Kinh tế

"Định vị" ngành dệt may

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), quý I-2017 toàn ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 6,84 tỷ USD, tăng 11,2%. Mức tăng trưởng này đã xóa đi nỗi ám ảnh khó khăn từ năm 2016 sang 2017 của ngành dệt may.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đồng Tiến.

Năm 2016, các doanh nghiệp dệt may đã trải qua 1 năm khó khăn nhất trong vòng 1 thập kỷ qua, khiến nhiều nhà sản xuất ái ngại trước chỉ tiêu tăng trưởng của năm 2017.

* Mất dần lợi thế

“Điểm mặt” các quốc gia đứng đầu trên thế giới sản phẩm xuất khẩu về may mặc hiện nay là những gương mặt quen thuộc, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Campuchia.

Đây là những nước được xem là công xưởng may mặc của thế giới. Tại hội thảo Dệt may Việt Nam với quy tắc xuất xứ trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh mới đây, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những điểm bất lợi mà ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó quan trọng nhất là không còn lợi thế nhân công rẻ như trước.

Theo phân tích của giới chuyên môn, trong vài năm gần đây các đơn hàng dệt may đang ngày càng bị hút sang những nước, như: Bangladesh, Myanmar, Campuchia, Lào do những nước này được hưởng ưu đãi thuế suất 0% khi xuất vào các thị trường chính, như: Mỹ, EU, Nhật Bản.

Cụ thể, tại thị trường EU, hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang đây phải chịu mức thuế suất trên dưới 10% tùy loại, trong khi đó 4 quốc gia trên được hưởng ưu đãi 0% về thuế.

Tổ chức tư vấn quốc tế cũng chỉ ra rằng, lao động giá rẻ cũng không còn là lợi thế cho doanh nghiệp may mặc của Việt Nam khai thác nữa. Nếu so sánh vấn đề này giữa Việt Nam và Bangladesh - quốc gia đang bám sát với Việt Nam, sẽ thấy khá rõ.

Đơn cử, thu nhập bình quân của một công nhân may mặc ở Việt Nam khoảng 200 USD/tháng, thu nhập của một công nhân tương tự tại Bangladesh gần 70 USD. Không chỉ vậy, số lao động trong ngành dệt may nước này cũng áp đảo với 4,3 triệu người, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 2,5 triệu người.

Do có những lợi thế nói trên nên vài năm gần đây kim ngạch xuất khẩu may mặc của Bangladesh đã rút ngắn khoảng cách với Việt Nam. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu may mặc của Việt Nam đạt 28 tỷ USD, còn Bangladesh cán đích 26 tỷ USD.

* Đi vào chất lượng

Đứng trước những thách thức không nhỏ, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cũng đang tìm cho mình chỗ đứng. Để cải thiện vấn đề này, theo các chuyên gia trong ngành, không còn con đường nào khác là phải nâng cao năng suất và hiệu quả lao động để giảm thiểu thời gian sản xuất ra sản phẩm; làm tốt công tác quản lý rủi ro và duy trì uy tín thương hiệu.

Theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, doanh nghiệp nên chuyển dần từ sản xuất gia công sang các hình thức sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn để nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần tìm kiếm khách hàng trực tiếp, giảm xuất khẩu qua trung gian, giảm chi phí để nâng cao năng lực.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa), cho rằng trải qua năm 2016 khó khăn nhưng những doanh nghiệp may mặc có uy tín vẫn duy trì tốt về đơn hàng, đơn cử như Công ty cổ phần Đồng Tiên đã đạt doanh thu 1.400 tỷ đồng như kế hoạch.

Ông Hoàng cũng đồng ý quan điểm trước sức ép cạnh tranh về giá, doanh nghiệp phải cải tiến năng lực sản xuất để tồn tại. “Mỗi quốc gia có một lợi thế riêng, tìm những lợi thế đó để phát triển sẽ thắng. Trung Quốc có lợi thế về nguyên liệu; Bangladesh, Myanmar, Campuchia có lợi thế về lao động rẻ, nhưng Việt Nam có lợi thế về tay nghề lao động, từ đó nên đi vào các dòng sản phẩm có giá trị cao hơn để cạnh tranh” - ông Hoàng chia sẻ.

Còn Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường thì cho rằng dư địa cho xuất khẩu hàng may mặc vẫn còn, ngành sẽ không chạy theo số lượng mà chú trọng chuyển sang chất lượng để cạnh tranh. Trong năm 2017, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 30 tỷ USD.

Quốc Khánh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,368,514       4/601