thêu, tranh ghép đá của Phòng tranh Hồn Việt (KP.4, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc) được người chơi tranh tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác biết tiếng.

Anh Lê Trọng Hoan tại phòng tranh Hồn Việt.
Anh Lê Trọng Hoan tại phòng tranh Hồn Việt.

Phía sau thương hiệu đó chính là quá trình nỗ lực vươn lên của đôi vợ chồng trẻ Lê Trọng Hoan và Đoàn Thị Thùy Trang.

* Chọn nghề “tay trái”

Khi còn là sinh viên, Trọng Hoan và Thùy Trang đã có cùng sở thích yêu tranh. Ngày ấy, ngoài thời gian ở tập ở trường, hai bạn thường rủ đến các phòng trưng bày tranh để tham quan. Và cũng từ đó, cả hai cùng ấp ủ ước mơ sau này sẽ tạo lập một phòng tranh cho riêng mình. Qua nghiên cứu nhiều thể loại tranh, như: tranh lụa, tranh sơn dầu, tranh sơn mài, tranh thư pháp... cả hai cảm thấy tranh thêu, tranh ghép đá là gần gũi, phù hợp nhất nên quyết định đầu tư thời gian để tìm tòi, nghiên cứu. Những sản phẩm đầu tay do đôi vợ chồng trẻ này làm ra trở thành quà biếu tặng người thân, bạn bè, hoặc bán lại cho các phòng tranh. Đến năm 2014, sau khi cả hai tốt nghiệp đại học, Hoan và Trang quyết định mang loại hình nghệ thuật này về phát triển tại quê nhà.

Anh Hoan chia sẻ: “Tôi là kỹ sư cơ khí tốt nghiệp Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, Trang thì học về ngành múa nhưng chúng tôi đến với nghề làm tranh này như một cơ duyên. Qua nghiên cứu, tìm tòi, chúng tôi thấy phù hợp với mình nên quyết định theo luôn và trở thành cái nghiệp. Ban đầu, chúng tôi định mở phòng tranh tại TP.Hồ Chí Minh nhưng sau lại quyết định đưa loại hình này về quê, vì tại Xuân Lộc mô hình này còn khá mới lạ. Mở phòng tranh ở quê, chúng tôi cũng mong góp phần giải quyết lao động cho bà con nông thôn”.

* Tạo sự khác biệt

Loại hình tranh thêu, tranh ghép đá đã xuất hiện khá lâu. Do vậy để có thể tồn tại, đứng vững trên thị trường thì bản thân phải có cách làm mới và đặc sắc hơn. Trong quá trình hoạt động, tranh của Hồn Việt luôn chú trọng vào việc lựa chọn chất liệu sợi thêu nhằm giúp màu sắc bức tranh được bền, đẹp theo thời gian. Song song đó, kỹ thuật thêu tranh cũng đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ trong từng đường kim mũi chỉ, đặc biệt ở các họa tiết nhỏ. Đây chính là yếu tố giúp bức tranh sắc sảo và sống động... Tùy theo kích cỡ, họa tiết, sản phẩm tranh thêu có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng chục triệu đồng/bức.

Anh Hoan cho biết: “Sản phẩm tranh của Hồn Việt đã có mặt tại nhiều phòng tranh trong và ngoài tỉnh. Tranh Hồn Việt cũng được nhiều người đặt mua để làm quà biếu tặng cho thân nhân ở nước ngoài”. Nhờ tổ chức thị trường tốt, đến nay cơ sở này đã  phát triển được 3 điểm trưng bày tranh trên địa bàn huyện Xuân Lộc. Phòng tranh góp phần giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động nhàn rỗi tại địa phương, đặc biệt là đối tượng người khuyết tật, người lớn tuổi, các bà nội trợ.

Hải Đình

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,368,598       6/602