Kinh tế

Doanh nghiệp "ngán" xây nhà ở xã hội

Kế hoạch của tỉnh là trong giai đoạn 2016-2020 sẽ hoàn thành 20 ngàn căn nhà ở xã hội. Nhưng sau gần 1,5 năm triển khai, Đồng Nai mới có 3 dự án hoàn thành với hơn 2 ngàn căn. Từ đầu năm 2017, các chủ đầu tư bắt đầu chậm triển khai dự án nhà ở xã hội.

Dự án nhà ở xã hội tại phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa) sau nhiều năm xây dựng đến nay chưa hoàn thành.
Dự án nhà ở xã hội tại phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa) sau nhiều năm xây dựng đến nay chưa hoàn thành.

3 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành đưa vào khai thác bằng cách bán và cho thuê gồm: dự án phường Quang Vinh gồm 716 căn do ngân sách Nhà nước đầu tư, dự án phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) 184 căn do Công ty cổ phần đầu tư - xây dựng Xuân Mai thực hiện và dự án tại huyện Nhơn Trạch của Công ty TNHH một thành viên phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) 1.111 căn. Hiện còn một dự án nhà ở xã hội tại phường Tam Hòa (TP.Biên Hòa) khoảng 408 căn sắp hoàn thành.

Với những khu vực nhu cầu về nhà ở xã hội không có, nhưng lại có quỹ đất 20% dành để phát triển nhà ở xã hội, địa phương nên đề nghị tỉnh cho bán đấu giá lấy tiền xây dựng nhà ở xã hội ở những nơi đang cần.

* Chậm vì ngóng vốn

Theo quy hoạch, Đồng Nai có 83 dự án nhà ở xã hội, trong số đó có 22 dự án đã quá thời hạn quy định không triển khai đã bị tỉnh thu hồi. Từ đầu năm 2017, các chủ đầu tư đều chậm triển khai các dự án nhà ở xã hội vì gói vay ưu đãi 30 ngàn tỷ đồng của Chính phủ tạm ngưng. Mặc dù Chính phủ có ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP chuyển qua vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, song đến nay ngân hàng vẫn chưa bố trí được vốn để cho vay. Hầu hết các doanh nghiệp đang triển khai dự án nhà ở xã hội đều than nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi sẽ rất khó triển khai tiếp các dự án; đồng thời đối tượng thụ hưởng là công nhân, cán bộ công nhân viên chức,... có hoàn cảnh khó khăn cũng không đủ khả năng mua nhà.

Ông Lại Thế Thông, Trường ban Kinh tế - ngân sách, làm trưởng đoàn giám sát nhà ở xã hội tại phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa).
Ông Lại Thế Thông, Trường ban Kinh tế - ngân sách, làm trưởng đoàn giám sát nhà ở xã hội tại phường Quang Vinh (TP.Biên Hòa).

Phó giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Lâm cho hay: “Tỉnh đã giao đất sạch cho chủ đầu tư, nhưng từ đầu năm đến nay các dự án nhà ở xã hội đều chững lại, không được triển khai theo đúng tiến độ. Nguyên nhân chính là do Chính phủ dừng gói 30 ngàn tỷ đồng và chưa phân bổ được vốn mới cho lĩnh vực này”. Theo ông Lâm, quy định của Nhà nước là doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ được hỗ trợ làm hạ tầng đến giáp dự án, tuy nhiên tỉnh chưa bố trí được vốn để làm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngại, chậm thực hiện dự án nhà ở xã hội còn do khâu làm hồ sơ thủ tục hành chính phức tạp như nhà ở thương mại, trong khi lợi nhuận từ nhà ở xã hội thấp hơn nhiều.

“Công ty triển khai dự án nhà ở xã hội đầu tiên của tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành là do khó tiếp cận được vốn vay ưu đãi. Đến khi tiếp cận được vốn vay ưu đãi trong thời gian ngắn thì Chính phủ đã tạm dừng, điều này gây khó khăn không ít cho doanh nghiệp và người mua nhà. Ngoài ra, các thủ tục làm nhà ở xã hội còn rất rườm rà khiến dự án kéo dài” - ông Nguyễn Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Sơn An, cho hay.

* Khó đạt mục tiêu

Ngày 24-5, làm việc với sở, ngành và các chủ đầu tư về tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai xây dựng các dự án về nhà ở xã hội. Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan cần lập phương án hỗ trợ cho chủ đầu tư vay vốn, hỗ trợ về việc tuyên truyền, giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp đầu tư theo đúng quy định; lập kế hoạch sử dụng, hoán đổi quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại trên 10 hécta để trình Chính phủ phê duyệt.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng với Sở Xây dựng cần tổng hợp nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội của người dân; các địa phương rà soát, báo cáo quỹ đất công để đề xuất vị trí xây dựng nhà ở xã hội…

Năm 2017, Sở Xây dựng kiến nghị tỉnh hỗ trợ 90 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP là 40 tỷ đồng trong năm 2017, trong đó vốn từ ngân sách địa phương là 10 tỷ đồng.

Hải Quân

Sau gần 1,5 năm thực hiện, dự án nhà ở xã hội mới đạt hơn 10%, còn khoảng 3,5 năm nữa tỉnh phải thực hiện tiếp gần 18 ngàn căn mới đáp ứng được mục tiêu đề ra. Nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội đều tỏ ra ngao ngán và nhấn mạnh nếu Chính phủ không triển khai tiếp gói vay ưu đãi thì rất khó thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Chính phủ nên đơn giản các thủ tục đầu tư nhà ở xã hội, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bà Đặng Thị Kim Thắm, Phó trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, nói: “Nhiều dự án nhà ở xã hội triển khai từ năm 2004 đến nay vẫn chưa xong. Nếu các chủ đầu tư không đẩy nhanh tiến độ, rất khó hoàn thành kế hoạch 20 ngàn căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020”. Hiện nay, công nhân nhập cư tại Đồng Nai chiếm hơn nửa triệu người và phần lớn có nhu cầu rất bức thiết về nhà ở. Số đông lao động này phải thuê nhà trọ để ở, các nhà trọ hầu hết xập xệ không đảm bảo sức khỏe. Vì thế, có một căn nhà ở xã hội giá rẻ từ 200-300 triệu đồng và trả trong 10-15 năm với lãi suất ưu đãi là mơ ước của rất nhiều công nhân lao động trong các khu công nghiệp tại Đồng Nai.

Khu vực đang cần nhiều dự án nhà ở xã hội là TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom. “IDICO dự tính hoàn thành 3.500 căn nhà ở xã hội vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, nếu Nhà nước không triển khai tiếp gói vay ưu đãi thì rất khó thực hiện theo đúng tiến độ” - ông Phan Văn Quang, Phó giám đốc IDICO, cho biết.

Mới đây, Ban Kinh tế - ngân sách đã có đợt giám sát về nhà ở xã hội tại các địa bàn đang “nóng”, như: 2 huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa. Theo đó, rất nhiều dự án triển khai chậm dù tỉnh đã mạnh tay thu hồi một loạt dự án chậm tiến độ. Ông Lại Thế Thông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách nhận định các dự án nhà ở xã hội chậm triển khai sẽ khiến nhiều nhà trọ mọc lên nhanh, tạm bợ đáp ứng nhu cầu về nhà ở của công nhân nhưng sẽ phá vỡ quy hoạch, vì qua giám sát có rất nhiều nhà trọ xây dựng trên đất nông nghiệp.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,112,556       2/1,051