Thế giới

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: ‘ASEAN đạt được nguyên tắc chưa từng có’

Quan chức ngoại giao cao nhất của Việt Nam cho biết Hội nghị ngoại trưởng ASEAN đã đạt được nguyên tắc tôn trọng các biện pháp pháp lý trong giải quyết tranh chấp, khẳng định sự đoàn kết của khối trước những mối hoài nghi.

pho-thu-tuong-pham-binh-minh-asean-dat-duoc-nguyen-tac-chua-tung-co

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Nhật Minh

- Tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần 49 tại Lào, vấn đề biển Đông được đặt ra và tranh luận như thế nào?

- Đương nhiên phải tranh luận, nhưng vấn đề quan trọng nhất là duy trì được vai trò trung tâm đoàn kết trong ASEAN trên tất cả các vấn đề của khu vực. Từ trước đến nay nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng trong ASEAN không đạt được đồng thuận. Nhưng Hội nghị AMM-49 đã đạt được Tuyên bố chung. Trong lời lẽ Tuyên bố, các vấn đề liên quan đến biển Đông đã đạt được những yếu tố có từ trước đến nay, và còn hơn thế: khẳng định các nước ASEAN tiếp tục quan tâm, lo ngại về tình hình biển Đông, về các hoạt động gây căng thẳng…

- Vì sao Tuyên bố chung không đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) trong vụ kiện của Philippines, cũng như các biện pháp pháp lý?

- Trong thực tế, điều đó đã được khẳng định ngay phần đầu tiên, trong mục xây dựng cộng đồng ASEAN đến năm 2025. Các quốc gia ASEAN đưa ra một nguyên tắc mà từ trước đến nay trong các văn kiện chưa có, đó là nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các biện pháp pháp lý, ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển 1982.

Tại sao phải gắn giữa Công ước luật Biển với các biện pháp ngoại giao, pháp lý? Vì đó là điều mà các nước muốn hàm ý, gắn vào vấn đề trên biển. Như thế, dù không đề cập vào phần biển Đông, nhưng đã nêu ở phần trang trọng là các nguyên tắc xây dựng Cộng đồng. Đây là thành công lớn của hội nghị lần này, qua đó đã khẳng định lại vai trò trung tâm của ASEAN và tinh thần đoàn kết của khối.

- Quan điểm của các quốc gia Đông Nam Á về phán quyết của PCA trong hội nghị như thế nào?

- Đây là vụ kiện pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc nên có nước đề cập, có nước không, cách thức đề cập khác nhau. Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng và tiếp tục nghiên cứu về nội dung phán quyết.

Các nước khác, trong đó có nhiều nước ASEAN, ghi nhận tuyên bố này. Một số nước không đề cập về vụ kiện, nhưng khẳng định mong muốn giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển.

Dù cách thức nói khác nhau, các bên đều nhận thức phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển. Các nước ngoài khu vực thì có những nước hoặc tuyên bố thẳng, hoặc hoan nghênh và ghi nhận. Đương nhiên cũng có những nước không chấp nhận phán quyết của Tòa.

pho-thu-tuong-pham-binh-minh-asean-dat-duoc-nguyen-tac-chua-tung-co-1

Ngoại trưởng các nước ASEAN trong Hội nghị diễn ra tại Vientiane, Lào. Ảnh: AP

- Khi các thành viên ASEAN có quan điểm khác nhau, cơ chế đồng thuận của khối sẽ được nhìn nhận như thế nào?

- ASEAN hoạt động theo Hiến chương, với một trong những nguyên tắc là đồng thuận. Vì sao ASEAN đóng vai trò trung tâm, đó là vì ASEAN có được sự đoàn kết trong nội khối.

ASEAN đang duy trì nguyên tắc đồng thuận. Việc có thay đổi hay không phải phụ thuộc vào Hiến chương ASEAN, nhưng đây là vấn đề khác. Cho đến nay, các nước ASEAN vẫn tạo ra khối đoàn kết, tạo được sự nhất trí và ra được tuyên bố chung tại hội nghị vừa qua.

Kết quả hội nghị này, đi kèm với tuyên bố chung còn có ba văn bản quan trọng, trong đó có tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc yêu cầu thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). 

Võ Hải – Nguyễn Hoài

VNExpress

Phó Thủ tướng, Phạm Bình Minh, ASEAN, AMM-49, Lào


© 2021 FAP
  2,860,824       15/1,263