Thế giới

Vụ cứa cổ linh mục nguy cơ thổi bùng xung đột tôn giáo ở Pháp

Ngọn lửa xung đột tôn giáo ở Pháp có nguy cơ bùng lên bất cứ lúc nào sau khi một linh mục nhà thờ bị những kẻ có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo cứa cổ hôm 26/7.

vu-cua-co-linh-muc-nguy-co-thoi-bung-xung-dot-ton-giao-o-phap

Nhà thờ bị tấn công ở Saint Etienne du Rouvray. Ảnh: Le Figaro

Thương vong trong vụ tấn công được kích động bởi Nhà nước Hồi giáo (IS) tại một nhà thờ ở ngôi làng nhỏ thuộc vùng Saint Etienne du Rouvray, miền bắc Pháp, tương đối nhỏ, với một người chết và một người bị thương. Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó tới xã hội Pháp lại rất khó đong đếm, theo Washington Post.

Rất nhiều người lúc này coi vụ tấn công trên là biểu hiện của một cuộc xung đột tôn giáo dai dẳng tại Pháp, một vùng đất thế tục về danh nghĩa nhưng xã hội ngày càng chia rẽ sâu sắc, bình luận viên James McAuley đánh giá.

Với những người bảo thủ nổi bật, trong tất cả các vụ khủng bố xảy ra tại Pháp hơn một năm qua, từ cuộc tấn công vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo tháng một năm ngoái, đánh bom liên hoàn ở Paris tháng 11, đến vụ đâm xe ở Nice hồi giữa tháng, không vụ việc nào được nhìn nhận như một sự sỉ nhục sâu sắc đối với hệ tư tưởng lâu đời của Giáo hội Công giáo bằng vụ tấn công tại Saint Etienne du Rouvray hai ngày trước.

Thời điểm đó, Adel Ker­miche, 19 tuổi, cùng một đồng phạm xông vào giáo xứ địa phương và cắt cổ linh mục Jacques Hamel, 85 tuổi, giữa lúc ông đang cử hành thánh lễ.

Ker­miche từng nằm trong vòng theo dõi của cơ quan điều tra Pháp bởi y hồi năm ngoái hai lần tìm cách đến Syria nhưng bất thành. Y cũng thường xuyên đăng tải trên mạng xã hội những thông điệp kêu gọi người Hồi giáo ở Pháp nhập cư đến các quốc gia Hồi giáo hay tiến hành những vụ tấn công bạo lực ngay trên đất Pháp, theo một báo cáo từ Viện nghiên cứu Truyền thông Trung Đông.

Gần như ngay lập tức sau khi tin tức được công bố, cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã lên án vụ tấn công là hành vi chống lại "linh hồn của nước Pháp" trên mạng xã hội Twitter. Tương tự, Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, tuyên bố vụ tấn công đe dọa  tới "bản sắc văn hóa dân tộc".

Đối với bà Le Pen cùng rất nhiều người dân Pháp khác, rõ ràng cuộc tấn công nhằm vào nhà thờ dù nhỏ nhưng lại là mối đe dọa rất lớn đối với quốc gia, cây bút McAuley nhận định.

Trước chuỗi vụ tấn công khủng bố ở Paris khiến 130 người thiệt mạng hồi tháng 11/2015, ông Sarkozy cũng chỉ nói rằng "khủng bố đã tuyên chiến". Bà Le Pen thì nhấn mạnh vụ việc cho thấy "trung tâm nước Pháp đang rung chuyển vì một hành vi vô cùng man rợ". Nhưng việc một linh mục nhà thờ bị sát hại về mặt nào đó đối với họ chính là đòn giáng nhắm vào những giá trị làm nên nước Pháp, McAuley nhận xét.

Mặc dù chính thức theo đường lối thế tục từ năm 1905, Pháp vẫn là một quốc gia của 45.000 nhà thờ Công giáo và hầu như tất cả các ngày nghỉ lễ đều dành cho người Thiên chúa. Pháp cũng là một trong những nước có dân số Hồi giáo lớn nhất ở châu Âu nhưng hành động đeo mạng che mặt khi ra đường, một quy định mà phụ nữ Hồi giáo phải tuân theo, lại bị nghiêm cấm.

Một cuộc tranh cãi gay gắt hồi tháng trước nổ ra ở Pháp khi bộ trưởng giáo dục nước này đề xuất dạy tiếng Arab cho học sinh tiểu học tại các trường công lập.

"Ở Pháp có văn hóa Pháp và đấy là thứ cần phải học trước tiên", Bruno Le Maire, một thành viên bảo thủ của quốc hội, lúc bấy giờ nói với kênh BFM TV, phản đối ý tưởng của bộ trưởng. Và cụm từ "văn hóa Pháp" ở đây không bao gồm văn hóa Arab hay Hồi giáo.

VNExpress

Pháp, Nhà nước Hồi giáo, IS, nhà thờ, linh mục


© 2021 FAP
  2,861,535       9/1,268