Kinh tế

Sẽ có giá bồi thường mới cho tài sản trên đất

Mới đây, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã hoàn tất góp ý dự thảo của UBND tỉnh về giá bồi thường, hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiều loại tài sản, cây trồng sẽ được tăng mức bồi thường.

Giá bồi thường cho cây bưởi từ 500 ngàn đồng đến 1,4 triệu đồng/cây tùy vào đường kính so với thực tế vẫn quá thiệt cho nông dân vì bưởi đang thu hoạch cho thu 3-5 triệu đồng/cây/năm.
Giá bồi thường cho cây bưởi từ 500 ngàn đồng đến 1,4 triệu đồng/cây tùy vào đường kính so với thực tế vẫn quá thiệt cho nông dân vì bưởi đang thu hoạch cho thu 3-5 triệu đồng/cây/năm.

Cuối năm 2014, UBND tỉnh có ban hành Quyết định số 55 quy định mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện các dự án tại Đồng Nai. Nhưng qua hơn 2 năm thực hiện, một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế là danh mục tài sản, cây trồng, tài sản quy định còn thiếu. Việc này dẫn đến thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài khiến dự án chậm tiến độ.

* Thay đổi giá bồi thường

Trong quyết định mới về giá bồi thường tài sản trên đất, khi Nhà nước thu hồi sẽ nâng giá trị phê duyệt cho UBND cấp huyện lên tối đa là 80 triệu đồng với tài sản thu hồi và hỗ trợ di dời (hiện tối đa 50 triệu đồng). Những cây trồng không có trong danh mục, các địa phương sẽ thuê đơn vị tư vấn tính toán nếu giá bồi thường, hỗ trợ, hỗ trợ di dời bằng hoặc dưới 500 ngàn đồng/cây do cấp huyện phê duyệt, còn trên 500 ngàn đồng/cây trình UBND tỉnh phê duyệt.

Theo các sở, ngành, địa phương, việc tính toán mật độ, giá bồi thường của một số loại cây trồng, ao nuôi thủy sản... trước nay chưa phù hợp nên gây thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất. Thực tế, hầu hết người dân trong tỉnh đều không muốn đất đai của mình bị thu hồi vì giá bồi thường thấp hơn so với thực tế. Đất đai bị thu hồi hết, các hộ dân lại phải thay đổi nơi ở, môi trường sinh hoạt...

Bà Nguyễn Xuân Thảo (ở xã Bình Sơn, huyện Long Thành), lo lắng: “Gia đình tôi có gần 2 hécta đất trồng cây ăn trái, chăm sóc tốt thì mỗi năm cũng thu được 200 triệu đồng, cuộc sống cũng tạm ổn. Tôi lo nhất là nhà nước làm dự án thu hồi đất, bồi thường cho số tiền hơn tỷ đồng, làm nhà xong cũng gần hết, sau này tôi chưa biết sống bằng nghề gì”. Cũng theo bà Thảo, đất đai khu vực gần Sân bay Long Thành hiện rất “sốt”, từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/sào (1 ngàn m2). Vì thế, nông dân chỉ mong khi thu hồi đất, Nhà nước tính giá bồi thường các loại cây trồng trên đất, giá đất cho phù hợp để nông dân bớt thiệt.

Phó giám đốc Sở Tài chính Lê Văn Thư cho hay: “Sở đã lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương điều chỉnh lại giá bồi thường một số loại cây trồng, ao nuôi thủy sản cho phù hợp với thực tế. Một vài loại cây trồng thời gian qua tính mật độ còn thấp so với thực tế sẽ được điều chỉnh tăng cho phù hợp”. Đơn cử, trước đây với cây sao, nhà nước chỉ tính 833 cây/hécta, song thực tế phần đông người dân trồng mật độ cao hơn nhiều nên trong quyết định mới sắp trình UBND tỉnh phê duyệt sẽ tăng lên 1.100 cây/hécta, tương đương tiền bồi thường tăng thêm gần 173 triệu đồng/hécta. Hay những hộ trồng cây đu đủ đang tính 1.600 cây/hécta là quá ít, tới đây sẽ tăng lên 2.100 cây/hécta, tiền bồi thường tăng thêm 35 triệu đồng/hécta. Đối với ao nuôi thủy sản, hầm chứa nước tính công đào, cải tạo 19 ngàn đồng/m2, sắp tới có thể tăng lên 28,5 ngàn đồng/m2...

Theo đề nghị của huyện Trảng Bom, tỉnh nên điều chỉnh mật độ cây cà phê từ 1,6 ngàn cây/hécta lên 2 ngàn cây/hécta, và 1,6 ngàn nọc cây tiêu/hécta lên 2,5 ngàn nọc cây tiêu/hécta. Phía TX.Long Khánh đề nghị tỉnh tăng giá bồi thường cho cây bơ khi Nhà nước thu hồi đất thêm 50%, giếng khoan...

* Thêm nhiều loại cây trồng và tài sản

Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 55 về giá bồi thường hỗ trợ tài sản khi Nhà nước thu hồi đất tại Đồng Nai, đã phát sinh thêm nhiều loại cây trồng, tài sản không có trong danh mục bồi thường khiến việc tính toán gặp khó khăn. Vì vậy, tỉnh sẽ bổ sung thêm danh mục này để khi thực hiện bồi thường thu hồi đất cho các dự án sẽ thuận tiện hơn và người dân bị thu hồi đất bớt bị thiệt.

Cụ thể là bổ sung thêm cây chùm ngây, chanh dây giá 172 ngàn đồng/cây, cây trầu không 5 ngàn đồng/cây, dưa tây, dưa quả các loại từ 7-11 ngàn đồng/m2... Những cây lâu năm, như: điều, chôm chôm, sầu riêng, bơ, măng cụt, ổi... mức bồi thường sẽ dựa vào đường kính của gốc cây tính toán. Bên cạnh đó, nhà cửa, vật kiến trúc bị giải tỏa một phần thì cũng được bồi thường hoặc hỗ trợ phần bị giải tỏa. Những công tình, vật kiến trúc khi giải tỏa ảnh hưởng đến phần còn lại không giải tỏa sẽ được tính toán bồi thường, hỗ trợ.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, nói: “Trong quy định mới, giá bồi thường các loại tài sản được bổ sung thêm danh mục chi tiết đầy đủ hơn. Riêng về đất đai giá bồi thường trước đây thường dựa trên bảng giá đất 5 năm của tỉnh nên không sát thực tế nên người dân bị thu hồi đất, tài sản còn bức xúc. Lần này từ góp ý các sở, ngành, địa phương sẽ điều chỉnh giá bồi thường ngang bằng giá thị trường sẽ giảm khiếu nại”.

Theo nông dân Lê Văn Trung (ở xã Bảo Quang, TX.Long Khánh), với sầu riêng đang cho trái có thể cho thu lới từ 300-400 triệu đồng/hécta/năm. Nhưng nếu không may bị quy hoạch, Nhà nước thu hồi làm dự án, tiền bồi thường cây trồng chỉ gần 400 triệu đồng/hécta là rất thiệt cho dân, vì sầu riêng chăm sóc tốt sẽ cho thu hoạch lâu dài. Khi quy hoạch các dự án, tỉnh nên chọn những vùng đất đai cằn cỗi khó phát triển được những cây trồng có giá trị để lợi cả đôi đường.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: “Đồng Nai đang triển khai rất nhiều dự án, phải thu hồi đất nên sửa đổi quyết định lần này là để người dân bị thu hồi đất bớt thiệt thòi và giảm được khiếu nại, kiện tụng. Trong mỗi dự án, nên thuê tư vấn tính toán giá bồi thường cho phù hợp với thực tế để cả người dân và nhà nước đều không bị thiệt”.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,114,140       43/1,135